'Điểm mặt' 6 mã cổ phiếu tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận
Trong báo cáo mới công bố, Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) liệt kê 6 mã cổ phiếu thuộc lĩnh vực dệt may, thuỷ sản có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận gồm: TNG, MSH, VHC, ANV, FMC và MPC.
Với mã TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG, PSI kỳ vọng kết quả kinh doanh năm 2024 của doanh nghiệp này sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Cụ thể, PSI kỳ vọng đơn hàng được lấp đầy cho đến tận cuối năm, ngành dệt may phục hồi nhờ vào việc lạm phát tại các thị trường xuất khẩu chính hạ nhiệt và nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn xanh của thế giới.
TNG cho biết, có dự định đưa thêm 45 dây chuyền sản xuất vào hoạt động (tương ứng tăng 15% công suất) và tuyển dụng thêm 2.000-3.000 nhân công để phục vụ các dây chuyền mới, điều này cho thấy sự tự tin về triển vọng các đơn hàng của doanh nghiệp.
Đối với mã cổ phiếu MSH của CTCP May Sông Hồng, PSI kỳ vọng tăng trưởng cuối năm khi giá trị nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Trong 5 tháng đầu năm, lũy kế nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động dệt may tăng 13,8% so với cùng kì năm ngoái cho thấy tiềm năng tăng trưởng về xuất khẩu trong cuối năm của doanh nghiệp.
Theo PSI, nhà máy Sông Hồng 10 và Xuân Trường 2 có tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Việc nhà máy Sông Hồng 10 (SH10) chạy đầy công suất và nhà máy Xuân Trường 2 (XT2) đi vào hoạt động dự kiến tăng tổng năng lực sản xuất của MSH lên 62% trong giai đoạn 2025 - 2027.
Tuy vậy, đánh giá về rủi ro đối với 2 mã cổ phiếu trên, PSI cho biết, nhu cầu đối với sản phẩm dệt may có thể ở mức thấp trong thời gian tới do bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng và kinh tế toàn cầu phục hồi chậm.
Liên quan đến cổ phiếu ngành thuỷ sản, PSI nhắc tới VHC của CTCP Vĩnh Hoàn. Trong năm 2024, PSI kỳ vọng VHC sẽ đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 11.700 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm ngoái, và 1.260 tỷ đồng, tăng 29,5% so với năm 2023.
Giá xuất khẩu cá tra dự kiến sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2024 khi nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường lớn đang dần tăng trở lại. Ngoài ra, giá thức ăn chăn nuôi cá tra kỳ vọng giảm nhờ tình hình thời tiết thuận lợi hơn so với năm 2023, giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của VHC.
VHC dự kiến mở rộng thêm 50% công suất sản xuất collagen và gelatin lên 7,000 tấn/năm trong năm 2024. Theo đó, việc mở rộng công suất sẽ tạo động lực chính cho mảng kinh doanh này.
Cũng thuộc nhóm ngành thuỷ sản, với ANV - cổ phiếu của CTCP Nam Việt, năm 2024, PSI dự phóng doanh thu và lãi ròng đạt 4.932 và 158 tỷ đồng, tăng 10,5% và 305% so với năm 2023. Biên lợi nhuận gộp đạt 12% trong bối cảnh giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm.
ANV xây dựng dòng sản phẩm giá trị gia tăng với collagen và gelatin từ da cá, qua liên doanh với Amicogen. Hiện dự án chạy thử nghiệm giai đoạn 1 với công suất 780 tấn/năm, tiếp tục mở rộng giai đoạn 2 và 3 lên 1.200 và 2.400 tấn/năm, kỳ vọng đóng góp 10% lợi nhuận vào 2025.
Ở góc độ rủi ro với cổ phiếu VHC và ANV, PSI cho biết, nhu cầu đối với sản phẩm thủy sản tại các thị trường như Mỹ, Trung Quốc thấp hơn mức kỳ vọng do kinh tế phục hồi chậm. Thêm vào đó, giá bán tại thị trường Trung Quốc tăng chậm hơn mức dự báo do đối diện với áp lực cạnh tranh từ doanh nghiệp nội địa.
Đối với mã FMC - mã chứng khoán của CTCP Thực phẩm Sao Ta tháng 5/2023, khu nuôi mới Vinfarm với diện tích 203ha đi vào hoạt động, nâng công suất nuôi của công ty lên khoảng 40% trong năm 2024. Đây là cơ sở để PSI kỳ vọng sản lượng tôm nuôi dự kiến sẽ đạt từ 12.000 – 15000 tấn trong năm 2024.
Thêm vào đó, FMC vẫn duy trì được sự cạnh tranh đối với Ecuador khi phát triển sản phẩm tôm giá trị gia tăng và xuất khẩu qua Nhật, nhờ đó, thị phần của FMC tại Nhật nửa đầu năm 2024 tăng nhẹ so với cùng kỳ, duy trì ở mức 40-45%.
Với mã MPC của CTCP Thuỷ sản Minh Phú, theo đánh giá của PSI, thị trường xuất khẩu trọng điểm của MPC là Mỹ đã ghi nhận tín hiệu hồi phục nhu cầu trong 6T2024. Vì vậy, PSI kỳ vọng lượng hàng tồn kho tại thị trường Mỹ suy giảm sau mùa lễ hội sẽ giúp cho hoạt động xuất khẩu của MPC sang Mỹ tăng lên.
Nhà máy Minh Phát dự kiến sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động trong năm 2024, giúp MPC nâng sản lượng tôm sản xuất lên 62.220 tấn, kỳ vọng đem về doanh thu thành phẩm khoảng 16.622 tỷ đồng.
Song, rủi ro với FMC và MPC là nhu cầu đối với sản phẩm thủy sản tại Mỹ phục hồi chậm hơn dự báo và giá tôm thấp hơn dự báo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường