GAS được khuyến nghị trung lập
Chứng khoán SSI (SSI): Theo kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2023, lợi nhuận ròng của Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) ước tính đạt khoảng 11,6 nghìn tỷ đồng, khá phù hợp với dự báo của Công ty chứng khoán SSI là 12 nghìn tỷ đồng.
Lợi nhuận ước tính sẽ giảm khoảng 23% so với cùng kỳ nhưng vẫn vượt kế hoạch thận trọng của công ty là 77%. Doanh thu ước tính giảm khoảng 7,5% đạt hơn 93,2 nghìn tỷ đồng.
Sản lượng tiêu thụ khí khô ước đạt khoảng 7,3 tỷ m3, giảm khoảng 5% so với cùng kỳ, trong khi sản lượng tiêu thụ LPG ước tăng khoảng 20% đạt mức cao kỷ lục là gần 2,5 triệu tấn, trong đó sản lượng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đạt lần lượt là 1,6 triệu tấn và 900 nghìn tấn.
Theo kế hoạch kinh doanh sơ bộ, sản lượng tiêu thụ khí khô trong năm 2024 được đặt ở mức thận trọng là 6,3 tỷ m3, giảm hơn 13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng dự kiến đạt 5,7 nghìn tỷ đồng (giảm 51% so với cùng kỳ) trong kịch bản giá Brent trung bình ở mức 70 USD/thùng, hoặc đạt 6,8 nghìn tỷ đồng (giảm 41% so với cùng kỳ) trong kịch bản giá Brent trung bình ở mức 80 USD/thùng.
Sản lượng tiêu thụ khí thấp hơn dự báo của SSI là 7,18 tỷ m3 và dựa trên sản lượng đăng ký của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 4,1 tỷ m3 (so với 5 tỷ m3 trong năm 2023) và chưa tính đến sản lượng LNG, do vậy có thể điều chỉnh tăng trong tương lai. Phương án cuối cùng sẽ phải được PVN cũng như ĐHCĐ thường niên 2024 thông qua.
Bên cạnh đại dự án Lô B hiện tại dự kiến sẽ khai thác dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026, Sư Tử Trắng 2B cũng là một dự án lớn đang được triển khai, với tổng sản lượng khai thác là 8 tỷ m3 và nguồn cung hàng năm là khoảng 1,2 triệu m3.
Tuy nhiên, dự án dự kiến sẽ khai thác dòng khí lần đầu tiên vào năm 2027. Trong vài năm tới, có thể có thêm một số nguồn khí từ một số bể nhỏ như Kình Ngư Trắng (năm 2024) ở vùng biển Đông Nam Bộ, như cũng như Nam Du-U Minh và Khánh Mỹ ở vùng biển Tây Nam, nhưng tổng nguồn cung của các bể khí nổi bật trong nước dự kiến vẫn sẽ giảm khoảng 500 triệu m3/năm trong 2-3 năm tới.
Nhờ đó, mảng LNG sẽ là nguồn bổ sung chủ yếu bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung trong nước trong những năm tới. GAS đã và đang làm việc với Chính phủ và đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án LNG như cam kết sản lượng mua khí, hay chuyển giá khí vào giá bán điện.
Do kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2023 của GAS khá phù hợp với ước tính của SSI nên SSI duy trì khuyến nghị trung lập với mục tiêu 1 năm là 84.000 đồng/cổ phiếu, dựa trên ước tính lợi nhuận ròng năm 2023 và 2024 lần lượt là 12 nghìn tỷ đồng (giảm 20% so với cùng kỳ) và 11,6 nghìn tỷ (giảm 4% so với cùng kỳ).
CTCK khuyến nghị gì cho phiên giao dịch cuối năm?
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VHM
Chứng khoán BIDV (BSC): Quan điểm đầu tư dành cho cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes: VHM đang giao dịch tại vùng giá thấp nhất kể từ khi niêm yết, tương ứng mức định giá hấp dẫn với PE 2024F=6.9x và P/B 2024F = 0.86x – mức thấp nhất kể từ khi niêm yết.
Bên cạnh đó, triển vọng lợi nhuận dài hạn của VHM được đảm bảo nhờ quỹ đất liên tục được mở rộng, luôn hiện hữu dự án gối đầu và năng lực và sản phẩm đã được chứng minh.
BSC điều chỉnh tăng 5% dự báo tổng doanh thu (bao gồm bán buôn và HTĐT) và tăng 10% dự báo lợi nhuận sau thuế - cổ đông thiểu số năm 2023, lần lượt đạt 115.508 tỷ đồng (tăng 42% so với năm trước) và 36.684 tỷ đồng (tăng trưởng 27%) nhờ bàn giao các sản phẩm thấp tầng tại đại dự án Vinhomes OCP 2 & 3 tốt hơn kỳ vọng.
Sang năm 2024, chúng tôi dự báo kết quả kinh doanh sẽ ghi nhận mức tăng trưởng âm do điểm rơi bàn giao tập trung vào 2023-nửa đầu năm 2024 trong khi tỷ lệ hấp thụ các dự án mở bán mới thấp. Theo đó, tổng doanh thu đạt 96.408 tỷ đồng (giảm 17% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế - cổ đông thiểu số đạt 26.240 tỷ đồng (giảm 29%), EPS = 5.966 đồng , PE fwd = 6.9x, P/B fwd = 0.86x.
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VHM nhưng điều chỉnh giá mục tiêu giảm 24% còn 60.900 đồng/CP (upside 45.3%), phản ánh: Giảm 11,1% định giá tại các dự án đang triển khai khi hạ dự báo doanh số bán lẻ vào các năm tiếp theo bởi các yếu tố chu kỳ tiến độ triển khai kéo dài, biên lợi nhuận giảm do chính sách bán hàng kích cầu.
Áp dụng mức chiết khấu vào định giá 20% vì rủi ro giao dịch nội bộ Tập đoàn và các rủi ro về xu hướng ngành khi mà biên lợi nhuận các doanh nghiệp nhìn chung sẽ co lại, do nghĩa vụ tài chính cao hơn (chi phí sử dụng đất, chi phí vốn…) và giá bán bình ổn và tốc độ hấp thụ chậm hơn giai đoạn trước do nguồn cung sản phẩm trong tương lai cao hơn.
KDH được khuyến nghị trung lập
Chứng khoán SSI (SSI): Duy trì khuyến nghị trung lập cho Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH), nhưng nâng giá mục tiêu lên 30.950 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 2%), cao hơn một chút so với giá mục tiêu trước đó của SSI là 30.500 đồng/cổ phiếu, phản ánh sự thay đổi trong giả định của SSI về mở bán của dự án The Clarita, The Emeria và The Solina, dự kiến sẽ mở bán muộn hơn so với giả định trước đó và do SSI chuyển cơ sở định giá sang năm 2024.
Trong quý III/2023, KDH đạt 616,4 tỷ đồng (giảm 23,2% so với cùng kỳ & tăng 5,9% so với quý trước) và LNST đạt 210 tỷ đồng (giảm 39,1% so với cùng kỳ & giảm 17,9% so với quý trước).
Doanh thu giảm mạnh so với cùng kỳ là do doanh số bán bất động sản trong quý III/2023 giảm (giảm 24,6% so với cùng kỳ đạt 593 tỷ đồng trong quý III/2023), trong khi LNST giảm so với cùng kỳ là do thu nhập khác thấp hơn so với quý III/2022 (đền bù chấm dứt hợp đồng với giá trị 123 tỷ đồngvà được ghi nhận vào thu nhập khác trong quý III/2022).
So với quý trước, mặc dù doanh thu cao hơn, LNST trong quý III/2023 vẫn thấp hơn so với quý II/2023 do biên lợi nhuận gộp được ghi nhận trong quý II/2023 cao hơn nhiều với mức 88,7% so với 70,2% trong quý III/2023.
Trong quý IV/2023, SSI ước tính KDH sẽ tiếp tục bàn giao các căn hộ trong dự án The Classia cho người mua nhà và đạt 773 tỷ đồng doanh thu (giảm 37% so với cùng kỳ & tăng 25% so với quý trước), LNST đạt 365 tỷ đồng (tăng 230% so với cùng kỳ & tăng 74% so với quý trước).
Cùng với kết quả kinh doanh 9T2023, SSI dự báo doanh thu thuần và LNST năm 2023 lần lượt là 2,39 nghìn tỷ đồng (giảm 17,7% so với cùng kỳ) và 1,03 nghìn tỷ đồng (giảm 4,7% so với cùng kỳ), hoàn thành 77% và 101% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng cả năm của công ty, với việc ghi nhận doanh thu lớn từ dự án The Classia.
Cho năm 2024, cùng với một dự án cao tầng được mở bán (The Privia) vào cuối năm 2023, KDH dự kiến sẽ mở bán hai dự án mới khác là The Clarita và The Emeria trong nửa cuối năm 2024. KDH đã bán 49% cổ phần của hai dự án này cho Keppel Land trong quý 2 và quý 3 năm 23.
Do đó, SSI dự báo KDH sẽ: i) bán hàng và bàn giao các căn thấp tầng còn lại trong dự án The Classia; ii) triển khai bàn giao căn hộ tại dự án The Privia, và iii) mở bán và bàn giao căn thấp tầng tại dự án The Clarita.
Nhờ đó, KDH dự kiến đạt doanh thu và LNST lần lượt là 3,3 nghìn tỷ đồng (tăng 38,5% so với cùng kỳ) và 910 tỷ đồng (giảm 11,8% so với cùng kỳ). Nguyên nhân LNST thấp hơn so với năm 2023 là do biên lợi nhuận gộp của sản phẩm cao tầng tại dự án The Privia ước tính thấp hơn sản phẩm thấp tầng tại dự án The Classia được ghi nhận trong năm 2023.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PVD
Quan điểm đầu tư dành cho cổ phiếu PVD của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí: Giá cho thuê giàn khoan tự nâng khu vực tiếp tục duy trì ở mức cao; Hiệu suất hoạt động các giàn của PVD khả quan, dự kiến đầy đủ việc làm giai đoạn 2024-2025; Triển vọng thị trường khoan trong nước hồi phục khả quan.
Năm 2024, BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của PVD lần lượt đạt 7.400 tỷ đồng (tăng 27% so với năm trước) và 755 tỷ đồng (tăng trưởng 43%), EPS FW khoảng 964 đồng/CP với một số giả định: Giá dầu trung bình năm 2024 đạt 80 USD/thùng (giảm 2%); Giá cho thuê giàn khoan trung bình năm 2023 đạt 105,000 USD/ngày (tăng trưởng 28%); Hiệu suất hoạt động các giàn khoan tự nâng đạt trung bình 99% cho năm 2024.
BSC tiếp tục duy trì khuyến nghị mua đối với PVD, và nâng giá mục tiêu cho năm 2024 lên 33.900 đồng/CP (tương đương upside 20% so với giá đóng cửa ngày 27/12/2023 là 28.300 đồng/CP) dựa trên phương pháp P/B và DCF với tỷ trọng là 50% - 50%.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu STB
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (HOSE: STB) tiếp tục duy trì tăng trưởng lợi nhuận cao (tăng trưởng 54%) trong bối cảnh lợi nhuận toàn ngành 9 tháng đầu năm nay giảm 2,6%.
Tăng trưởng lợi nhuận tiếp tục tăng tốc trong quý IV/2023 nhờ hoàn thành trích lập các tài sản tồn đọng và trong năm 2024 nhờ sớm hoàn thành đề án tái cấu trúc. Tính đến tháng 11/2023, STB đã trích lập 100% dự phòng cho toàn bộ danh mục nợ tài sản tồn đọng còn lại chưa xử lý, giúp STB tiết kiệm được khoảng 4.400 tỷ đồng chi phí phát sinh trong năm 2024.
Ngoài ra, chúng tôi kỳ vọng STB sẽ ghi nhận kết quả thu hồi khoảng 19.000 tỷ đồng từ việc thanh lý thành công tài sản thế chấp 32,5% cổ phần STB phong tỏa tại VAMC và tối thiểu 7.900 tỷ đồng từ đấu giá KCN Phong Phú trong năm 2024. Điều này sẽ giúp STB gia tăng tài sản sinh lời, tạo dư địa tăng trưởng lớn trong giai đoạn tới.
Kỳ vọng giai đoạn tới NHNN sẽ tăng hạn mức tín dụng cho STB sau khi hoàn thành đề án tái cấu trúc. Tăng trưởng tín dụng của STB từ đầu năm đến cuối tháng 9/2023 tiếp tục được duy trì, đạt gần 9% (sử dụng hết 2/3 hạn mức tín dụng cả năm), với số liệu kinh tế vĩ mô tháng 11 có nhiều tín hiệu khởi sắc và lãi suất tiếp tục giảm sẽ thúc đẩy nhu cầu tín dụng tăng lại, giúp STB sớm hoàn thành hạn mức tăng trưởng tín dụng 11% cả năm 2023.
Bên cạnh đó, STB đã hoàn thành triển khai Basel III trong năm nay, chất lượng tài sản duy trì tốt với các hệ số an toàn vốn đều đáp ứng tốt yêu cầu của NHNN, điều này sẽ hỗ trợ STB có thêm triển vọng được NHNN nới rộng hạn mức tăng trưởng tín dụng trên 11% trong năm tới.
Định giá hấp dẫn: Tỷ lệ P/B hiện tại là 1,1x thấp hơn so với trung bình 5 năm quá khứ và trung bình ngành. Dự kiến tỷ lệ ROE 2024F của STB sẽ khoảng 20-24%, thuộc top cao đầu ngành khi hoàn thành tái cấu trúc.
Agriseco Research kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của STB các tháng cuối năm 2023 và năm 2024 được hỗ trở bởi: (1) STB có tỷ lệ trích lập dự phòng cao giúp nhiều dư địa cải thiện kết quả kinh doanh khi thu hồi các khoản nợ xấu sau khi hoàn tất Đề án tái cơ cấu năm 2024, từ đó gia tăng nguồn vốn và mở ra triển vọng tăng trưởng dài hạn cho ngân hàng; (2) Kỳ vọng kết quả kinh doanh của STB duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ nhờ kết quả từ tái cấu trúc; (3) Mặt bằng định giá hấp dẫn tại mức P/B 1,1x lần. Do đó, chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu STB với giá mục tiêu 36.000 đồng/cp (upside 31%).
Chia sẻ thông tin hữu ích