24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Kiến Vũ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Xu thế dòng tiền: Lại “bull-trap”, hay thị trường đã thực sự chạm đáy?

Tâm điểm của giao dịch tuần qua tập trung ở phiên tăng bùng nổ gần 36 điểm. Tuy nhiên dòng tiền đã không mạnh lên rõ rệt và điều đó tạo mối nghi ngờ lớn trên thị trường. Trong nhịp điều chỉnh này đây không phải lần đầu tiên thị trường hồi mạnh lên vài ngày, để rồi lại tìm đáy mới...

Tâm điểm của giao dịch tuần qua tập trung ở phiên tăng bùng nổ gần 36 điểm. Tuy nhiên dòng tiền đã không mạnh lên rõ rệt và điều đó tạo mối nghi ngờ lớn trên thị trường. Trong nhịp điều chỉnh này đây không phải lần đầu tiên thị trường hồi mạnh lên vài ngày, để rồi lại tìm đáy mới.

Theo các chuyên gia, trong một xu hướng giảm vẫn có các nhịp phục hồi kỹ thuật và sự nghi ngờ xuất hiện là điều bình thường. Với điều kiện dòng tiền chưa mạnh, cơ hội để thị trường tạo đáy chữ V là thấp. Khả năng được đồng thuận là thị trường có nhịp phục hồi rồi kiểm định lại đáy – có thể cao hơn hoặc thấp hơn – đáy vừa rồi. Đây cũng là sự vận động thường thấy trong quá trình tích lũy nếu thị trường tạo đáy.

Với đánh giá thị trường như vậy, các chuyên gia ưu tiên giao dịch ngắn hạn linh hoạt, hoặc đầu cơ nhanh hoặc thực hiện giao dịch trên khối lượng cổ phiếu có sẵn để giảm giá vốn. Tỷ trọng cổ phiếu được điều chỉnh lên mức cao trong tuần qua nhưng sẵn sàng co giãn linh hoạt trong tuần tới.

Đối với quan điểm dài hạn, các chuyên gia cho rằng thị trường đang được được định giá ở mức thấp và tạo cơ hội đầu tư dài hạn với các cổ phiếu, ngành nghề có triển vọng. Quan điểm dài hạn đánh giá thị trường là tích cực khi nhịp điều chỉnh vừa qua đã quay lại điểm xuất phát, trong khi cơ hội phục hồi và tăng trưởng kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh được đánh giá lạc quan trong quý 4/2023 cũng như trong năm 2024.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Thị trường đã hồi mạnh cuối tuần qua. Câu hỏi lớn nhất lúc này có lẽ là thị trường đã thực sự chạm đáy, hay chỉ là một nhịp bull-trap nữa, nhất là khi phiên cuối tuần có lực bán tăng đáng kể? Quan điểm của anh chị thế nào?

Tôi nghiêng về kịch bản VN-Index có thể cần một nhịp điều chỉnh nhằm kiểm tra lại mức đáy cũ vừa thiết lập trong tuần qua, trước khi thực sự xác nhận rằng thị trường đã chính thức chạm đáy hay chưa? Và nếu VN-Index có thể giữ được mức đóng cửa trên vùng đáy 1.020 điểm trong nhịp điều chỉnh tới thì cơ hội tạo đáy của thị trường mới được xác nhận.

Ông Thái Hữu Công - Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV

Quan sát những nhịp điều chỉnh trong quá khứ chúng ta có thể thấy rất hiếm khi thị trường có thể tạo đáy hình chữ V và bước vào xu hướng tăng điểm trung hạn ngay sau đó. Việc tạo đáy thường sẽ cần mất từ 3-5 tuần để cổ phiếu rũ bỏ áp lực chốt lời T+ của các nhà đầu cơ ngắn hạn và có cơ hội tích lũy trở lại.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh các thị trường trên thế giới vẫn đang diễn biến khá tích cực, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục trong ngắn hạn và hướng lên vùng đích kỳ vọng kế tiếp quanh 110x trước khi gặp áp lực điều chỉnh rõ nét hơn.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Hiện tại để nói thị trường bull-trap hay thực sự tạo đáy còn quá sớm. Tôi đang dự đoán thị trường theo 2 kịch bản:

Kịch bản 1: Sang tuần thị trường điều chỉnh về vùng đáy cũ với thanh khoản không mạnh hơn MA(V,20) và tạo 2 đáy (bằng, cao hơn hoặc thấp hơn đáy cũ) sau đó hồi phục với thanh khoản tốt hơn. Với kịch bản này thị trường sẽ tạo đáy ngắn hạn.

Kịch bản 2: VN-Index sang tuần tiếp tục tăng và hướng thẳng lên vùng kháng cự quanh 1.100-1.120 điểm. Với kịch bản này theo quan điểm của tôi, cần rất thận trọng nếu cầm nhiều cổ phiếu có thể chốt giảm tỷ trọng, khi có dấu hiệu xấu có thể bán hết, hạn chế mua mới vì với kịch bản này xác suất thị trường có nhịp giảm mạnh tiếp là cao và nhịp hồi này “dự” là một nhịp bull-trap.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Dưới góc nhìn kỹ thuật, tôi thấy nhịp tăng điểm vào cuối tuần qua khá tốt khi thanh khoản đã được cải thiện theo hướng tích cực, và xoa dịu đi áp lực từ làn sóng bán tháo trước đó.

Tuy nhiên, nhịp tăng mới chỉ dừng ở tín hiệu phục hồi kỹ thuật, khi VN-Index vẫn chưa thoát khỏi sức ép từ đường MA20 hướng xuống tiêu cực, cũng như mức tăng điểm có phần thu hẹp vào phiên cuối tuần cho thấy áp lực chốt lời đã xuất hiện.

Do đó, tôi nghiêng về kịch bản VN-Index có thể cần một nhịp điều chỉnh nhằm kiểm tra lại mức đáy cũ vừa thiết lập trong tuần qua, trước khi thực sự xác nhận rằng thị trường đã chính thức chạm đáy hay chưa? Và nếu VN-Index có thể giữ được mức đóng cửa trên vùng đáy 1.020 điểm trong nhịp điều chỉnh tới thì cơ hội tạo đáy của thị trường mới được xác nhận.

Hồ Nguyễn Thuỷ Tiên - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt

Nhìn chung, trong tuần qua, thị trường tăng hơn 34 điểm, với thanh khoản cải thiên tốt hơn, từ hơn 8.900 tỷ lên hơn 14.000 tỷ đồng. Theo tôi nhịp hồi này được hỗ trợ bởi một số yếu tố, bao gồm: Sự giảm dần hiệu ứng của các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến thị trường, chẳng hạn như lo ngại về lạm phát, lãi suất từ FED và chính sách tài khóa. Khối lượng giao dịch tăng trở lại, cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư đang quay trở lại.

Tuy nhiên tôi cho rằng nhịp hồi diễn ra quá nhanh và quá mạnh, thanh khoản giao dịch vẫn còn thấp thể hiện dòng tiền vẫn chưa quay trở lại thị trường. Các yếu tố tiêu cực vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn.

Do đó, nhà đầu tư cần theo dõi diễn biến của thị trường trong thời gian tới. Nếu thị trường tiếp tục hồi phục và vượt qua các ngưỡng kháng cự quan trọng, thì khả năng cao thị trường đã chạm đáy. Ngược lại, nếu thị trường tiếp tục giảm hoặc chỉ hồi phục trong ngắn hạn, thì khả năng cao thị trường vẫn chưa chạm đáy.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Cho dù thị trường đã có thể chạm đáy sâu nhất của đợt điều chỉnh vừa qua sau khi bật hồi từ khu vực 1.025 – 1.030 điểm, áp lực điều chỉnh sau 3 phiên bật hồi liên tiếp là cũng là kịch bản dễ hình dung ở các phiên giao dịch đầu tuần tới. Tôi nghĩ cơ hội để mua gom và tích lũy cổ phiếu vẫn đang được đánh giá cao hơn là việc bán ra ở giai đoạn hiện nay khi mà vùng đáy của thị trường dường như cũng phần nào đã và đang được xác nhận.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Kết quả kinh doanh quý 3/2023 đã xuất hiện gần hết. Trong khi đó thị trường lại điều chỉnh về tương đương với thời điểm quý 1/2023 dù trong 2 quý vừa qua kinh tế vĩ mô lẫn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đều đã cải thiện. Liệu thị trường có đang điều chỉnh quá đà?

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Tôi cũng nhận thấy sự nghịch lý là mức điểm số của thị trường đã điều chỉnh trở lại vùng tương đương với quý 1/2023, trong khi yếu tố cơ bản của doanh nghiệp cũng như số liệu vĩ mô đã cải thiện lên nhiều. Nghịch lý này còn rõ nét hơn khi đặt vào bối cảnh chính sách tiền tệ trái ngược giữa hai thời điểm, với chính sách nới lỏng, lãi suất thấp ở hiện tại và xu hướng vẫn còn thắt chặt ở quý đầu năm.

Theo tôi nghịch lý này có thể xuất phát từ yếu tố tâm lý cũng như sự thay đổi kỳ vọng của nhà đầu tư đối với thị trường hơn là yếu tố cơ bản. Trong đó, yếu tố tác động mạnh tới việc giảm kỳ vọng của nhà đầu tư trong giai đoạn điều chỉnh gần 3 tháng trở lại đây có thể xuất phát từ lo ngại Ngân hàng nhà nước có những quyết định mạnh tay trong việc quay lại hút ròng giá trị lớn trên thị trường mở. Cùng với rủi ro tỷ giá đã thúc đẩy tâm lý sợ hãi của nhà đầu tư trước lo ngại nhà điều hành có thể sẽ thực hiện biện pháp bớt nới lỏng hơn với mặt bằng lãi suất hiện tại nhằm hạ nhiệt tỷ giá.

Trước nỗi ám ảnh về một thời kỳ thắt chặt như cùng kỳ năm ngoái, nhà đầu tư đã để cho yếu tố tâm lý dẫn dắt, trong khi đó yếu tố cơ bản cũng như triển vọng kinh tế phục hồi bị gạt sang một bên, nên nghịch lý trên mới xuất hiện. Hay nói cách khác, việc thị trường dần đánh mất đi những điểm số đã đạt được trong năm nay, trong khi nền tảng cơ bản có dấu hiệu khởi sắc và mặt bằng lãi suất đã giảm khá nhiều so với đầu năm. Vì vậy, đây có thể là mức giảm thái quá.

Hiện nay, chỉ số P/E của VN-Index hiện đang ở mức 13,3 lần, thấp hơn mức trung bình 15,3 lần của 5 năm qua. Chỉ số P/B của VN-Index hiện đang ở mức 1,59 lần, thấp hơn mức trung bình 2,1 lần của 5 năm qua. Chỉ số P/Cash Flow của VN-Index hiện đang ở mức 12,6 lần, thấp hơn mức trung bình 13,9 lần của 5 năm qua. Trên số liệu này, có thể nói thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đang điều chỉnh quá đà.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi nhịp vừa rồi thị trường không điều chỉnh quá đà. Việc sóng tăng trước đó của thị trường khá mạnh và dài, nhiều mã đã tăng mạnh vượt quá giá trị nội tại thì sau đó có nhịp điều chỉnh mạnh là điều bình thường, nhất là hiện tại tôi thấy kết quả kinh doanh quý 3 số doanh nghiệp làm ăn kém vẫn nhiều hơn nhiều so với doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Giai đoạn này thị trường giảm mạnh và nhanh một phần cũng ảnh hưởng bởi một số mã trụ lớn chịu ảnh hưởng bởi thông tin xấu.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Có lẽ thị trường đã điều chỉnh quá đà, chứng khoán thường biến động quá mức đôi lúc cả về 2 hướng – hướng lên và xuống – trong khi kinh tế vĩ mô không hoặc ít nhất đang diễn biến chậm hơn và ở mức thấp hơn. Nhà đầu tư đôi khi có những phản ứng thái quá – lúc thì lạc quan quá lúc thì lại bi quan quá và điều đó khiến cho thị trường chung trong một số giai đoạn tăng quá mức hoặc giảm quá sâu so với bình thường.

Ông Thái Hữu Công - Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV

Mặc dù kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp có phần cải thiện hơn, tôi cho rằng yếu tố này đã phần nào phản ánh vào đà tăng trước đó của VN-Index. Để có được kết quả này, rất nhiều biện pháp hỗ trợ đã được triển khai cả từ phía Ngân hàng nhà nước (chủ động hạ lãi suất điều hành đến 4 lần,...) lẫn Chính phủ (đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thị trường BDS,...).

Việc thị trường trải qua nhịp điều chỉnh trong tháng 10 phản ánh tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư trước những diễn biến mới đến từ các yếu tố trong nước như tỷ giá, lạm phát, việc ngân hàng nhà nước mở lại kênh hút tín phiếu, PMI tiếp tục duy trì dưới mức 50 điểm,... và các yếu tố ngoại biên như lợi suất trái phiếu lên mức 5%, rủi ro suy thoái, chiến tranh Israel-Hamas,... cũng như tác động của các yếu tố này lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong từ 3-6 tháng tới.

Hồ Nguyễn Thuỷ Tiên - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt

Xét về tăng trưởng so với cùng kỳ, các nhóm ngành Dầu khí, Dược phẩm, Công nghệ, công nghiệp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế tích cực ở mức hai chữ số trong Q3/2023. Ở chiều ngược lại, các ngành Thủy sản, Bất động sản, Phân bón, Bán lẻ, …dự báo sẽ suy giảm lợi nhuận so với Q3/2022.

Nhìn chung, mặc dù tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ cải thiện so với quý trước, mức độ cải thiện vẫn khá hạn chế. Do đó, động lực cải thiện về định giá và điểm số cho thị trường là không lớn trong mùa báo cáo quý này. Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận khả năng cao sẽ tích cực hơn trong Q4/2023 do cùng kỳ năm ngoái nhiều nhóm ngành có mức nền lợi nhuận thấp như Ngân hàng, Thép, Hàng tiêu dùng, Bất động sản và Chứng khoán.

Hiện nay, chỉ số P/E của VN-Index hiện đang ở mức 13,3 lần, thấp hơn mức trung bình 15,3 lần của 5 năm qua. Chỉ số P/B của VN-Index hiện đang ở mức 1,59 lần, thấp hơn mức trung bình 2,1 lần của 5 năm qua. Chỉ số P/Cash Flow của VN-Index hiện đang ở mức 12,6 lần, thấp hơn mức trung bình 13,9 lần của 5 năm qua.

Trên số liệu này, có thể nói thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đang điều chỉnh quá đà. Tuy nhiên, tôi nghĩ nhà đầu tư vẫn cần thận trọng khi đầu tư trong giai đoạn này, vì thị trường vẫn còn khá nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Theo tôi nhịp vừa rồi thị trường không điều chỉnh quá đà. Việc sóng tăng trước đó của thị trường khá mạnh và dài, nhiều mã đã tăng mạnh vượt quá giá trị nội tại thì sau đó có nhịp điều chỉnh mạnh là điều bình thường, nhất là hiện tại tôi thấy kết quả kinh doanh quý 3 số doanh nghiệp làm ăn kém vẫn nhiều hơn nhiều so với doanh nghiệp kinh doanh có lãi.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Nhiều dự báo vĩ mô đều đánh giá cao cơ hội tăng trưởng kinh tế trong quý 4/2023 cũng như năm 2024. Nếu chọn cổ phiếu đầu tư dài hạn lúc này, anh chị có thể khuyến nghị nhà đầu tư những tiêu chí nào?

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi để đầu tư dài hạn chúng ta cần lựa chọn dựa trên các tiêu chí: i) Doanh nghiệp dầu ngành, thanh khoản tốt; ii) Kết quả kinh doanh có sự tăng trưởng hoặc ít nhất phải mạnh so với ngành và nền kinh tế; iii) Cổ phiếu điều chỉnh về vùng giá tốt (cổ phiếu giảm về nền hỗ trợ mạnh, giá hiện dưới giá trị nội tại); iv) Ngành, doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.

Ông Thái Hữu Công - Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV

Để lựa chọn các cổ phiếu tiềm năng cho mục tiêu trung và dài hạn, các nhà đầu tư có thể sử dụng hai tiêu chí sau: Đầu tiên là cơ cấu tài chính lành mạnh với tỷ lệ nợ vay/vốn chủ ở mức thấp so với mặt bằng chung của ngành và dòng tiền đến từ hoạt động kinh doanh duy trì ở mức dương trong ít nhất 4 quý trở lại đây.

Thứ hai là việc các cổ phiếu đó có triển vọng kinh doanh tích cực trong tương lai, hưởng lợi từ các yếu tố vĩ mô hay có các câu chuyện riêng khả quan hơn so với ngành.

Ngoài ra để có thể tối ưu hóa hiệu quả của việc đầu tư, các nhà đầu tư chỉ nên giải ngân khi cổ phiếu này đã điều chỉnh về lại các vùng hỗ trợ đáng lưu ý.

Hồ Nguyễn Thuỷ Tiên - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt

Nếu chọn cổ phiếu cho đầu tư dài hạn, nhà đầu tư cần lưu ý những tiêu chí sau:

i) Tiềm năng tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp: Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn cổ phiếu đầu tư dài hạn. Giá cả là cái nhà đầu tư trả cho hiên tại, và giá trị là sự kỳ vọng về tăng trưởng trong tương lai của doanh nghiệp.

ii) Tình hình cạnh tranh trong ngành: Nhà đầu tư cần đánh giá tình hình cạnh tranh trong ngành để xác định mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp.

iii) Chất lượng tài chính của doanh nghiệp: Nhà đầu tư nên lựa chọn những cổ phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, nợ không quá cao so với trung bình ngành, doanh nghiệp có dòng tiền ổn định và có khả năng sinh lời bền vững.

iv) Định giá hợp lý: Nhà đầu tư nên lựa chọn những cổ phiếu có mức định giá hợp lý, không bị định giá quá cao hoặc quá thấp.

Những nhóm ngành cụ thể mà nhà đầu tư có thể quan tâm:

Bất động sản: Thị trường bất động sản tại các thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM) bắt đầu phục hồi trong nửa cuối năm 2023, nhờ lãi suất cho vay giảm và chính sách bán hàng từ các chủ đầu tư có thể thúc đẩy nhu cầu nhà ở.

Ngân hàng: Đối với ngành ngân hàng, bức tranh lợi nhuận nhìn chung sẽ ổn định và tích cực hơn so với các nhóm ngành kinh doanh khác. Những gì khó khăn nhất đã qua, song tốc độ phục hồi còn rất chậm và phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của các hoạt động kinh tế. Những ngân hàng có lợi thế về vốn, tập khách hàng ít bị tổn thương bởi kinh tế suy yếu và bộ đệm dự phòng cao sẽ là những ngân hàng có khả năng chứng kiến lợi nhuận tăng trưởng sớm nhất, như: VCB, CTG, BID…

Ngành công nghiệp: Ngành công nghiệp đang được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi số và sự phát triển của các ngành sản xuất, chế biến.

Ngành dịch vụ: Ngành dịch vụ đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.

Đầu tuần qua tôi đã thực hiện giải ngân và nâng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục của mình lên 90% như chiến lược đã đề ra trước đó. Tuy nhiên, với xu hướng giảm điểm trong trung hạn vẫn đang đóng vai trò chủ đạo, tôi sẽ thực hiện hạ dần tỷ trọng về mức thấp khi chỉ số tiếp cận các vùng cản đáng lưu ý.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Theo tôi, khi chúng ta lựa chọn đầu tư dựa trên dự báo vĩ mô bước vào giai đoạn phục hồi tích cực hơn, thì tiêu chí lựa chọn hàng đầu sẽ là cổ phiếu thuộc nhóm ngành có cơ hội phục hồi mạnh mẽ nhất.

Ngoài ra, xét tới vị thế dài hạn thì tiêu chí doanh nghiệp được quản trị minh bạch nên được đề cao và các cổ phiếu đầu ngành trong ngành công nghiệp của mình có thể là một lựa chọn tốt. Thêm vào đó, tôi cho rằng mức định giá cổ phiếu rẻ, cũng như tiêu chí lựa chọn thời điểm gia nhập cũng rất đáng chú ý. Các doanh nghiệp hoạt động đơn ngành, dễ nắm bắt, dễ phân tích và dễ dự báo hoạt động kinh doanh cũng là những tiêu chí cần chú ý khi xây dựng vị thế dài hạn.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Quan điểm của hoạt động đầu tư đó là câu chuyện ngại rủi ro – phân tích thận trọng kỹ lưỡng với việc nắm giữ các cổ phiếu trong một khoảng thời gian với mức sinh lời thỏa đáng. Tiêu chí lựa chọn cổ phiếu vẫn là giả định doanh nghiệp đang hoạt động ổn định hoặc cơ hội đầu tư diễn gia khi đưa ra một mức giá thấp nhất mà cổ phiếu đó diễn trong trong một bối cảnh tồi tệ nhất – có nghĩa cổ phiếu đó nên được định giá ở mức nào. Tất nhiên chất lượng tài sản ngắn hạn, những tài sản “ngầm” hay hoạt động kinh doanh cối lõi đang có dấu hiệu tốt dần hơn hoặc có mức tăng trưởng dự báo tốt là tín hiệu.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Hai phiên đầu tuần thị trường điều chỉnh khá mạnh. Tuần trước anh chị dự tính tăng tỷ trọng cổ phiếu nếu giá tiếp tục giảm, anh chị có tăng tỷ trọng cổ phiếu lên không, hiện tại là bao nhiêu?

Ông Thái Hữu Công - Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV

Trong thời điểm đầu tuần qua tôi đã thực hiện giải ngân và nâng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục của mình lên 90% như chiến lược đã đề ra trước đó. Tuy nhiên, với xu hướng giảm điểm trong trung hạn vẫn đang đóng vai trò chủ đạo, tôi sẽ thực hiện hạ dần tỷ trọng về mức thấp khi chỉ số tiếp cận các vùng cản đáng lưu ý.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Tuần rồi tôi có gia tăng tỷ trọng cổ phiếu lên mức 80% cổ phiếu/ 20% tiền mặt nhưng phiên thứ 6 khi thị trường gặp vùng kháng cự tôi đã giảm về tỷ trọng 60% cổ phiếu/ 40% tiền. Nếu sang tuần có nhịp điều chỉnh tốt để tạo 2 đáy tôi sẽ gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu còn nếu theo kịch bản 2 “kèo” lên tiếp thì tôi sẽ giảm dần tỷ trọng cổ phiếu xuống.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Dựa trên nhận định thị trường tuy đã phục hồi tích cực nhưng vẫn chưa đủ tín hiệu xác nhận đáy, tôi vẫn ưu tiên giữ tỷ trọng ở mức hợp lý và chỉ thực hiện các vị thế lướt sóng T+ trên các vị thế sẵn có. Tuy nhiên, tôi cũng có kế hoạch gia tăng tỷ trọng nếu thị trường có đủ tín hiệu xác nhận theo kịch bản tạo đáy ở những tuần tới.

Tôi nghĩ cơ hội để mua gom và tích lũy cổ phiếu vẫn đang được đánh giá cao hơn là việc bán ra ở giai đoạn hiện nay khi mà vùng đáy của thị trường dường như cũng phần nào đã và đang được xác nhận.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Tôi vẫn tiếp tục gia tăng thêm một phần nhỏ tỷ trọng trong tuần giao dịch vừa qua và vẫn đang đợi cơ hội để giải ngân thêm trong tuần giao dịch tiếp theo.

Hồ Nguyễn Thuỷ Tiên - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt

Nhà đầu tư cần thận trọng với giai đoan này, tránh mua đuổi khi thị trường lên. Có thể canh những cổ phiếu cơ bản tốt, ở những vùng giá rẻ, chiếu khấu mạnh, thì cứ an tâm mua và nắm giữ. Nhà đầu tư nên ưu tiên chiến lược đầu tư có phòng thủ: tránh xài margin quá nhiều, nên giữ sức mua và một lượng tiền mặt tương đối để dành cho những pha giảm mạnh của thị trường.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
45.55 -0.15 (-0.33%)
35.10 +0.10 (+0.29%)
91.30 +0.70 (+0.77%)
8.40 +0.01 (+0.12%)
1,234.70 +6.60 (+0.54%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả