Áp lực nợ xấu tăng, ngân hàng vẫn lãi lớn nhờ đâu?
Không chỉ gia tăng áp lực trích lập dự phòng, nợ xấu lên cao hơn cũng ảnh hưởng đến nguồn thu nhập lãi vay của các ngân hàng, khi các ngân hàng phải thoái thu các khoản lãi dự thu chưa thu được khi chuyển nhóm nợ. Những yếu tố nào bù đắp cho ảnh hưởng từ nợ xấu và là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng?
Bức tranh lợi nhuận vẫn sáng…
Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất lũy kế sáu tháng đầu năm 2024 của 27 ngân hàng đã niêm yết là gần 148.171 tỉ đồng, tăng 20.296 tỉ đồng, tương đương tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có đến 21 ngân hàng vẫn duy trì được sự tăng trưởng lợi nhuận, chiếm tỷ trọng 78%, cho thấy dù đối mặt với không ít khó khăn và thách thức trong hoạt động, bức tranh lợi nhuận của phần lớn các ngân hàng vẫn sáng.
Tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ nhất có thể kể đến Ngân hàng Bản Việt tăng 113 tỉ đồng, tương đương tăng 284%; LPBank tăng 3.473 tỉ đồng, tương đương tăng 142%; VPBank tăng 3.503 tỉ đồng, tương đương tăng 68%; SeABank tăng 1.222 tỉ đồng, tương đương tăng 61%; HDBank tăng 2.680 tỉ đồng, tương đương tăng 49% và NamA Bank tăng 692 tỉ đồng, tương đương tăng hơn 45%.
Xét theo mức tăng tuyệt đối trên 1.000 tỉ đồng, VPBank, LPBank, HDBank và SeABank cũng nằm trong danh sách này. Ngoài ra còn có Techcombank tăng cao nhất là 4.356 tỉ đồng, tương đương tăng 37% và BIDV tăng 1.686 tỉ đồng, tương đương tăng hơn 12%.
Về quy mô, có đến 18 ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế trên 1.000 tỉ đồng chỉ trong sáu tháng, trong đó sáu ngân hàng đạt trên 10.000 tỉ đồng là Vietcombank lãi 20.835 tỉ đồng; Techcombank lãi 15.628 tỉ đồng; BIDV lãi 15.549 tỉ đồng; MBBank lãi 13.428 tỉ đồng; VietinBank lãi 12.960 tỉ đồng và ACB lãi 10.490 tỉ đồng.
Nếu so với kế hoạch đặt ra trong năm 2024, có 11 ngân hàng đã đạt tiến độ trên 50% kế hoạch cả năm, như Ngân hàng Bản Việt đạt 76%; LPBank đạt 62%; SHB đạt 61%; Techcombank và ABBank cùng đạt 58%; SeABank và NamA Bank đều đạt 55%; MSB đạt 54%; VietA Bank đạt 53%; HDBank đạt 52% và Sacombank đạt 50%.
Ngược lại, có sáu ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước, gồm: Ngân hàng Quốc Dân (NCB) giảm 6,5 tỉ đồng, tương đương giảm hơn 47%; VIB giảm gần 1.037 tỉ đồng, tương đương giảm 18,4%; OCB giảm 447 tỉ đồng, tương đương giảm 17,5%: ABBank giảm 96 tỉ đồng, tương đương giảm 14,2%; PGBank giảm 36 tỉ đồng, tương đương giảm 11,9% và SaigonBank giảm 17 tỉ đồng, tương đương giảm 9,4%. Ngoại trừ VIB, mức giảm tuyệt đối của các ngân hàng này không quá lớn, một phần do quy mô lợi nhuận còn khiêm tốn.
Đáng chú ý, trong số sáu ngân hàng sụt giảm lợi nhuận, có đến bốn ngân hàng đã để tỷ lệ nợ xấu vượt mức 3%, gồm NCB có nợ xấu là 22.600 tỉ đồng, tương đương tỷ lệ lên đến 35,3% tính đến cuối quí 2-2024; OCB tương ứng là 6.100 tỉ đồng và 4%; VIB là 10.200 tỉ đồng và 3,7%; ABBank là 3.200 tỉ đồng và 3,5%. Có thể thấy nợ xấu đã ảnh hưởng tiêu cực như thế nào đến kết quả lợi nhuận của các ngân hàng.
…Dù nợ xấu tiếp tục gia tăng
Cụ thể, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VIB trong sáu tháng đầu năm 2024 tăng 547 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2023; OCB tăng hơn 151 tỉ đồng; PGBank tăng gần 46 tỉ đồng và NCB tăng hơn 20 tỉ đồng. Đáng lưu ý, có đến 23 ngân hàng tăng nợ xấu so với đầu năm 2024, vì vậy cũng có đến 21 ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng so với cùng kỳ năm 2023. Thống kê cho thấy tổng trích lập dự phòng tăng thêm so với cùng kỳ năm 2023 của 27 ngân hàng là gần 6.417 tỉ đồng.
Không chỉ gia tăng áp lực trích lập dự phòng, nợ xấu lên cao hơn cũng ảnh hưởng đến nguồn thu nhập lãi vay của các ngân hàng, khi các ngân hàng phải thoái thu các khoản lãi dự thu chưa thu được khi chuyển nhóm nợ. Ngoài ra, với lãi phải thu của các khoản nợ tái cơ cấu, các ngân hàng cũng không phải hạch toán thu nhập mà thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu, theo Quy định của Thông tư 02/2023/TT-NHNN.
Dù quy mô tín dụng của nhiều ngân hàng đã tăng trưởng mạnh mẽ so với đầu năm 2024 cũng như so với cùng kỳ năm 2023, khi có đến 11 ngân hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng lên đến hai con số so với đầu năm 2024, nhưng do nợ xấu tăng và một phần lãi suất cho vay đi xuống, nên nguồn thu nhập lãi vay của các ngân hàng vẫn sụt giảm so với cùng kỳ. Thống kê cho thấy tổng thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự của 27 ngân hàng lũy kế sáu tháng đầu năm 2024 giảm đến 40.188 tỉ đồng, tương đương giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có đến 22 ngân hàng sụt giảm.
Tuy nhiên, chi trả lãi tiền gửi thậm chí còn giảm nhanh hơn, với tổng mức giảm lên đến 70.091 tỉ đồng, tương đương giảm hơn 22%, cả 27/27 ngân hàng đều ghi nhận giảm so với cùng kỳ, nhờ đó đã trở thành động lực chính thúc đẩy lợi nhuận tăng trưởng và bù đắp cho ảnh hưởng tiêu cực từ nợ xấu. Theo đó, thu nhập lãi thuần của 27 ngân hàng tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Dù mặt bằng lãi suất tiền gửi đã bắt đầu đi lên từ đầu quí 2 đến nay, nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với giai đoạn sáu tháng cùng kỳ năm ngoái. Có thể thấy, nếu như sáu tháng đầu năm ngoái chứng kiến lợi nhuận của nhiều ngân hàng bị ảnh hưởng bởi chi trả lãi tiền gửi tăng mạnh do lãi suất huy động tăng cao, thì sáu tháng đầu năm nay lại chứng kiến bức tranh ngược lại.
Động lực tăng trưởng lợi nhuận thứ hai đến từ nguồn thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực. Cụ thể, thu nhập thuần từ dịch vụ của 27 ngân hàng lũy kế sáu tháng đầu năm 2024 tăng 1.944 tỉ đồng, tương đương tăng 6,5% so với cùng kỳ, trong đó có 14 ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng. Điều này cho thấy sự phân hóa rõ rệt, khi một số ngân hàng đã bị ảnh hưởng bởi hoạt động bán bảo hiểm (bancassurance) bị kiểm soát chặt chẽ hơn, ngược lại số khác đã cấu trúc lại danh mục biểu phí dịch vụ để tăng nguồn thu, cũng như bắt đầu hái quả ngọt từ nền tảng công nghệ số hóa đã đầu tư những năm qua.
Bối cảnh tỷ giá biến động mạnh trong những tháng đầu năm nay cũng mang lại cơ hội cho nhiều ngân hàng gia tăng nguồn thu từ hoạt động ngoại hối. Theo đó, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối của 27 ngân hàng tăng vọt 4.563 tỉ đồng, tương đương tăng gần 43% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, hoạt động này cũng có sự phân hóa khi bên cạnh 16 ngân hàng tăng là 11 ngân hàng giảm. Một số ngân hàng tăng rất mạnh như BIDV tăng 1.734 tỉ đồng; Techcombank tăng 1.196 tỉ đồng; VPBank tăng 1.055 tỉ đồng. Ngược lại, Viecombank – ngân hàng có thế mạnh về kinh doanh ngoại hối, dù vẫn ghi nhận lợi nhuận lớn từ hoạt động này là 2.358 tỉ đồng, nhưng nếu so với cùng kỳ thì lại giảm gần 828 tỉ đồng.
Lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư của 27 ngân hàng cũng tăng lần lượt là 596 tỉ đồng và 1.147 tỉ đồng, tương ứng tăng 43% và 39% so với cùng kỳ. Với mặt bằng lãi suất thấp hơn nhiều so với giai đoạn sáu tháng đầu năm 2023, nhiều ngân hàng không phải trích lập dự phòng cho các khoản trái phiếu đã đầu tư hoặc hiện thực hóa lợi nhuận từ danh mục trái phiếu hiện có.
Cuối cùng, với thị trường bất động sản vẫn chưa phục hồi thật sự, công tác xử lý, thu hồi nợ xấu của các ngân hàng cũng chậm lại, do đó nguồn thu nhập bất thường từ thu hồi nợ xấu của các ngân hàng cũng bị ảnh hưởng, thể hiện qua lãi thuần từ hoạt động khác của 27 ngân hàng giảm 4.684 tỉ đồng tương đương giảm hơn 30% so với cùng kỳ. Ngoài ra, thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần giảm 522 tỉ đồng, tương đương giảm 42% và chi phí hoạt động tăng 6.235 tỉ đồng, tương đương tăng 6,7% so với cùng kỳ, đã góp phần kìm hãm mức tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận