Chứng khoán Mỹ tăng điểm dù xung đột Nga-Ukraine leo thang, giá dầu đi ngang
“Xu hướng cốt lõi của thị trường vẫn là tích cực. Căng thẳng địa chính trị chắc chắn là một rủi ro, nhưng nhà đầu tư không bán cổ phiếu là mấy"...
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,4%, đạt 5.916,98 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,04%, đạt 18.987,47 điểm. Riêng chỉ số Dow Jons giảm 0,28%, còn 43.268.94 điểm.
Công nghệ là nhóm cổ phiếu giữ vai trò trụ cột của thị trường trong phiên này, dẫn đầu là cổ phiếu Nvidia với mức tăng gần 5%. Nhà đầu tư đổ xô mua cổ phiếu Nvidia trước khi hãng sản xuất con chip AI đình đám công bố báo cáo tài chính quý 3/2024. Kết quả kinh doanh của Nvidia sẽ được đưa ra sau khi thị trường đóng cửa phiên giao dịch chính thức ngày thứ Tư.
Một số cổ phiếu quan trọng khác trong việc nâng đỡ các chỉ số phiên này gồm Walmart tăng 3% nhờ lợi nhuận quý tốt hơn kỳ vọng; Tesla tăng 2%, nâng tổng mức tăng trong tháng này lên 38%; Alphabet và Amazon đều tăng hơn 2% mỗi cổ phiếu.
“Xu hướng cốt lõi của thị trường vẫn là tích cực. Căng thẳng địa chính trị chắc chắn là một rủi ro, nhưng nhà đầu tư không bán cổ phiếu là mấy. Tôi không thấy sự hoảng loạn trên thị trường. Chẳng qua, thị trường đang chững lại sau những đợt tăng mạnh gần đây”, đồng giám đốc đầu tư Keith Lerner của công ty Truist phát biểu với hãng tin CNBC.
Áp lực giảm đối với giá cổ phiếu ở Phố Wall đã bắt đầu gia tăng vào đêm ngày hôm trước, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Mỹ rằng ngưỡng để sử dụng vũ khí hạt nhân đã thấp xuống. Lời cảnh báo này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Sức ép đối với tâm lý nhà đầu tư đã tăng lên sau khi có tin Ukraine tấn công khu vực biên giới Bryansk của Nga bằng tên lửa do Mỹ sản xuất. Tờ báo New York Times dẫn lời giới chức Mỹ và Ukraine đã xác nhận vụ tấn công này. Theo bài báo, vụ tấn công nhằm vào một nhà kho vũ khí.
“Căng thẳng địa chính trị gia tăng đã và đang là một rủi ro đối với thị trường. Sự kết hợp giữa những lời cảnh báo giá tăng của Nga và bất định về việc chính quyền sắp tới của Mỹ sẽ phản ứng thế nào chính là công thức cho sự biến động của thị trường chứng khoán”, Giám đốc đầu tư Gaurav Mallik của công ty Pallas Capital Advisors nói.
Tuy nhiên, xu hướng của lợi suất thời gian qua vẫn là tăng do thị trường nhận định rằng các chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ khiến lạm phát ở Mỹ tăng, do đó khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải giữ lãi suất cao hơn lâu hơn.
Các tài sản an toàn khác như vàng và đồng USD cũng đồng loạt tăng giá trong phiên ngày thứ Ba.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,01 USD/thùng, chốt ở mức 73,31 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,23 USD/thùng, tương đương tăng 0,3%, chốt ở 69,39 USD/thùng.
Căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine làm gia tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga, nhất là trong trường hợp Ukraine tấn công vào hạ tầng dầu khí của nước này. Tuy nhiên, ảnh hưởng của mối lo này đối với giá dầu đã được cân bằng bởi tin mỏ dầu Johan Sverdrup của Na Uy đã nối lại sản xuất. Trước đó, việc mỏ dầu lớn này phải tạm dừng hoạt động do mất điện đã góp phần đưa giá dầu tăng mạnh trong phiên ngày thứ Hai.
Giá dầu hiện vẫn đang đương đầu với áp lực giảm từ xu hướng tăng của đồng USD và triển vọng ảm đạm của kinh tế Trung Quốc. Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - đã khiến giá dầu chật vật trong năm nay, với giá dầu Brent hiện đã giảm 20% so với mức đỉnh trên 92 USD/thùng thiết lập vào tháng 4.
Nhập khẩu dầu thô tháng 10 của Trung Quốc giảm tháng thứ sáu liên tiếp so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, đang có những dấu hiệu cho thấy lượng nhập khẩu dầu của nước này có thể đạt kỷ lục hoặc gần kỷ lục trong tháng 11 - theo nhà phân tích Alex Hodes của công ty StoneX.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận