Cập nhật KQKD ngân hàng quý 1/2023: ACB lãi hơn 5.000 tỷ, SHB đã hoàn thành 35% kế hoạch
Nhiều ngân hàng gần đây đã tiết lộ kết quả kinh doanh quý 1/2023 tại ĐHCĐ thường niên.
Kết quả kinh doanh quý 1/2023 của các ngân hàng là chủ đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Hiện tại, mới chỉ có PGBank đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2023 với kết quả tương đối khả quan. Tuy nhiên, hiện nhiều ngân hàng khác như SHB, VPBank, ACB, Eximbank cũng đã hé lộ kết quả kinh doanh tại ĐHCĐ thường niên năm 2023.
PGBank: Lợi nhuận trước thuế tăng 20%, nợ xấu giảm
Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank – Mã: PGB) là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý 1/2023.
Theo đó, các mảng kinh doanh của PGBank đồng loạt có kết quả tăng trưởng tích cực trong đó thu nhập lãi thuần tiếp tục là nguồn thu cốt lõi tăng tới 44,5% so với quý 1/2022, đạt 339 tỷ đồng, chủ yếu nhờ tăng trưởng của thu nhập lãi cho vay khách hàng.
Bên cạnh đó, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 32%, đạt 14 tỷ. Lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 32,4%, đạt 13,5 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư không ghi nhận lãi/lỗ trong quý 1 năm nay. Lãi từ hoạt động khác đạt 24 tỷ đồng, giảm 63%.
Tổng thu nhập hoạt động trong kỳ của PGBank đạt 391 tỷ đồng, tăng 11,6% so với quý 1/2022. Chi phí hoạt động tăng 22% lên 186 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro giảm 27% xuống còn 51 tỷ. Theo đó, PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 1/2023 ở mức 153 tỷ, tăng 21% so với cùng kỳ.
Nguồn: Tổng hợp từ BCTC PGBank
Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của PGBank đạt 46.474 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ 2,56% xuống 2,47%.
SHB: Lợi nhuận trước thuế ước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ
Tại ĐHCĐ thường niên 2023, bà Ngô Thu Hà, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết, tính đến hết quý 1/2023, tăng trưởng vốn của ngân hàng ở mức trên 8%, tăng trưởng tín dụng khoảng 6%, lợi nhuận ước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Mức room tín dụng SHB được NHNN cấp đầu năm là 7,9%, tới 31/3 tăng trưởng tín dụng đã đạt gần 6%.
ĐHCĐ thường niên 2023 của SHB.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng khẳng định, cuối năm 2022, nợ xấu của SHB (bao gồm nợ xấu ở CIC) tăng mạnh. Do đó, trong năm 2023, ngân hàng đã đề ra mục tiêu trọng tâm là xử lý thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo.
"Giá trị tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu là rất lớn, tỷ lệ dư nợ xấu trên tài sản đảm bảo chiếm tỷ lệ 37% nên ngân hàng tự tin có thể thu hồi được cả gốc và lãi của các khoản vay", Tổng Giám đốc SHB cho biết.
Với mục tiêu lợi nhuận 10.285 - 10.626 tỷ đồng trong năm nay, trong quý 1/2023, SHB đã đạt được 35% kế hoạch cả năm.
ACB: Lợi nhuận trước thuế đạt 5.120 tỷ đồng, tăng 24%
Về phía Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám Đốc ACB tiết lộ tại ĐHCĐ thường niên cho biết, kết quả kinh doanh quý 1 của ngân hàng khá tích cực dù bối cảnh thị trường có nhiều thách thức. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB đạt khoảng 5.120 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ và đạt 26% kế hoạch cả năm. Huy động hợp nhất biến động 2,1% so với cuối năm, các chỉ số an toàn ở mức cao.
Tuy nhiên, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ACB giảm 0,6% so với cuối năm ngoái. Ban lãnh đạo khẳng định cũng đã lường trước và ACB là ngân hàng bán lẻ nên cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự giảm tốc của kinh tế.
Trong tháng 3, tín dụng tăng 2,2% so với tháng 2. Hai tháng đầu tiên chỉ số này ghi nhận giảm nhưng đã khôi phục lại và với phân khúc định vụ khách hàng riêng, ngân hàng tự tin toàn dụng room tín dụng mà NHNN cấp.
VPBank: Lợi nhuận ngân hàng riêng lẻ đạt 4.000 tỷ đồng, hoàn thành 20% kế hoạch
Tại ĐHCĐ thường niên 2023 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - VPB), ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết, quý 1/2023, ngân hàng mẹ VPBank có lợi nhuận hơn 4.000 tỷ, tăng trưởng tín dụng 7% và huy động là 11,5%.
"Với 4.000 tỷ lợi nhuận, ngân hàng mới đi 1/5 chặng đường, nhưng với tăng trưởng tới đây thì mục tiêu lợi nhuận riêng lẻ 22.000 tỷ vẫn trong tầm tay", ông Vinh khẳng định.
Về tỷ lệ nợ xấu, ông Vinh cho biết, tỷ lệ này đã tăng từ 2,19% lên 2,6% trong quý 1 và dự kiến mức độ tăng này sẽ tiếp tục trong quý 2, nhưng duy trì dưới 3% do doanh nghiệp không có đơn hàng, khách hàng cá nhân vì lãi suất tăng cao không thể trả nợ, một số tập đoàn bất động sản có mâu thuẫn với người mua nhà, dẫn đến một số khoản nợ xấu nảy sinh. Mặc dù vậy, tổng Giám đốc VPBank khẳng định, ban lãnh đạo đang có biện pháp hỗ trợ khách hàng và dự kiến nợ xấu giảm dần từ quý 3, quý 4 năm nay.
Lãnh đạo VPBank chia sẻ, ngân hàng mẹ ghi nhận lãi riêng lẻ 4.000 tỷ đồng trong quý 1 tại ĐHCĐ thường niên 2023.
Như vậy, lợi nhuân quý 1 năm nay của VPBank thấp hơn nhiều so với mức hơn 10.500 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, quý 1/2022, VPBank ghi nhận khoản thu đột biến hơn 5.500 tỷ đồng từ ký kết bancassurance với AIA. Nếu so với quý 1 của các năm trước, VPBank vẫn đang tăng trưởng dương.
Tại Đại hội, VPBank cũng tiết lộ kết quả kinh doanh của Công ty Tài chính FE Credit. Theo đó, lãnh đạo ngân hàng khẳng định, thời điểm hiện tại thị trường tài chính tiêu dùng rất khó khăn, kết quả kinh doanh của FE Credit trong năm ngoái và quý 1/2023 đều không tốt nhưng ngân hàng đã có chương trình phục hồi mới.
Eximbank: Lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng
Tại Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB), Tổng Giám đốc Trần Tấn Lộc trả lời cổ đông tại ĐHCĐ thường niên cho biết, lợi nhuận trước thuế quý 1/2023 của ngân hàng đạt trên 900 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, Eximbank có cơ sở đặt kế hoạch lợi nhuận đưa ra cho năm 2032 tăng gần 35% so với năm trước.
Eximbank đặt mục tiêu tăng trưởng tương đối cao so với ngành trong năm 2023.
Được biết, năm 2023, Eximbank là một trong số ít những ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận tương đối cao ở mức gần 35%. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc ngân hàng cũng khẳng định, kế hoạch lợi nhuận trước thuế 5.000 tỷ đồng được đưa ra đã tính toán kỹ, ngân hàng cũng đã dự đoán tình hình kinh tế khó khăn và có phương án thực hiện tối thiểu lợi nhuận trên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận