Doanh nghiệp địa ốc vất vả với kế hoạch gọi vốn mới
Kế hoạch gọi vốn của nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn chưa triển khai như kỳ vọng do kết quả kinh doanh đi lùi.
Tác động từ thị trường chứng khoán
Sau nhịp bật tăng đầu năm 2024, kể từ tháng 6 đến đầu tháng 12/2024, thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn ảm đạm, đi ngang trong biên độ hẹp với thanh khoản có dấu hiệu suy giảm, nhiều cổ phiếu nhóm vốn hóa vừa và nhỏ có dấu hiệu bị bán mạnh trên diện rộng.
Thống kê từ ngày 12/6 đến ngày 10/12, chỉ số VN-Index giảm 2,16% về 1.272,07 điểm, chỉ số VN30 tăng nhẹ 0,3% lên 1.335,85 điểm. Trong đó, đà lao dốc của nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ được bù đắp bởi sức nóng nhóm cổ phiếu trụ, khi trong giai đoạn từ ngày 12/6 đến ngày 10/12, hàng loạt cổ phiếu lớn đã đóng góp tích cực cho chỉ số như VCB đóng góp 10,9 điểm, FPT đóng góp 9,77 điểm, cổ phiếu LPB đóng góp 5,74 điểm, cổ phiếu VHM đóng góp 4,9 điểm, cổ phiếu CTG đóng góp 4,67 điểm…
Nhóm các cổ phiếu trụ, vốn hóa lớn bật tăng, đóng góp tích cực cho chỉ số, nhưng hàng loạt cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ lại có dấu hiệu lao dốc, thanh khoản suy giảm. Trong đó, các cổ phiếu có kế hoạch gọi vốn mới cũng không phải ngoại lệ khi giảm khá mạnh, vì vậy, hoạt động huy động vốn mới của nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp địa ốc, chưa thể triển khai như kế hoạch đặt ra hồi đầu năm.
Đơn cử, tại Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp, mã DIG), mặc dù doanh nghiệp đang trong quá trình gọi vốn mới, nhưng gần đây giá cổ phiếu lại liên tục lao dốc, trong đó, từ ngày 12/6 đến ngày 10/12, cổ phiếu DIG giảm 24,32%, từ 27.750 đồng về 21.000 đồng/cổ phiếu, nên kế hoạch đang phải chững lại.
Tương tự, tại Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Nam Hà Nội (mã NHA), từ ngày 21/6 đến ngày 4/11, cổ phiếu NHA đã giảm 26,23%, từ 32.600 đồng về 24.050 đồng/cổ phiếu và mới bật tăng trở lại lên 29.650 đồng/cổ phiếu (ngày 10/12).
Thêm nữa, tại Tổng công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (Saigonres, mã SGR), nhờ câu chuyện phát hành riêng lẻ 20 triệu cổ phiếu cho ông Phạm Thu, Chủ tịch HĐQT với giá 40.000 đồng/cổ phiếu, từ ngày 20/5 đến ngày 16/9, cổ phiếu SGR đã bật 132,3%, từ 21.200 đồng lên 49.250 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau khi thông tin phát hành riêng lẻ chính thức được thông qua, cổ phiếu hết động lực, giảm 22,44%, về 38.200 đồng/cổ phiếu từ đỉnh ngày 16/9 và thanh khoản cổ phiếu sụt giảm mạnh.
Lý giải nguyên nhân thị trường ảm đạm cuối năm, ông Lâm Văn Vân, đại diện Quỹ đầu tư ECI Capital nêu quan điểm, hồi đầu năm, thị trường kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ bước vào giai đoạn hồi phục, tăng trưởng mạnh lợi nhuận từ nền thấp năm 2023, đồng thời cộng thêm niềm tin từ việc Chính phủ nỗ lực nâng hạng thị trường. Tuy nhiên, nửa cuối năm, khi nhiều doanh nghiệp kinh doanh không tốt, dòng tiền nhà đầu tư không cân được áp lực bán ròng của khối ngoại, nên thanh khoản thị trường sụt giảm và nhiều cổ phiếu bị bán ngược lại.
Trì hoãn và chậm triển khai kế hoạch gọi vốn mới
Về kế hoạch gọi vốn, đầu năm 2024, DIC Corp lên kế hoạch chào bán 200 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, huy động 3.000 tỷ đồng và dự kiến triển khai từ quý II đến quý IV/2024.
Tuy nhiên, gần hết năm tài chính 2024, DIC Corp vẫn chưa triển khai đợt chào bán cổ phiếu nào.
Thực tế, bên cạnh giá cổ phiếu lao dốc, DIC Corp còn thể hiện kết quả kinh doanh không như mong muốn. Trong đó, 3 quý đầu năm 2024, DIC Corp ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm 70%, về 140,37 tỷ đồng và mới hoàn thành 4,2% so với kế hoạch lãi tham vọng 1.010 tỷ đồng trong năm 2024.
Mặc dù mới hoàn thành 4,2% kế hoạch trong 3 quý đầu năm 2024, nhưng ông Nguyễn Quang Tín, Tổng giám đốc DIC Corp vẫn tự tin về khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2024 như kế hoạch đầu năm với các dự án trọng điểm Đại Phước, Nam Vĩnh Yên, Hậu Giang.
Tương tự, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn (Saigontel, mã SGT) chia sẻ tham vọng triển khai đồng bộ 7 dự án bất động sản công nghiệp tại Thái Nguyên, Bắc Ninh, Long An, Đà Nẵng và hàng loạt dự án bất động sản thương mại.
Để đáp ứng việc triển khai đồng bộ nhiều dự án bất động sản công nghiệp và thương mại, trong năm 2024, Saigontel tiếp tục lên kế hoạch thu xếp nguồn vốn từ 3.000 tỷ đồng đến 3.500 tỷ đồng qua việc tăng vốn từ đối tác chiến lược, vay vốn ngân hàng, các định chế tài chính và đặc biệt, lên kế hoạch chào bán riêng lẻ 75 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 50,7% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành), dự kiến triển khai trong năm 2024 (kế hoạch chào bán riêng lẻ chuyển tiếp từ năm 2023 sang năm 2024, giảm lượng chào bán từ 100 triệu cổ phiếu về 75 triệu cổ phiếu).
Song gần hết năm 2024, nhưng Saigontel vẫn chưa triển khai đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ, bởi kết quả kinh doanh vẫn khiêm tốn khi 3 quý đầu năm 2024 mới lãi trước thuế 52,97 tỷ đồng, tăng 26,75% so với cùng kỳ và chỉ hoàn thành 11,8% so với kế hoạch tham vọng lãi 450 tỷ đồng trong năm 2024.
Riêng đối với Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Nam Hà Nội, đơn vị này vừa thông qua việc dừng kế hoạch chào bán hơn 8,83 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu đã thông qua đầu năm, khi cổ phiếu NHA biến động mạnh trong thời gian ngắn.
Có thể thấy, trong bối cảnh thị trường ảm đạm, kế hoạch gọi vốn của nhiều doanh nghiệp dù đã thông qua từ đầu năm vẫn chưa thể triển khai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường