Vĩ mô dần cải thiện, có thể tận dụng nhịp điều chỉnh để mua thêm cổ phiếu
Theo chuyên gia, lo ngại về nguy cơ đảo chiều chính sách tiền tệ trong nước đã được gỡ bỏ. Cộng hưởng với đà hồi phục của kinh tế vĩ mô sẽ giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường cổ phiếu trong những tuần giao dịch cuối năm.
Thị trường chứng khoán kết thúc tuần giao dịch đầy biến động (ngày 13 - 17.11) với chỉ số VN-Index đóng nến tại 1.101,2 điểm, tương đương mức giảm nhẹ 0,1% so với cuối tuần trước. Chỉ số HNX-Index ghi nhận mức giảm 0,1% xuống 226,54 điểm và UPCOM-Index mất 0,01% để đóng cửa tại 86,02 điểm.
Tuần này, 3 cổ phiếu thuộc họ Vingroup ảnh hưởng mạnh nhất đến chỉ số chung với VHM (-7,9%), VIC (-6,1%), VRE (-4,8%) khi lấy đi tổng cộng 7 điểm của VN-Index. Ngược lại, các cổ phiếu vốn hóa lớn như BID (+1,7%), MSN (+3,9%), MWG (+5,1%) và GVR (+2,3%) đã hỗ trợ, kìm lại đà giảm của thị trường.
Tín hiệu tích trong tuần qua đến từ thanh khoản khi giá trị giao dịch bình quân phiên trên cả 3 sàn tiếp tục tăng nhẹ 4,6% so với tuần trước, đạt 21.243 tỉ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục thoát hàng khi VN-Index ở trên vùng giá 1.110 điểm. Họ bán ròng trên HOSE với giá trị tuần này đạt 1.346 tỉ đồng, tăng 11% so với tuần trước. Xu hướng mua ròng trên HNX và UPCOM đảo chiều trong tuần này sau khi khối ngoại ghi nhận giá trị bán ròng lần lượt 118 tỉ đồng và 86 tỉ đồng.
Theo đánh giá của ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, xu hướng phục hồi của các chỉ số chứng khoán chưa bị vi phạm sau phiên giảm điểm mạnh cuối tuần qua. Bên cạnh đó, vĩ mô đang cho thấy, xu hướng cải thiện khá tích cực.
”Áp lực tỉ giá trong nước đã hạ nhiệt đáng kể trong bối cảnh thị trường tin rằng, FED sẽ ngừng tăng lãi suất điều hành. Tỉ giá hạ nhiệt đã cho phép chính sách tiền tệ “dễ thở” hơn. Trong 6 phiên đấu thầu gần nhất, Ngân hàng Nhà nước đã dừng hẳn việc phát hành tín phiếu và bơm ròng trở lại thị trường nhờ lượng tín phiếu cũ đáo hạn. Tính từ đầu tháng 11, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng trở lại hơn 108.000 tỉ đồng và kéo lượng tín phiếu lưu hành giảm về còn gần 100.400 tỉ đồng. Động thái này đã giúp cho thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào hơn, kéo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh trở lại.
Do đó, lo ngại về nguy cơ đảo chiều chính sách tiền tệ trong nước đã được gỡ bỏ và điều này sẽ giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong những tuần giao dịch cuối năm” - ông Hinh trao đổi với phóng viên.
Ngoài vấn đề tỉ giá và chính sách tiền tệ, ông Hinh cũng cho biết, nhiều chỉ báo cho thấy đà phục hồi tăng trưởng của Việt Nam đang có dấu hiệu cải thiện. Liên tiếp trong 2 tháng gần đây, xuất khẩu đã ghi nhận tăng trưởng dương trở lại với tốc độ tháng sau cao hơn tháng trước. Đồng thời, các chỉ báo khác liên quan tới công nghiệp, dòng vốn FDI cũng cho thấy xu hướng cải thiện tích cực.
”Trong bối cảnh đó, tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh quý IV của các doanh nghiệp niêm yết sẽ phục hồi tích cực và là lực đẩy cho thị trường chứng khoán từ nay tới Tết âm lịch. Nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh trong xu thế đi lên của thị trường để gia tăng tỉ trọng cổ phiếu, ưu tiên các nhóm ngành có triển vọng kết quả kinh doanh cải thiện tích cực trong quý IV như nhóm xuất khẩu (thép, đồ gỗ, nội thất…), đầu tư công, bất động sản khu công nghiệp và chứng khoán” - ông Hinh nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận