Điện gió được ưu tiên phát triển, doanh nghiệp nào có dư địa phát triển lớn?
Quy hoạch Điện VIII khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (ngoài thuỷ điện), có thể lên tới gần 40% vào năm 2030. Trong đó, các dự án điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi, được ưu tiện phát triển nhằm phục vụ nhu cầu điện trong nước lẫn xuất khẩu.
Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo
Theo các đánh giá mới đây của hãng Chứng khoán Tiên Phong, tiêu thụ điện trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng của Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm 2025 trong bối cảnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ mạnh vào các lĩnh vực này.
Dữ liệu cho thấy, tỷ trọng vốn FDI đăng ký mới vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng trong tổng FDI đăng ký mới đã tăng từ 46,7% vào năm 2021, 57,9% vào năm 2022, khoảng 78,5% vào năm 2023, và đạt 70,2% trong 4 tháng đầu năm nay.
(Nguồn: EVN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TPS Research tổng hợp)
Hiện lĩnh vực công nghiệp và xây dựng cũng là nhóm ngành tiêu thụ điện lớn nhất cả nước, luôn chiếm trên 50% tổng sản lượng điện tiêu thụ trong những năm gần đây. Do đó, sự phục hồi của nhóm ngành này với trợ lực từ dòng vốn FDI sẽ là động lực chính thúc đẩy tiêu thụ điện trong thời gian tới.
Cũng theo đánh giá của Chứng khoán Tiên Phong, với việc Quy hoạch Điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII đã được thông qua và đi vào thực hiện, mảng năng lượng tái tạo sẽ là một trong những nhóm ngành điện hưởng lợi lớn nhất.
Theo Quy hoạch Điện VIII, mục tiêu điện thương phẩm của Việt Nam vào năm 2025 đạt khoảng 335 tỷ kWh (mức CAGR 5 năm là 8,9%/năm), đến năm 2030 là khoảng 505,2 tỷ kWh (mức CAGR 5 năm là 8,4%/năm), yêu cầu phát triển nguồn điện ở mức tương ứng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện.
Trong đó, tỷ lệ đóng góp của các nguồn năng lượng tái tạo được đặt mục tiêu chiếm khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030 và định hướng lên đến 67,5% - 71,5% vào năm 2050, so với mức 26,4% của cuối năm 2022.
(Nguồn: Quy hoạch Điện VII, TPS Research)
Đáng chú ý, điện gió sẽ được đẩy mạnh, đặc biệt là điện gió ngoài khơi để đáp ứng nhu cầu điện gia tăng. Tỷ trọng nguồn điện gió sẽ tăng từ mức 5% năm 2022 lên 19% năm 2030 và 29% năm 2050. Trong đó, điện gió trên bờ sẽ tăng trưởng kép 20% giai đoạn 2022 - 2030 và 6% trong giai đoạn 2030 - 2050. Về điện gió ngoài khơi, dự kiến từ nay đến 2030, Việt Nam sẽ phát triển 6.000 MW và tăng trưởng kép 15% trong giai đoạn 2030 - 2050.
Quy hoạch Điện VIII cũng đặt mục tiêu phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu, phấn đấu đến năm 2030 quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW.
Đồng thời, dự kiến đến năm 2030, sẽ hình thành 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt và dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi.
Trong khi đó, nhóm nguồn điện truyền thống như thủy điện gần như phát triển không đáng kể do đã gần hết dư địa; kiểm soát công suất điện than, chỉ phát triển dự án trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và định hướng đến năm 2050 sẽ không còn sử dụng than để phát điện.
Tập đoàn Bamboo Capital và Tập đoàn Hà Đô hưởng lợi trực tiếp
Các doanh nghiệp có mảng năng lượng tái tạo với công suất quy mô lớn như Tập đoàn Bamboo Capital (mã cổ phiếu BCG), Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (mã cổ phiếu GEG), Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (mã cổ phiếu TTA), Tập đoàn Hà Đô (mã cổ phiếu HDG), Tập đoàn PC1 (mã cổ phiếu PC1), và Tập đoàn Sao Mai (mã cổ phiếu ASM) sẽ hưởng lợi trực tiếp trong dài hạn theo Quy hoạch Điện VIII.
Xét về kết quả kinh doanh, trong quý 1/2024, chỉ có số ít các doanh nghiệp gồm Tập đoàn Bamboo Capital, Tập đoàn PC1, và Điện Gia Lai duy trì mức tăng trưởng doanh thu dương và tỷ suất lợi nhuận gộp được cải thiện so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, một số hãng chứng khoán nhận định Tập đoàn Bamboo Capital đang có triển vọng vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành nhờ loạt dự án điện gió với tổng công suất lên đến hơn 900 MW nằm trong danh sách ưu tiên thực hiện của Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII. Tập đoàn này đang là nhà phát triển năng lượng tái tạo lớn hàng đầu Việt Nam.
Tập đoàn Bamboo Capital hiện đang gấp rút triển khai xây dựng 550 MW điện gió trên bờ và ngoài khơi, gồm các các dự án Đông Thành 1 (80 MW), Đông Thành 2 (120 MW), Khai Long 1 (100 MW)… nhằm đưa vào vận hành thương mại (COD) ngay từ năm sau.
Đáng chú ý, tập đoàn này cũng sẽ tập trung đầu tư mảng điện rác với dự án đầu tiên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay, đặt tại TP.Hồ Chí Minh với công suất 2.000 tấn rác/ngày đêm và công suất phát điện lên tới 70 MW. Dự án này dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm 2025.
Song song đó Tập đoàn Bamboo Capital cũng sẽ xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại Long An với công suất xử lý rác 500 tấn/ngày đêm và mở rộng lên 1.500 tấn rác/ngày đêm.
Ngoài ra, triển vọng kinh doanh mảng năng lượng tái tạo của Tập đoàn Hà Đô cũng được đánh giá cao khi tập đoàn này vừa được UBND tỉnh Ninh Thuận trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án nhà máy điện gió công suất 50 MW, và được UBND tỉnh Lạng Sơn trao ghi nhớ đầu tư cho dự án nhà máy điện gió công suất 80 MW.
Hiện tại, Tập đoàn Hà Đô đang là chủ đầu tư của 8 nhà máy năng lượng, bao gồm: 5 nhà máy thuỷ điện, 2 nhà máy điện mặt trời và 1 nhà máy điện gió với tổng công suất gần 500 MW, đạt doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Đến năm 2030, dự kiến tập đoàn này sẽ nâng công suất phát điện lên trên 1GW, với doanh thu khoảng 5.000 tỷ đồng/năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận