Doanh nghiệp bảo hiểm: "Kẻ cười, người khóc" vì đầu tư cổ phiếu
Theo nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, thị trường chứng khoán bất ổn ảnh hưởng tới nguồn thu của doanh nghiệp trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, thống kê của Dân Việt cho thấy, vẫn có một số doanh nghiệp lãi gấp đôi từ đầu tư cổ phiếu.
Thống kê báo cáo tài chính nửa đầu năm 2022 của các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường gồm: Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Minh, Bảo hiểm Quân đội (MIC), Bảo hiểm Agribank (ABIC), Bảo hiểm BIDV (BIC) và Bảo hiểm Bảo Long cho thấy bức tranh trái chiều giữa doanh thu và lợi nhuận.
Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp bảo hiểm "bốc hơi" nửa đầu năm
Cụ thể, tổng doanh thu phí bảo hiểm nửa đầu năm của 7 ngân hàng được thống kê đạt trên 35.970 tỷ đồng, tăng 3.600 tỷ so với cùng kỳ, tương ứng với mức tăng trên 11%. Trong đó, tăng mạnh nhất về doanh thu là Bảo hiểm PVI với mức tăng gần 26%.
Các doanh nghiệp còn lại doanh thu phí bảo hiểm trong kỳ tăng từ 4,4% - 21,8%. Trong đó, "ông lớn" Bảo hiểm Bảo Việt tăng 6,2% mang về hơn 20.000 tỷ đồng doanh thu trong nửa đầu năm.
Tuy nhiên, tổng lợi nhuận trước thuế của 7 doanh nghiệp bảo hiểm theo thống kê của Dân Việt lại "đi lùi" 12%, xuống còn 2.222 tỷ đồng. Trong đó, 5/7 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm gồm Bảo Việt và Bảo hiểm PVI đều giảm 8%. Giảm mạnh nhất là Bảo hiểm Agribank (ABIC). Tiếp theo là BIC và MIC lần lượt giảm 27% và 26%.
Ngược lại, Bảo hiểm Bảo Long (BLI) và Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) tăng trưởng lần lượt 22% và 1% lợi nhuận trước thuế so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng hợp báo cáo tài chính bán niên của các DN bảo hiểm. (Ảnh: LT)
"Kẻ khóc người cười" vì đầu tư cổ phiếu
Theo báo cáo cập nhật về ngành bảo hiểm gần đây, CTCP Chứng khoán SSI cho rằng kết quả lợi nhuận sẽ không mấy khả quan đối với hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm do diễn biến của thị trường chứng khoán không thuận lợi. Ngoại trừ ABIC, tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm đều có đầu tư cổ phiếu.
Năm 2021, đầu tư cổ phiếu chiếm khoảng 2-9% tổng danh mục đầu tư và chiếm 10-46% lợi nhuận đầu tư. Các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp bảo hiểm có thể sẽ phải trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư cổ phiếu làm ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng.
Thực tế, thống kê của Dân Việt cũng cho thấy, tác động từ sự sụt giảm của thị trường chứng khoán trong nửa đầu năm đã được thể hiện trên báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp bảo hiểm.
Chẳng hạn như tại Bảo hiểm Bảo Việt, danh mục chứng khoán kinh doanh của đơn vị này có giá gốc vào cuối tháng 6 là 2.954 tỷ đồng, tăng 3,94% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng 1,5% tổng tài sản.
Tuy nhiên, giá trị thuần tại cùng thời điểm là hơn 2.709 tỷ đồng, như vậy doanh nghiệp dự phòng lỗ hơn 244,7 tỷ đồng, tăng 433% so với đầu năm. Riêng cổ phiếu niêm yết dự phòng lỗ 202 tỷ đồng. Đồng thời, lãi từ đầu tư kinh doanh chứng khoán trong kỳ này của BVH sụt giảm 36% so với cùng kỳ.
Tại Bảo hiểm Bảo Long (BLI) dù tăng trưởng lợi nhuận 22% trong 6 tháng đầu năm nhưng riêng trong quý II, doanh nghiệp lỗ hơn 65 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Doanh nghiệp cho biết, sự sụt giảm này là do thị trường chứng khoán bất ổn.
Theo đó, Bảo hiểm Bảo Long phải dùng vốn dự trù hơn 10 tỷ đồng cho danh mục chứng khoán kinh doanh bao gồm dự phòng hơn 3,7 tỷ đồng cho mã HPG, mã PEG dự phòng hơn 2,7 tỷ đồng, STB 2,1 tỷ đồng, CTD 1,1 tỷ đồng và PCF dự phòng 251 triệu đồng.
Trong quý II, chi phí bồi thường của doanh nghiệp cũng tăng 85% so với cùng kỳ (hơn 60 tỷ đồng) do phát sinh một số vụ bồi thường lớn. Điều này làm tăng tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Bảo Long khi so sánh với cùng kỳ.
Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm "khóc ròng" vì đầu tư cổ phiếu trong nửa đầu năm.
Tương tự, Bảo hiểm BIC ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm giảm 27% so với cùng kỳ, còn 163 tỷ đồng. Theo lý giải của doanh nghiệp, kết quả này là do lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm và đầu tư tài chính của BIC giảm mạnh so với cùng kỳ với mức giảm lần lượt là 14% và 27%.
Tuy nhiên, nhìn vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp có thể thấy, trong kỳ bảo hiểm BIC đã phải tăng dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh từ 868 triệu đồng lên 14 tỷ đồng, tương ứng tăng 1.513%. Đồng thời, lãi từ hoạt động đầu tư chứng khoán cũng "bốc hơi" 69%
Ngược lại, dù nằm trong nhóm lợi nhuận giảm mạnh, nhưng lãi từ đầu tư cổ phiếu trong nửa đầu năm của bảo hiểm MIC tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ, lên 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản lãi thu về từ đầu tư cổ phiếu lại không đủ bù đắp cho khoản sụt giảm từ lãi tiền gửi của doanh nghiệp (giảm 36,7%).
Tương tự, Bảo hiểm PVI lãi từ kinh doanh cổ phiếu tăng từ 25,8 tỷ lên 33,1 tỷ đồng, ngược lại lãi tiền gửi tiền cho vay giảm mạnh từ 283 tỷ xuống còn 213 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng không phải tăng dự phòng cho khoản mục chứng khoán kinh doanh.
Theo kết quả khảo sát của CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), phần lớn doanh nghiệp bảo hiểm dự kiến mức tăng doanh thu ngành bảo hiểm năm 2022 chỉ từ 10 - 14%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng thực tế năm 2021 (24,98%).
Trong đó các doanh nghiệp mảng phi nhân thọ khá thận trọng với kế hoạch tăng lợi nhuận âm hoặc dương nhưng với mức thấp hơn tốc độ tăng doanh thu phí bảo hiểm gốc.
Nguyên nhân của mức kỳ vọng tăng trưởng doanh thu thấp trong năm đến từ ba yếu tố chính gồm xu hướng giảm đà tăng trưởng của nhóm bảo hiểm nhân thọ đã rõ nét hơn trong hai năm trở lại đây, các khoản chi phí tăng mạnh trở lại và cơ hội đầu tư ảm đạm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những khó khăn trên chỉ là ngắn hạn, tiềm năng thị trường dài hạn còn rất lớn. Sự thay đổi của Luật kinh doanh bảo hiểm mới (sửa đổi) sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển lâu dài của thị trường bảo hiểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận