menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hà Quỳnh Uyên

'Bỏ 1 tỷ sau 18 năm có 100 tỷ', DN của các ông chủ mạnh miệng làm ăn ra sao?

Nhiều ông chủ doanh nghiệp mạnh miệng tuyên bố với cổ đông rằng cổ phiếu có thể tăng 10-100 lần, là khoản đầu tư đáng giá, thu về trăm tỷ cho con cháu. Thực tế các doanh nghiệp này kinh doanh thế nào?

Những tuyên bố mạnh miệng

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2023 của Techcombank (TCB) vừa qua, Chủ tịch Hồ Hùng Anh dự báo, giá cổ phiếu TCB có thể tăng 5 - 10 lần trong tương lai.

Theo tỷ phú Hồ Hùng Anh, thời kỳ khó khăn nhất đã qua. Thị trường sẽ cho thấy giá trị đúng với thực tế của Techcombank.

Cũng theo ông Hồ Hùng Anh, 2022 là năm khó khăn về bất động sản và trái phiếu nhưng Techcombank thể hiện rất rõ việc quản trị rủi ro rất tốt trong hai lĩnh vực này. Ông cho biết, sắp tới kết quả sẽ được phản ánh rõ qua hoạt động kinh doanh.

Mặc dù những tuyên bố của ông chủ Techcombank là rất tích cực nhưng cổ phiếu TCB vẫn giảm khá mạnh trong thời gian gần đây. 7 trong 10 phiên gần nhất, cổ phiếu TCB giảm. Cổ phiếu này giảm khoảng 34% trong gần năm qua, từ đỉnh cao 44.000 đồng/cp xuống mức 29.000 đồng/cp hôm 25/4.

Tại ĐHCĐ năm 2022, ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ câu chuyện cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động từng tăng điểm mạnh như thế nào, kể từ khi doanh nghiệp lên sàn.

Ông Tài cho biết, lúc MWG vừa lên sàn (năm 2014), một bạn nữ hỏi có tiền và làm gì với số tiền đó. Câu nói đùa của ông Tài là, bỏ 1 tỷ đồng mua cổ phiếu MWG và cất rồi quên đi, đừng để ý đến nó. "Chắc chắn khi con em 18 tuổi nó sẽ có 100 tỷ để khởi nghiệp”, ông nói.

Kể từ 2014 tới nay, giá cổ phiếu MWG đã tăng khoảng 6-7 lần (theo giá điều chỉnh). Đây là mức tăng cũng khá ấn tượng. Tuy nhiên, khi nào cổ phiếu tăng gấp 100 lần thì vẫn chưa có câu trả lời.

Tại ĐHCĐ năm 2023 của CTCP Xây dựng Coteccons (CTD), Chủ tịch doanh nghiệp này cũng khuyến nghị các cổ đông, nếu “lần tới cổ phiếu (CTD) xuống giá thì nên mua thêm chứ đừng bán”.

'Bỏ 1 tỷ sau 18 năm có 100 tỷ', DN của các ông chủ mạnh miệng làm ăn ra sao?

Ông Hồ Hùng Anh tin rằng cổ phiếu TCB sẽ tăng mạnh 5-10 lần trong tương lai. (Ảnh: LĐ)

Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn, giá cổ phiếu giảm bao nhiêu thì nên mua vào. Trong 2 quý cuối năm 2022, cổ phiếu CTD giảm rất mạnh, từ khoảng 74.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) hồi giữa tháng 9/2022 xuống 50.000 đồng/cp hồi tháng 10/2022 nhưng sau đó giảm tiếp xuống 33.000 đồng/cp hồi giữa tháng 11. Tới tháng 3/2023, cổ phiếu này vẫn ở dưới ngưỡng 38.000 đồng/cp.

Năm nay, Xây dựng Coteccons thông qua kế hoạch lợi nhuận tăng cao gấp 10 lần so với năm 2022 lên 233 tỷ đồng (trên một nền thấp).

Tại ĐHĐCĐ năm 2017 của Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA ), ông Đặng Thành Tâm xuất hiện với tư cách chủ tọa thay chị gái - bà Đặng Thị Hoàng Yến. Ông Tâm khẳng định, cổ phiếu ITA về mệnh giá trong năm đó. Tuy nhiên, cổ phiếu ITA đến nay vẫn giao dịch dưới mệnh giá (dưới 4.000 đồng/cp).

Tại ĐHCĐ năm nay, Chủ tịch Chứng khoán SSI cũng cho rằng, vốn hóa của công ty chứng khoán này sẽ lên 10 tỷ USD, nếu thị trường chứng khoán tăng quy mô lên gấp 3. Điều này cũng đồng nghĩa với việc công ty này sẽ tiếp tục mở rộng quy mô cũng như giá cổ phiếu sẽ tăng theo thị trường.

Vài năm trước, giới đầu tư cũng xôn xao với những tuyên bố về giá cổ phiếu của cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết. Cuối năm 2019, FLC còn đưa ra cam kết sau 6 tháng, doanh nghiệp này mua lại giá cổ phiếu Bamboo Airways với giá gấp khoảng 2 lần.

Trước đó, ông Quyết từng cam kết rằng, “nếu năm 2016, cổ phiếu FLC vẫn dưới mệnh giá, thì tôi huy động mọi nguồn lực cá nhân, thậm chí cầm cố tài sản để mua lại cổ phiếu FLC". Tuy nhiên, tới tháng 3/2021, cổ phiếu này vẫn dưới mệnh giá. Trước khi bị hủy niêm yết hồi tháng 2/2023, FLC chỉ có giá 3.500 đồng/cp.

Với cổ phiếu ROS, năm 2019, ông Quyết cam kết không bán cổ phiếu ROS trong năm đó. Đến đầu tháng 10/2019, ông chủ của FLC lại bán ra hàng chục triệu cổ phiếu ROS, giảm mạnh tỷ lệ sở hữu tại FLC Faros.

Tương tự, tháng 9/2021, ông chủ Louis Capital Đỗ Thành Nhân chia sẻ trên trang cá nhân về triển vọng giá cổ phiếu thuộc “nhóm Louis”. Một số cam kết đầy hấp dẫn như “từ đây đến cuối năm BII không được 3X. Mọi người cứ chửi thoải mái”, “Từ đây đến cuối năm: BII không được 3X. TGG không được 4X-5X, APG không được 2X, SMT không được 3X, DDV không được 3X, AGM xuống 3X. Mọi người cứ chửi thoải mái. Ghi lại làm bằng”.

Sau thông tin này, các cổ phiếu họ “Louis” cùng tăng giá mạnh.

Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các cổ phiếu họ “Louis” và họ FLC bị đình chỉ giao dịch/hủy niêm yết/giá cổ phiếu tụt giảm xuống ngang cốc trà đá…

Khó khăn còn nhiều

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không để ý nhiều đến biến động giá cổ phiếu và tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh như tỷ phú Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát), ông Nguyễn Đức Tài (MWG)…

Tại ĐHCĐ năm 2023, Chủ tịch Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài cho biết, công ty sẽ chỉ mua cổ phiếu quỹ khi điều kiện dòng tiền cho phép để tăng tỷ lệ sở hữu của cổ đông, không nhằm mục đích “đỡ giá” cổ phiếu.

Tuy nhiên, tuyên bố về triển vọng giá cổ phiếu của một số lãnh đạo doanh nghiệp nhiều khi không đúng như những gì diễn ra trên thực tế khiến nhiều nhà đầu tư nghi ngờ.

Sau những tuyên bố mạnh mẽ, dòng tiền có lúc đổ vào các cổ phiếu này. Nhưng sau đó, nhà đầu tư lại rút ra nếu triển vọng không thực sự tốt.

Trong trường hợp Techcombank, cổ phiếu TCB có thời điểm bứt phá rất mạnh nhờ sự phát triển nhanh chóng về quy mô của tổ chức này, những kỳ vọng về CASA lớn, tệp khách hàng doanh nghiệp.... Tuy nhiên, TCB cũng có những khoảng thời gian kéo dài gây thất vọng, nhiều khi ngược chiều so với diễn biến trên thị trường chung.

Nhiều nhà đầu tư lo ngại về chất lượng tài sản của Techcombank khi ngân hàng này cho vay bất động sản và mua trái phiếu nhiều.

Triển vọng của Techcombank cũng chưa biết sẽ ra sao. Tuy nhiên, trong một động thái hồi cuối tháng 3/2023, tổ chức Moody’s đã hạ xếp hạng của Techcombank từ Ba2 xuống Ba3, trong bối cảnh đầy thách thức của thị trường Việt Nam.

Nhiều ngân hàng và doanh nghiệp thậm chí nhiều năm không chia cổ tức, gây ra sự bức xúc đối với nhiều cổ đông. Trong khi đó, không ít tổ chức vẫn đều phát hành cổ phiếu ưu đãi ESOP cho các cán bộ chủ chốt trong doanh nghiệp cho dù không chia cổ tức.

Với MWG, nhiều người lo lắng về khả năng quản lý hiệu quả nhiều chuỗi bán lẻ trong bối cảnh lãi suất tăng, sức cầu tiêu dùng suy giảm theo đà tăng trưởng kinh tế, sự cạnh tranh gia tăng và những khó khăn trong mảng logistics…

Tại ĐHCĐ năm 2023, lãnh đạo MWG gửi lời xin lỗi đến cổ đông vì không hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2022.

Trước đó, tại ĐHCD năm trước, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Cottecons (CTD) đã nói "rất tiếc" với cổ đông khi cổ phiếu mất nửa giá. Cũng theo lãnh đạo này, kể từ khi trở thành người đứng đầu doanh nghiệp xây dựng hàng đầu Việt Nam, ông thường xuyên nhận được tin nhắn than phiền của cổ đông, thậm chí một số còn đe doạ, mỗi lúc cổ phiếu giảm sâu.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khuyên nhà đầu tư nhìn vào dài hạn. Thị trường chứng khoán không dành cho những người lướt sóng ngắn hạn. Dù vậy, với nhiều nhà đầu tư, đa số sốt ruột khi nắm giữ cổ phiếu thời gian dài không tăng giá.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
23 Yêu thích
21 Bình luận 24 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại