Doanh nghiệp hàng không khởi sắc nhờ cú huých từ khách quốc tế
Bầu trời ngành hàng không Việt Nam trong quý 2/2024 đang dần sáng hơn nhờ khách quốc tế trở lại mức trước dịch.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, tổng lượng hành khách trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 38 triệu người, tăng 6.7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, khách quốc tế đã vượt mốc 21 triệu người, tăng ấn tượng 44% so với năm 2022 và vượt 3% so với thời điểm trước đại dịch năm 2019.
"Tính đến lịch bay mùa hè 2024, 63 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam đã khôi phục hoàn toàn mạng đường bay quốc tế như giai đoạn trước dịch COVID-19 và còn tiếp tục mở rộng sang các thị trường mới ở Trung Á, Ấn Độ, Australia. Các hãng hàng không Việt Nam chiếm 44% thị phần hành khách quốc tế với hệ số sử dụng ghế trung bình trên 77%", lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam thông tin.
Đáng chú ý, thị trường vận tải trọng điểm Trung Quốc đang dần hồi phục, đạt 2.5 triệu khách trong 6 tháng đầu năm, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2023 song, mới bằng 62% so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường hành khách từ đất nước tỷ dân cũng quay trở lại vị trí thứ 2 trong số 10 thị trường quốc tế lớn nhất trong quý 2/2024. Còn thị trường Hàn Quốc vẫn là thị trường quan trọng nhất, đạt 5.3 triệu khách trong 6 tháng qua.
Trái ngược với sự bùng nổ của khách quốc tế, thị trường nội địa lại cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt. Trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng khách nội địa đạt 17 triệu lượt, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước.
Các hãng bay lớn tăng mạnh thị phần
Sự hồi phục của lượng khách quốc tế - vốn mang lại biên lợi nhuận cao hơn – đang thổi luồn gió mới vào các công ty trong ngành hàng không.
Vietnam Airlines (HVN) đã chuyển từ khoản lỗ 1,362 tỷ đồng trong quý 2/2023 sang lãi 934 tỷ đồng trong quý 2/2024. Tuy nhiên, sự hồi sinh này không chỉ đến từ việc cải thiện hoạt động kinh doanh mà còn nhờ vào khoản xóa nợ gần 1,700 tỷ đồng, đặt ra câu hỏi về tính bền vững trong dài hạn.
Trong khi đó, hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air (VJC) tiếp tục cho thấy khả năng thích ứng linh hoạt. Mặc dù doanh thu giảm nhẹ 4%, đạt 16,224 tỷ đồng, hãng vẫn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng 171%, đạt 578 tỷ đồng. Còn hai hãng hàng không Bamboo Airways và Vietravel Airlines vẫn chưa có số liệu kết quả kinh doanh cụ thể.
Kết quả kinh doanh quý 2/2024 của các doanh nghiệp hàng không
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
Bức tranh thị phần hàng không cũng có nhiều biến chuyển. Theo báo cáo từ Kirin Capital, thị phần của hai "ông lớn" đầu ngành Vietnam Airlines và Vietjet lần lượt đạt 42.2% và 42.8%, gia tăng đáng kể so với năm 2023 khi chỉ ở mức lần lượt là 36.7% và 38.6%.
Thị phần tăng thêm từ hai "ông lớn" phần lớn do "miếng bánh" mà Bamboo Airways để lại sau khi quyết liệt tái cấu trúc năm 2024, chỉ tập trung phát triển hiệu quả một số đường bay "vàng" nội địa. Tính đến thời điểm hiện tại, thị phần Bamboo Airways chỉ còn đạt mức 7.4%. Đối với Pacific (công ty con của Vietnam Airlines), sau 3 tháng ngừng bay do tái cơ cấu, từ cuối tháng 6/2024, chuyến bay đầu tiên cất cánh trở lại trên các đường bay nội địa.
Dịch vụ hàng không được đà tiến tới
Trong lĩnh vực dịch vụ hàng không, ACV - "ông trùm" cảng hàng không - tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu với kết quả kinh doanh kỷ lục. Doanh thu thuần tăng 12%, đạt 5,535 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 24%, chạm mốc 3,228 tỷ đồng. Đáng chú ý, ACV cũng đang dần cải thiện phần đóng góp của mảng dịch vụ phi hàng không. Tại cuộc họp thường niên 2024, CEO Vũ Thế Phiệt cho biết , ACV đã chuyển hướng mảng phi hàng không theo mô hình hợp tác kinh doanh chia sẻ doanh thu với các đối tác cung cấp dịch vụ tại sân bay.
Hiện tại, ACV đang dồn lực vào hai dự án then chốt: Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Nhà ga T3 -Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.
CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) nổi lên như một ngôi sao sáng trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa hàng không. Doanh thu thuần đạt 264 tỷ đồng và lãi ròng 190 tỷ đồng, tăng tương ứng 53% và 47% so với cùng kỳ. Thành tích này đến từ sự hồi phục của nhu cầu hàng hóa và việc thu hút thêm khách hàng mới từ Qatar.
Tuy nhiên, không phải mọi doanh nghiệp đều được tận hưởng "quả ngọt". CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SGN) chứng kiến sự sụt giảm về lợi nhuận 15%, xuống còn 64 tỷ đồng trong quý 2/2024, dù doanh thu tăng 4%, đạt 380 tỷ đồng. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do chi phí quản lý tăng vọt 40%, chủ yếu do trích lập dự phòng nợ khó đòi từ Bamboo Airways.
Mặc dù vậy, triển vọng của SGN vẫn được đánh giá là tích cực, đặc biệt khi công ty đang chuẩn bị cho "trận chiến" tại sân bay Long Thành, một dự án được Chủ tịch Đặng Tuấn Tú coi là "quyết định tương lai của SGN".
CTCP Dịch vụ Hàng không Tân Sơn Nhất (SASCO, UPCoM: SAS), doanh nghiệp được dẫn dắt bởi ông Johnathan Hạnh Nguyễn, cũng có kết quả trái chiều. Doanh thu thuần tăng 8%, đạt 654 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm gần 9%, chỉ đạt 68 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự gia tăng của chi phí bán hàng và quản lý, cùng với sự suy yếu của hoạt động tài chính.
Nhìn chung, bức tranh ngành hàng không Việt Nam trong quý 2/2024 đã hé lộ gam màu sáng , nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Sự hồi sinh của các "đại bàng" như Vietnam Airlines và ACV đang tạo động lực cho cả ngành, trong khi các doanh nghiệp dịch vụ phụ trợ như SCS đang tận dụng tốt cơ hội để bứt phá. Tuy nhiên, sự phục hồi không đồng đều và những thách thức về chi phí, cạnh tranh vẫn là những vấn đề cần được quan tâm trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường