Bất động sản khu công nghiệp còn nhiều dư địa
Bất động sản công nghiệp đang có những dấu hiệu tăng trưởng với việc khởi công nhiều khu công nghiệp mới và sự tham gia của nhiều chủ đầu tư mới.
Năm 2024, Công ty Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (mã chứng khoán: KSB) sẽ tiếp tục phát triển mạnh những mảng đầu tư vốn là thế mạnh của công ty, gồm khai thác khoáng sản và bất động sản công nghiệp. Đầu tháng 4, công ty nhận được giấy phép số 05/GP-UBND do UBND tỉnh Bình Dương cấp, cho phép công ty khai thác mỏ đá Tam Lập 3 tại huyện Phú Giáo.
Một mảng đầu tư quan trọng khác của KSB là phát triển bất động sản khu công nghiệp. Hiện KSB đang đưa vào khai thác giai đoạn 2 mở rộng của KCN Đất Cuốc tại Bình Dương. KCN Đất Cuốc có tổng diện tích 553 ha ở Bắc Tân Uyên và cách TPHCM 50 km, nằm sát đường Vành đai 4 và trục đường tạo lực, rất thuận lợi về giao thương. KSB đã lấp đầy toàn bộ diện tích của giai đoạn 1, giai đoạn 2 và hiện đang triển khai đầu tư giai đoạn 2 mở rộng.
Đáng chú ý, KSB vừa công bố hoàn tất việc mua lại KCN Hoa Lư ở xã Lộc Tấn và xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước với quy mô sử dụng đất hơn 348 ha. Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 1.700 tỷ đồng.
“Với việc mua lại Khu công nghiệp Hoa Lư cho thấy quyết tâm của KSB trong phát triển hệ sinh thái khu công nghiệp. Chúng tôi đánh giá mảng bất động sản công nghiệp sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới”, vị lãnh đạo KSB nói.
Tại thị trường Long An đã hình thành Khu công nghiệp đô thị dịch vụ tích hợp Prodezi quy mô 500 ha ở huyện Bến Lức. Đây là khu công nghiệp đô thị dịch vụ tích hợp phát triển theo định hướng xanh đi cùng với mô hình này là Khu đô thị LA Home.
Dự án đa dạng loại hình nhà ở từ nhà phố liền kề, biệt thự view sông đến shophouse thương mại đáp ứng chỗ ở cho hàng nghìn chuyên gia, kỹ sư, quản lý cấp cao, lao động tại Prodezi và các cụm khu công nghiệp liền kề. Chủ đầu tư kỳ vọng, mô hình này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất mà còn hỗ trợ việc giãn dân cư tại các khu trung tâm thành phố.
Tại đại hội cổ đông 2023 của Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land - mã chứng khoán: SCR), ông Lê Quang Vũ - Phó tổng Giám đốc Công ty CP Khu công nghiệp Thành Thành Công và ông Phạm Trung Kiên - chuyên gia kiểm toán nội bộ Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công đã được bầu vào Hội đồng quản trị để chuẩn bị tâm thế cho việc lấn sân qua mảng bất động sản khu công nghiệp.
Theo TTC Land, đối với bất động sản khu công nghiệp, SCR nhận thấy phân khúc này và hậu cần trở nên vượt trội hơn hầu hết loại tài sản khác, nhờ vào sự phát triển của ngành sản xuất và xuất khẩu, thương mại điện tử, vận tải và kho bãi kể từ năm 2018. Nhiều doanh nghiệp đang quan tâm tới Việt Nam như một điểm đến mới cho việc mở rộng sản xuất từ Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á và dự báo thị trường bất động sản khu công nghiệp sẽ tăng trưởng ít nhất 2 lần trong 10 năm tới.
Tỷ lệ hấp thụ nhà xưởng xây sẵn được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Nhu cầu thuê kho sẽ tiếp tục được duy trì bởi tiêu dùng trong nước, nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam và sự tăng trưởng của thị trường logistics và thương mại điện tử. Bất động sản khu công nghiệp và bất động sản kho vận sẽ là sự cộng hưởng để TTC Land tiếp tục mở rộng phát triển.
Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán: HDG) cũng vừa đề xuất tỉnh Ninh Thuận thực hiện đầu tư hai cụm công nghiệp Phước Nam 1 và Phước Nam 2, gần khu công nghiệp Cà Ná. Mỗi cụm đều có quy mô 50 ha, tập trung vào các ngành ít gây ảnh hưởng đến môi trường, có công nghệ cao.
Nhận định về xu hướng này, Tiến sĩ Phạm Anh Khôi - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính Bất động sản Dat Xanh Services cho rằng, bất động sản công nghiệp đang có những dấu hiệu tăng trưởng với việc khởi công nhiều khu công nghiệp mới và sự tham gia của nhiều chủ đầu tư mới, đặc biệt là các dự án có quy mô lớn 100 ha.
Trong khi đó, CBRE Việt Nam khẳng định, trong bối cảnh thị trường địa ốc còn nhiều khó khăn, bất động sản công nghiệp năm nay vẫn sẽ là điểm sáng với nhu cầu lớn, giá thuê tăng. Trong năm 2023, bất động sản công nghiệp khu vực phía Bắc ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trên 80%, còn phía Nam khoảng 92%.
Ngoài các nhà sản xuất về điện tử, ôtô và phụ kiện, CBRE nhận thấy các khách thuê từ những ngành mới trong lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất xe điện, bán dẫn hay vật liệu xanh cũng quan tâm tới Việt Nam.Trên cơ sở đó, CBRE dự tính trong 3 năm tới, giá thuê đất công nghiệp có thể tăng 5 - 9% mỗi năm ở miền Bắc và 3 - 7% mỗi năm ở miền Nam. Giá thuê nhà kho, nhà xưởng xây sẵn cũng có thể tăng nhẹ, ở mức 1 - 4% mỗi năm.
Nhóm nghiên cứu của SSI Research cho rằng bất động sản công nghiệp cũng sẽ có triển vọng tích cực nhờ dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì được sự tăng trưởng năm nay. Tại miền Bắc, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp có thể tăng cao năm nay nhờ nhu cầu dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, chủ yếu trong ngành điện tử và bán dẫn. Còn tại phía Nam, các khu công nghiệp có thể phục hồi nhờ nhóm khách thuê là các doanh nghiệp sản xuất (dệt may, gỗ, da giầy), logistics, thực phẩm, đồ uống.
Ông John Campbell - Phó Giám đốc kiêm Trưởng Bộ phận dịch vụ công nghiệp, Savills Việt Nam cho rằng, việc tìm kiếm nguồn cung đất công nghiệp đang trở thành bài toán khó cho các doanh nghiệp, khi tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp luôn đạt mức cao. Tại một số tỉnh phía Nam như Bình Dương hay Đồng Nai, tỷ lệ lấp đầy luôn đạt mức trên 95%.
“Thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển, đa dạng các sản phẩm như trung tâm dữ liệu, kho lạnh và logistics. Ngoài ra, dịch vụ xây dựng nhà xưởng theo yêu cầu nhằm đáp ứng các yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật cũng là điểm thu hút các nhà đầu tư”, ông John Campbell nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường