Cắt lỗ mạnh tay, cổ phiếu giảm giá áp đảo, thanh khoản chạm ngưỡng tỷ USD
Giao dịch tăng vọt trên hai sàn phiên chiều nay xác nhận lượng cổ phiếu “đu đỉnh” về tài khoản đã được bán ra cắt lỗ. Độ rộng thu hẹp nhanh chóng và các chỉ số chìm dần xuống sâu hơn, VN-Index đóng cửa mất 0,78% tương đương -9,48 điểm...
Giao dịch tăng vọt trên hai sàn phiên chiều 3/8 xác nhận lượng cổ phiếu “đu đỉnh” về tài khoản đã được bán ra cắt lỗ. Độ rộng thu hẹp nhanh chóng và các chỉ số chìm dần xuống sâu hơn, VN-Index đóng cửa mất 0,78% tương đương -9,48 điểm.
Các blue-chips không đủ mạnh để giữ nhịp chỉ số, khiến điểm rơi nhiều hơn đã tác động đến tâm lý chung. VN30-Index đóng cửa giảm 0,86% so với tham chiếu và chỉ còn 7 mã tăng/22 mã giảm.
Dẫn đầu nhóm giảm khiến VN-Index mất điểm là VHM giảm 2,91%, VCB giảm 0.98%, HPG giảm 2,36%, BID giảm 1,12%, VNM giảm 1,49%, VPB giảm 1,36%... Thống kê rổ VN30 có tới 15 cổ phiếu giảm từ 1% trở lên. 7 cổ phiếu đi ngược dòng hỗ trợ điểm số rất hạn chế, chủ yếu do vốn hóa chưa đủ lớn hoặc biên độ còn nhẹ. SAB tăng 1,64%, MSN tăng 1,06%, MWG tăng 1,93%, ACB tăng 1,52% là các mã đáng kể nhất.
Thị trường phiên chiều đón nhận lượng cổ phiếu rất lớn về tài khoản và không có gì ngạc nhiên khi áp lực xả tăng vọt. VN-Index chốt phiên sáng chỉ có 178 mã tăng/241 mã giảm và càng về cuối số mã giảm càng nhiều hơn, xác nhận áp lực giảm giá đã lan rộng. Đóng cửa, HoSE có 154 mã tăng/311 mã giảm, trong đó 118 mã giảm trên 1%. Chỉ riêng thanh khoản ở nhóm giảm trên 1% này đã chiếm 40% tổng giá trị khớp cả sàn HoSE.
Điều này cũng khẳng định rất nhiều cổ phiếu bị bán tháo thực sự, giao dịch rất lớn và giá chịu sức ép mạnh. HPG lao dốc 2,36% với thanh khoản cao nhất thị trường 1.562,6 tỷ đồng. Đây là ngưỡng thanh khoản kỷ lục kể từ đầu tháng 12 năm ngoái. HPG từ đầu tháng 6/2023 đến đỉnh cuối tháng 7 vừa qua đã tăng 34%. VND đóng cửa giảm 1,98%, thanh khoản thứ hai thị trường với 944,7 tỷ đồng. Cổ phiếu này chỉ riêng nhịp tăng trong tháng 7 đã là 18% còn nếu tính từ đầu tháng 5 cũng đã tăng 40%. VCG lao dốc 3,85% với giao dịch 494,3 tỷ đồng, SSI giảm 1,72% với 436,2 tỷ, EIB giảm 1,96% với 317,7 tỷ, CII giảm 2,3% với 248,1 tỷ…
Loạt cổ phiếu vốn hóa lớn hôm nay giảm mạnh.
Dĩ nhiên vẫn có cả trăm cổ phiếu đi ngược dòng hôm nay đồng nghĩa với cơ hội sót lại cho không ít nhà đầu tư. Khoảng 73 cổ phiếu trong số còn tăng này đóng cửa trên 1% so với tham chiếu. Một số có thanh khoản rất lớn cho thấy còn có dòng tiền đẩy mạnh mạnh mẽ: VIX tăng 3,06% với 632,2 tỷ đồng; GEX tăng 2,4% với 437,8 tỷ; DBC tăng 2,35% với 395,3 tỷ; BCG tăng 2,25% với 296,1 tỷ; DGW tăng 3,7% với 249 tỷ; FRT tăng 3,4% với 218,6 tỷ…
Việc còn khá nhiều cổ phiếu đi ngược xu hướng giảm chung thể hiện khả năng phân hóa vẫn có thể kéo dài. Mỗi cổ phiếu có được dòng tiền khác nhau, chẳng hạn nhóm bán lẻ hiện đang có tiền vào dù giá đã tăng mạnh. Vì vậy cảm nhận về thị trường có thể khác nhau đáng kể giữa các nhà đầu tư, tùy vào việc nắm giữ cổ phiếu mạnh hay không. Tuy nhiên tổng thể về mặt xác suất, thị trường đang có nhiều rủi ro hơn là cơ hội và xác suất nhà đầu tư bị thua lỗ vẫn cao hơn là có lãi.
Thanh khoản chiều 3/8 trên hai sàn niêm yết tăng 19% so với buổi sáng, đạt 12.057 tỷ đồng, đồng thời tăng khoảng 25% so với chiều hôm qua. Như vậy lực bán mới đã xuất hiện. Tính chung cả phiên hôm nay trên 3 sàn, tổng giao dịch (cả thỏa thuận) đạt gần 24.400 tỷ đồng, trong đó HoSE và HNX khớp 22.201 tỷ đồng tăng 19% so với hôm qua.
Khối ngoại phiên chiều có tăng mua nhưng cũng không nhiều khác biệt. Cụ thể nhóm này giải ngân thêm 723,5 tỷ đồng trên sàn HoSE nhưng cũng bán ra 699,7 tỷ đồng. Tính chung cả ngày khối ngoại vẫn bán ròng nhẹ 69,4 tỷ, tập trung vào HPG -88,1 tỷ, VND -60 tỷ, MWG -53,9 tỷ, CTD -32 tỷ, VCB -26,1 tỷ, KDH -25,1 tỷ, SSI -22,5 tỷ, HDG -21,5 tỷ, DPM -21,5 tỷ. Phía mua ròng có CTG +78,4 tỷ, DCM +78,3 tỷ, MSN +66,7 tỷ, CTF +54,1 tỷ, FRT +30,3 tỷ, SAB +20,2 tỷ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận