Điểm nhấn mùa đại hội: Tới tấp kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn
Mùa đại hội cổ đông năm nay, một trong những vấn đề “nóng” nhất chính là tăng vốn qua phát hành cổ phiếu. Ngoài chia cổ tức, cổ phiếu thưởng, nhiều doanh nghiệp có kế hoạch huy động hàng nghìn tỷ đồng từ kênh này.
Sau hai năm kinh tế khó khăn, doanh nghiệp phải thu mình, “giật gấu vá vai” để tồn tại thì đây chính là lúc họ có thể trở lại để bước vào chu kỳ phát triển mới. Trong khi nguồn vốn tín dụng có giới hạn, kênh trái phiếu chưa thực sự phục hồi thì phát hành cổ phiếu chính là cách huy động vốn dễ dàng nhất, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang được kỳ vọng có những bứt phá mới trong giai đoạn sắp tới.
“Cuộc đua” phát hành tăng vốn gay cấn nhất ở ba nhóm ngành thâm dụng vốn lớn là ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.
Đối với nhóm ngân hàng, "bộ đệm vốn" dày dặn sẽ giảm tổn thất khi rủi ro xảy ra; mặt khác cũng bảo đảm hệ số an toàn vốn, nâng cao khả năng tài chính để hiện thực hóa các chiến lược kinh doanh.
Mùa đại hội năm nay, hầu như các ngân hàng đều có phương án tăng vốn qua phát hành cổ phiếu để chia cổ tức, chào bán riêng lẻ, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP)... Trong đó, nhà băng “chơi lớn” nhất chính là Techcombank (mã TCB), với phương án tăng vốn từ hơn 35.225 tỷ đồng lên trên 70.450 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ phát hành dự kiến là 100%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận thêm 100 cổ phiếu mới.
Cổ đông MBBank (mã MBB) cũng đã thông qua tờ trình về việc dành 7.959 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%, giúp vốn điều lệ tăng thêm tương ứng. Nhà băng còn tiếp tục kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, tương đương mức tăng vốn điều lệ là 620 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành hai kế hoạch tăng vốn trên, vốn điều lệ của MB dự kiến sẽ tăng lên 61.643 tỷ đồng.
Một ngân hàng khác có kế hoạch tăng vốn lớn là LPBank (mã LPB), với phương án chào bán thêm tối đa 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán tối thiểu là 10.000 đồng/cp; nâng vốn điều lệ từ 25.576 tỷ đồng lên 33.576 tỷ đồng. Tương tự, SeABank, OCB, ACB, VIB, Nam A Bank, VietABank... đều có kế hoạch tăng vốn.
Đối với ngành chứng khoán, việc tăng vốn cũng rất quan trọng, bởi tự doanh và cho vay ký quỹ là hai hoạt động mang lại doanh thu chủ yếu cho các công ty trong ngành này. Nếu không tăng tốc trong việc tăng vốn, họ sẽ bị bỏ lại phía sau.
Chứng khoán VIX (mã VIX) thể hiện tham vọng lớn nhất khi ĐHĐCĐ năm 2024 thông qua việc phát hành tổng cộng 790 triệu cổ phiếu thông qua các phương án phát hành trả cổ tức, chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành ESOP. Nếu hoàn tất, vốn điều lệ của VIX sẽ tăng từ 6.694 tỷ đồng lên 14.592 tỷ đồng (tức gấp 2,2 lần hiện tại).
Không để bị vượt mặt, các công ty chứng khoán top đầu hiện tại đều có kế hoạch tăng vốn. SSI đã thông qua phương án phát hành 453 triệu cổ phiếu (gồm 302 triệu cổ phiếu thưởng và chào bán 151 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu), nâng vốn từ hơn 15.000 tỷ đồng lên 19.645 tỷ đồng. VNDirect dự kiến chào bán gần 244 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành gần 61 triệu cổ phiếu trả cổ tức, qua đó nâng vốn điều lệ từ 12.178 tỷ đồng lên gần 15.223 tỷ đồng.
Ở top sau, cuộc đua tăng vốn cũng vô cùng “nóng”. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã VDS) dự kiến phát hành tối đa 114 triệu cổ phiếu, qua đó nâng vốn điều lệ từ 2.110 tỷ đồng hiện tại lên 3.240 tỷ đồng. Chứng khoán Vietcap (VCI) có kế hoạch phát hành 281 triệu cổ phiếu, nâng vốn từ 4.375 tỷ đồng lên gần 7.200 tỷ đồng. Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam (mã IVS) thông qua phương án chào bán 69,35 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn lên gấp đôi, đạt mức 1.387 tỷ đồng...
Đối với ngành bất động sản, việc huy động vốn qua kênh phát hành cổ phiếu thường nhằm mục đích trả nợ vay và rót vào các dự án bất động sản. Bất động sản Phát Đạt (mã PDR) là trường hợp được hỗ trợ rất lớn từ kênh huy động vốn này.
Hồi tháng 11/2023, công ty hoàn thành đợt chào bán riêng lẻ 67,16 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp. Với 7 nhà đầu tư cá nhân mua vào, doanh nghiệp huy động thành công 671 tỷ đồng và dùng toàn bộ số tiền này để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu. Nhờ vậy, đến cuối năm 2023, Phát Đạt đã “sạch” nợ trái phiếu.
Vừa qua, Phát Đạt tiếp tục được UBCKNN chấp thuận chào bán 134,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Số tiền 1.343 tỷ đồng dự kiến huy động được sử dụng để đầu tư vào các dự án.
Ngoài ra, Phát Đạt còn muốn giảm gánh nặng nợ vay qua phát hành 34 triệu cổ phiếu hoán đổi khoản nợ 30 triệu USD cho chủ nợ ACA Vietnam Real Estate III LP (ACA Vietnam); phát hành gần 131 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 15%; phát hành tối đa 14,6 triệu cổ phiếu ESOP với giá 12.000 đồng/cp cho cán bộ nhân viên. Các phương án này đều đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 thông qua.
Là doanh nghiệp đang phát triển nhiều dự án và có gánh nặng nợ vay lớn, Novaland (NVL) cũng không thể bỏ qua kênh huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Doanh nghiệp dự kiến sẽ chào bán 1,17 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu dưới dạng quyền mua. Nếu hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của Novaland tăng từ 19.501 tỷ đồng lên mức hơn 31.200 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ quý 2/2024 đến quý 4/2024.
Những tên tuổi lớn khác trong ngành như DIC Group (DIG), Bamboo Capital (BCG), Đất Xanh (DXG), Khang Điền (KDH)... đều có kế hoạch phát hành cổ phiếu trong năm nay. DIG muốn phát hành hơn 400 triệu cổ phiếu qua 4 phương án, nâng vốn từ mức 6.098 tỷ đồng hiện nay lên mức hơn 10.203 tỷ đồng.
Đất Xanh muốn chào bán gần 244 triệu cổ phiếu qua hai phương án (chào bán cho cổ đông hiện hữu và chào bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp), qua đó nâng vốn từ hơn 7.200 tỷ đồng lên hơn 9.600 tỷ đồng.
Ngày 25/4 vừa qua, Bamboo Capital được UBCKNN cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán hơn 266 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1, giá phát hành 10.000 đồng/cp. ĐHĐCĐ năm 2024, BCG còn thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành 80 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông, tỷ lệ thực hiện quyền là 100:10.
Nhà Khang Điền dự kiến chào bán thêm 110,09 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 20 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá 27.250 đồng/cổ phiếu, huy động 3.000 tỷ đồng.
Nhìn chung, các kế hoạch tăng vốn thể hiện sự lạc quan và tham vọng của doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng là câu chuyện thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư giúp thúc đẩy giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên kế hoạch mới chỉ là kỳ vọng, còn kết quả không phải lúc nào cũng như mong muốn. Rất nhiều công ty đã phải hoãn, tạm dừng, thậm chí phát hành nhưng không ai mua do thị trường không thuận lợi, hoặc tiềm năng doanh nghiệp không hấp dẫn, giá chào bán quá cao...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận