Chứng khoán 17/8: Thị trường nhượng bộ trước áp lực từ VHM, VN-Index chưa vượt mốc 1.380 điểm
VHM gặp áp lực từ hoạt động bán ra của khối ngoại còn lớn với giá trị bán ròng cả phiên là hơn 500 tỷ đồng, tương đương gần 1/4 giá trị giao dịch của mã này. Mức giảm hơn 4% của VHM là nguyên nhân cho việc chỉ số đã không kịp quay đầu tăng điểm.
Nếu thế trận được giữ như phiên sáng nay, VN-Index hoàn toàn có thể đã vượt 1.380 điểm không mấy khó khăn. Tuy nhiên, VHM (-4,3%) đã bị gia tăng áp lực từ hoạt động bán ra của khối ngoại. Tổng giá trị bán ròng của VHM là hơn 500 tỷ đồng, gần bằng 1/4 giá trị của mã này cả phiên hôm nay.Rốt cuộc VHM đã đóng cửa ở ngay đường MA20 nhưng khối lượng hôm nay đã có chiều hướng giảm so với phiên kỷ lục ngày hôm qua. Nếu các trạng thái mua bán của nhóm cổ đông lớn được dàn xếp chủ yếu qua thỏa thuận, các biến động của phiên này sẽ không đáng ngại.
Dù sao, thị trường cũng còn treo phiên đáo hạn phái sinh vào ngày thứ Năm tuần này, việc tạo áp lực lên nhà đầu tư giao dịch VN30F2108 là khó tránh khỏi. OI của hợp đồng này vẫn ở mức cao là gần 35 nghìn đơn vị. Phe bán ra còn sử dụng đến SAB (-4%) để tác động vào VN30. Chính vì vậy, dòng tiền buộc phải chấp nhận với sắc đỏ. VN-Index cũng giảm 7,87 điểm (-0,57%) về cuối phiên.
Tranh thủ cơ hội này, nhóm Midcap và Penny đã cố gắng hạ nhiệt thay vì cắm đầu lao lên. Nhóm Bất động sản với nhiều mã đã giảm 1-2% như NVL (-0,58%), KDH (-1,2%), PC1 (-0,45%), HDG (-2,36%), PDR (-0,55%). Tương tự là Cảng biển với GMD (-1,13%). Tất nhiên, thiểu số đã có HAH (-5,03%), NTL (-5,31%), SCR (-3,5%), DIG (-5,16%) điều chỉnh mạnh nhưng việc tăng nóng và có yếu tố đầu cơ là điều nhà đầu tư cần phải chấp nhận khi tham gia vào các cổ phiếu này.
Thị trường nhìn chung chưa thể bị đánh gẫy xu hướng chỉ với một vài biểu hiện phiên chiều nay. Thanh khoản của HOSE cả phiên đạt 25.774 tỷ đồng, tương đương 768 triệu đơn vị.
Với HNX, PVS (+2,7%), VCS (+0,7%), SHB (+0,7%) không hề bộc lộ ý định kéo tiền sang HNX. Chỉ số HNX-Index tiếp tục lình xình cả phiên, đóng cửa giảm 0,42 điểm xuống 343,11 điểm. Giao dịch sàn đạt 4.802 tỷ đồng.
Còn UPCoM, giao dịch lại dành được khá nhiều sự quan tâm với BSR (+2,6%), BVB (+2,4%), QTP (+4,3%), CTR (+1%), MSR (+3,4%). Chỉ số UPCoM-Index là nơi duy nhất ghi nhận sắc xanh, tăng 0,17% lên 94,2 điểm. Giao dịch sàn đạt 1.725 tỷ đồng.
==============
VIC vẫn làm tốt nhiệm giữ nhịp nhưng cổ phiếu VHM lại bị chốt lời mạnh hơn cuối phiên sáng. Phần nào ảnh hưởng của VIC đã bị triệt tiêu đi hết khiến VN-Index bị giật xuống dưới tham chiếu. Nhịp rung lắc hiện tại đang là mạnh nhất kéo VN-Index mất hơn 1 điểm xuống 1.369,9 điểm.
Thanh khoản của VHM được đẩy lên còn cao hơn sáng hôm qua đạt 1.178 tỷ đồng trong khi đó cả phiên hôm qua là một phiên kỷ lục về thanh khoản. Điều này đang khiến VHM trở nên nhạy cảm hơn khi bị lùi xuống sát MA20. Mức giá cuối phiên sáng nay ghi nhận là 112.800 đồng/cổ phiếu, đây cũng đồng thời là vùng tích lũy của VHM trong tháng 6.
Do đó, trạng thái của VHM sẽ cần đặc biệt lưu ý thêm sau các thông tin bị VIC và quỹ KKR bán ra. Hiện VHM còn gặp thêm áp lực bán ra từ quỹ ETF ngoại khi lại bị khối ngoại bán ròng gần 145 tỷ đồng. Các mã VIC (-121 tỷ đồng), HPG (-75,6 tỷ đồng), VNM (-25,6 tỷ đồng), VCB (-19,5 tỷ đồng) cũng đều bị bán ra chứng minh cho hoạt động mua bán của ETF ngoại. Tổng giá trị bán ròng đang là hơn 500 tỷ đồng nên HOSE có thể có phiên rút ròng thứ 6 liên tiếp.
Tạm thời, tiền nội vẫn đang dồi dào và giá trị cuối phiên sáng đã vượt cùng thời điểm hôm qua, đạt 16.221 tỷ đồng khớp lệnh. Ngoài VHM giao dịch trên 1.000 tỷ đồng thì còn gương mặt quen thuộc HPG với giá trị lên tới hơn 1.700 tỷ đồng.
Với HNX-Index, chỉ số này quay lại giảm điểm nhẹ 0,27 điểm xuống 343,26 điểm do cả PVS (+0,8%), SHB (+0,7%) đều chưa sẵn sàng tăng tốc. Thanh khoản của HNX đạt 3.148 tỷ đồng.
==============
Dòng tiền đổ vào thị trường một cách thuyết phục trong phiênhôm qua cho thấy nhà đầu tư đã nhập cuộc quyết liệt hơn sau 3 tuần tăng điểm liên tiếp. Trong tuần đáo hạn phái sinh, các diễn biến này rõ ràng là tốt hơn cả mong đợi.
Đà tăng của phiên hôm qua được duy trì nên VN-Index đã bắt nhịp áp sát ngay ngưỡng 1.380 điểm. Mức cao nhất đầu phiên sáng nay là 1.379,6 điểm.
Ngay sau đó, thị trường cũng chứng kiến một một cú giật về sát tham chiếu rồi nảy lên. Điểm mấu chốt là thị trường đang có trụ gánh vác với VIC (+2,5%), VCB (+1,3%) kể cả khi gặp áp lực. Mã GVR (+1%) hiện đã xuất hiện áp lực chốt lời nhưng cũng là nhân tố giúp giữ trận địa.
Với cổ phiếu VIC, diễn biến tăng giá hôm nay trùng hợp với sự kiện chốt quyền trả cổ tức 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 100:12,5. Câu chuyện về VIC cũng đang được quan tâm khi Vingroup vừa đăng ký bán gần 100,5 triệu cổ phiếu VHM.
Mã VHM (-1%) trong khi đó lại điều chỉnh nhẹ sau thông tin này. Ngoài VIC đăng ký bán ra, cổ đông lớn là Kohlberg Kravis Roberts (KKR) cũng muốn bán hơn 31,94 triệu cổ phiếu VHM.
Một nhân tố khác cũng đem lại cảm giác yên tâm là Ngân hàng đang có nhiều mã khởi sắc ngoài VCB trở lại làm trụ. LPB (+5%), MBB (+1%), EIB (+0,9%), HDB (+0,8%), ACB (+0,6%) đang tiếp tục tăng giá sau phiên ghi nhận sự tích cực ngày hôm qua. Lượng tiền đổ vào Ngân hàng chưa hoàn toàn thuyết phục nhưng các chuyển động trên vẫn giúp thị trường khả quan.
Nhóm Chứng khoán trong khi đó vẫn luôn âm ỉ sự tích cực với VCI (+2,6%), CTS (+2,2%), FTS (+2,7%) trong khi đó Bất động sản tạm thời phân hóa nhẹ với PC1 (+2,2%), SJS (+1,1%) trái chiều với NLG (-1,5%), KDH (-1,1%), HDG (-1%). Tuy nhiên, PC1 là trường hợp đảo chiều rất nhanh sau nhịp giảm nhẹ đầu phiên, điều này cho thấy Bất động sản vẫn đang có tiền mua vào chỉ là chưa đồng đều giữa các mã.
Tính đến 10h30, VN-Index đang giao dịch tại 1.375 điểm. Giá trị giao dịch khớp lệnh có thấp hơn phiên hôm qua khoảng 500 tỷ đồng nhưng vẫn cho thấy tiền vào tốt.
Trên HNX, giao dịch tạm thời khá phân hóa với VND (-0,94%), SHS (-0,37%), MBS (-0,56%) cùng giảm giá trái ngược với SHB (+1,37%), PVS (+1,15%). Chỉ số HNX-Index tăng nhẹ lên 343 điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận