VN-Index giảm chưa đến 9% nhưng nhiều cổ phiếu rớt sâu gấp 2 lần, giá quay về mốc đầu năm 2024
Số lượng cổ phiếu rơi gấp 2-3 lần so với thị trường chung không phải là hiếm. Nhiều cổ phiếu đã quay về vùng giá của đầu năm 2024 bất chấp lợi nhuận vừa được công bố tăng "sốc" và dự kiến cả năm 2024 tăng trưởng cao.
Áp lực giảm điểm của chỉ số trong tuần giao dịch vừa qua chủ yếu do những thông tin căng thẳng tại khu vực Trung Đông, đặc biệt sau khi Ngân hàng Nhà nước chính thức công bố việc bán ngoại tệ giao ngay để ổn định tỷ giá. Chỉ trong vòng 1 tuần, VN-Index giảm 4 phiên, mất 101,75 điểm, tương đương 7,97%, xuống 1174,85 điểm. Nếu tính từ đỉnh đạt được vào 28/3, chỉ số bay 116 điểm, tương ứng -8,9%.
Tuy vậy, mức độ sát thương của từng cổ phiếu mạnh hơn rất nhiều so với Vn-Index. Số lượng cổ phiếu rơi gấp 2-3 lần so với thị trường chung không phải là hiếm. Nhiều cổ phiếu đã quay về vùng giá của đầu năm 2024 bất chấp lợi nhuận vừa được công bố tăng "sốc" và dự kiến cả năm 2024 tăng trưởng cao.
Đơn cử như trường hợp HPG của Tập đoàn Hòa Phát. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra mới đây, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long cho biết, Hòa Phát đạt 2.869 tỷ đồng lợi nhuận trong quý 1/2024, tương đương đạt 28,7% kế hoạch năm. So với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận của Hòa Phát tăng gấp 7,5 lần. Năm 2024, tập đoàn đặt mục tiêu 140.000 tỷ đồng doanh thu, 10.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 47% so với đạt được năm 2023.
Trên thị trường chứng khoán bất chấp lợi nhuận tăng trưởng tích cực, thị giá HPG quay xe giảm một mạch sau khi đạt đỉnh cuối tháng 3 giá 31.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 27.950 đồng/cổ phiếu tính đến phiên 22/4, tương ứng giảm 10% quay về vùng giá tháng 1/2024.
Với nhóm chứng khoán, đại diện là SSI, trong quý 1 công ty chứng khoán này ghi nhận doanh thu tăng 33% so với cùng kỳ, đạt gần 1.920 tỷ đồng. SSI lãi trước và sau thuế lần lượt 900 tỷ đồng và 727 tỷ đồng, tăng trên 50% so với cùng kỳ. Bất chấp lợi nhuận tăng mạnh, thị giá SSI sau khi đạt 38.000 đồng cũng quay đầu giảm về vùng giá đầu năm 2024 là 33.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm 13%.
Điều này diễn ra tương tự với cổ phiếu VCI, thị giá VCI giảm 18% từ đỉnh bất chấp kết quả kinh doanh hồi phục tích cực, tuy nhiên đến phiên hôm nay đã hồi phục lên 47.000 đồng/cổ phiếu.
Với nhóm phân bón, hóa chất gồm DPM, DCM và LAS thị giá rớt mạnh lần lượt 19%/17%/ 17%. Trong đó DPM ước tính trong quý 1/2024, doanh thu hơn 3.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 310 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng gấp hơn 2 lần so với quý liền kề trước đó.
LAS cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý 1 tại đại hội cổ đông năm 2024 với nhiều tín hiệu khả quan. Doanh thu quý I/2024 ước đạt gần 1.500 tỷ đồng, tăng 30% so với quý I/2023; lợi nhuận sau thuế dự kiến không dưới 60 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ va đạt. Kết quả này có được nhờ LAS tận dụng được nguồn nguyên liệu đầu vào giá rẻ. Tính chung cả năm, LAS đề ra mục tiêu doanh thu 3.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 136 tỷ. Mức lợi nhuận này được đánh giá là khiêm tốn bởi trong quý 1/2024, LAS đã đượt 50% kế hoạch lợi nhuận.
Nhóm cổ phiếu phân bón còn được đánh giá hưởng lợi lớn nhờ Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Mới đây nhất, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính hoàn thiện lại Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), trình Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp sắp tới trong tháng 5- tháng 6.
Trong đó, Bộ Tài chính loại bỏ phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, đồng thời bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế 5%. Đây là điều doanh nghiệp mong mỏi hơn 10 năm qua, một khi áp dụng thuế 5% được khấu trừ đầu vào, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ hồi phục đáng kể so với giai đoạn trước đó.
Với nhóm xây dựng, CTD ghi nhận lợi nhuận hợp nhất quý 2 năm tài chính 2024 (tương đương quý 4/2023) với doanh thu thuần gần 5.660 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Song lợi nhuận sau thuế của Xây dựng Coteccons lại tăng gấp 3,6 lần, lên mức 69 tỷ đồng. Đây là quý thứ 2 sau khi công ty này thay đổi niên độ tài chính.
Như vậy, tính chung nửa đầu năm tài chính 2024 (từ quý 2 - quý 4/2023), Xây dựng Coteccons ghi nhận doanh thu gần 9.783 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng gấp 9 lần, đạt hơn 135 tỷ đồng. So với kế hoạch kinh doanh đề ra, doanh nghiệp này đã hoàn thành 55% mục tiêu doanh thu và 50% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.
Tuy nhiên, trên thị trường, thị giá CTD giảm 18% từ đỉnh giữa tháng 3 xuống còn 63.000 đồng/cổ phiếu phiên giao dịch 22/4.
Hàng loạt cổ phiếu khác cũng ghi nhận mức sụt giảm mạnh gấp 2 so với VN-Index như MSN, giảm 16%; ANV giảm gần 20%... Năm 2024, Masan dự kiến đạt lợi nhuận sau thuế trong khoảng 2.290 đến 4.020 tỉ đồng. Trong kịch bản tích cực, lợi nhuận Masan tăng trưởng mạnh gấp đôi so với mức 1.950 tỉ đồng của năm 2023.
Với mức giảm này, thị giá nhóm cổ phiếu trên đang được đánh giá hấp dẫn hơn so với mặt bằng chung thị trường nhờ triển vọng lợi nhuận kinh doanh nhóm này tăng trưởng tốt trong năm 2024.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối nghiên cứu và khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng với mức giảm của VN-Index ở thời điểm hiện tại nhà đầu tư đã có thể bắt đầu mua vào cổ phiếu, nhất là đối với những cổ phiếu của những ngành triển vọng.
Theo ông Minh, nếu nhìn dài hạn thị trường sẽ tăng nhưng khó tránh rung lắc trong ngắn hạn, do đó, giai đoạn tiếp theo cân nhắc mua thăm dò giải ngân lên 30% và chưa nên dùng margin. Đặc biệt, định giá thị trường thời điểm này là hấp dẫn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận