Chuyên gia đề xuất nới thời gian giao dịch chứng khoán tới 16h để đẩy thanh khoản lên 30.000 tỷ/phiên
Dòng tiền nhỏ lẻ thường giao dịch đầu phiên sáng, dòng tiền cá mập chọn giao dịch trong phiên chiều. Một số trường hợp khi cổ phiếu T+2,5 về tài khoản, thiệt hại của nhóm nhỏ lẻ sẽ là rất lớn.
Thị trường chứng khoán giao dịch khởi sắc khi VN-Index kết phiên 18/7 tăng điểm nhẹ sau ATC. Mức tăng 0,96 điểm dù không giúp chỉ số chinh phục được mốc 1.175 song đây đã là phiên tăng điểm thứ 8 liên tiếp của thị trường.
Chỉ trong vòng 1 tháng, chỉ số đại diện sàn HOSE đã ghi nhận 2 nhịp tăng ấn tượng 7 và 8 phiên liên tiếp.
Biến động chỉ số VN-Index 3 tháng gần đây
Rộng hơn, VN-Index vẫn tiếp đà tăng kể từ cuối tháng 4 (+140 điểm - tương đương tăng 13,5%). Trong khoảng thời gian này, thanh khoản thị trường cũng cải thiện mạnh và duy trì ngưỡng 16.000 - 20.000 tỷ đồng/phiên.
Câu chuyện các chính sách điều tiết dòng tiền (như giảm lãi suất, giải ngân tín dụng, giải ngân vốn đầu tư công, giảm thuế VAT) hay giải pháp gỡ khó thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản,... đã và đang trở thành động lực cho sự hồi phục của VN-Index và các chỉ số đồng thời giúp dòng tiền quay trở lại thị trường.
Tuy nhiên, số phiên giao dịch tỷ USD vẫn quá ít... Đây là vấn đề lớn ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu hút các dòng tiền lớn vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thị trường chứng khoán đi xuống từ ngày áp dụng T+2,5
Bàn về câu chuyện thanh khoản, ông Nguyễn Đức Nhân - Giám đốc Trung tâm kinh doanh - Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, nếu bỏ qua câu chuyện sức khỏe nền kinh tế, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp và các vấn đề vĩ mô, câu chuyện "thời gian giao dịch chứng khoán trong phiên" cũng ảnh hưởng rất nhiều đến dòng tiền giao dịch trên thị trường chứng khoán hiện tại, nhất là khi giải pháp giao dịch T+2,5 đã được áp dụng từ ngày 29/8/2022.
Theo thống kê, giá trị giao dịch trên sàn HOSE trong phiên đầu áp dụng T+2,5 đã tăng đột biến và cao nhất kể từ 26/4/2022, đạt 20.562 tỷ đồng. Kết phiên này, VN-Index giảm 11,77 điểm về mức 1.270,8 điểm.
Như vậy sau gần 11 tháng kể từ ngày áp dụng, VN-Index hiện đã giảm 7,6% trong khi giá trị giao dịch vẫn ở mức thấp và chưa đáp ứng kỳ vọng.
"Tham chiến trên thị trường chứng khoán từ những năm đầu và từng là một trader chuyên nghiệp, tôi thấy câu chuyện thực chiến ở các nhóm đầu tư là hoàn toàn khác biệt. Nhà đầu tư nhỏ lẻ thường có thói quen mua bán nhanh chóng, đến 10h30 là kết thúc. Đây cũng là khoảng thời gian thị trường trùng xuống (cung giờ yếu nhất).
Trong khi đó, các dòng tiền lớn thường ưu tiên giao dịch trong phiên chiều, nhất là thời điểm sau 14h.
Tạm tính với quy mô giao dịch đạt 20.000 tỷ đồng/phiên, dễ thấy giá trị giao dịch phiên chiều thường gấp 1,5 - 2 lần phiên sáng. Như vậy, dù chỉ giao dịch vỏn vẹn 1h45 phút phiên chiều nhưng khối lượng và giá trị giao dịch đều tốt hơn phiên sáng (với 2h30 phút giao dịch)", ông Nhân cho biết.
Theo vị chuyên gia, trong cuộc chơi T+2,5, đa phần các dòng tiền tiền lớn đều giao dịch phiên chiều khi cổ phiếu T+2,5 về tài khoản. Đây là thời điểm các "trận đánh" trở nên công bằng hơn giữa các bên giao dịch đồng thời là giải pháp giúp "cá mập" hạn chế rủi ro.
Lấy ví dụ, cổ phiếu STB của ngân hàng Sacombank đầu phiên sáng 14/7 từng tăng vượt mốc 30.000 đồng/cp. Tuy nhiên hầu hết những nhà đầu tư mua vào tại vùng giá này đều lỗ nặng khi bước sang phiên chiều.
Ngay đầu phiên chiều 14/7, cổ phiếu STB bị xả mạnh và có thời điểm giảm sàn còn 17.900 đồng/cp (trước 14h) với hàng chục triệu đơn vị nhanh chóng được khớp lệnh. Tuy nhiên, những nhà đầu tư bán ra tại đáy đã thiệt hại nặng bởi gần về cuối phiên, một lượng cầu lớn bắt đáy đã giúp STB thu hẹp đà giảm còn 3,3%, đóng cửa tại mức 29.000 đồng/cp.
Như vậy, nói "cuộc chơi" sẽ sằng phẳng hơn trong phiên chiều là hoàn toàn có cơ sở, hạn chế đáng kể những rủi ro khi cổ phiếu T+2 về tài khoản làm thất bại các giao dịch mua/bán trong phiên sáng.
Với hiệu quả từ khối lượng và giá trị giao dịch trong phiên chiều, ông Nguyễn Đức Nhân đề xuất Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan xem xét giải pháp rút ngắn thời gian giao dịch chứng khoán phiên sáng (còn khoảng 45 phút đến 1h30 phút) và tăng thời gian giao dịch phiên chiều (có thể kéo dài đến 16h).
Theo ông Nhân, giải pháp này có thể giúp thanh khoản thị trường tăng lên ngưỡng đủ lớn - khoảng 30.000 tỷ đồng/phiên. Thanh khoản tăng chính là động lực hấp dẫn các dòng tiền lớn tham chiến đồng thời giúp kết quả kinh doanh của nhóm công ty chứng khoán (vốn phụ thuộc vào thông số thanh khoản thị trường) tăng trưởng tốt hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận