Triển vọng tăng trưởng cổ phiếu ngành giao thông
Nhóm cổ phiếu đến từ các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng đường cao tốc, cầu, hầm, sân bay, đường sắt…như được nhận định tiếp tục có nhiều triển vọng phát triển.
Hạ tầng giao thông là “đầu tàu” phát triển
Tại phiên họp Ban Chỉ đạo ngày 16/2, Thủ tướng Chính phủ cho biết, cả nước đang thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng, trong đó có động lực về đầu tư, bao gồm đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân và đầu tư toàn xã hội.
Hiệu quả thúc đẩy động lực tăng trưởng, với các dự án giao thông được đưa vào khai thác góp phần giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, giảm giá thành đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế; tạo không gian phát triển mới vì đường đi đến đâu, mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhất là phát triển công nghiệp, các khu đô thị, dịch vụ…
"Đảng, Nhà nước xác định tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là lựa chọn đúng đắn, sáng suốt, là yếu tố quyết định cho sự phát triển trước mắt và lâu dài", Thủ tướng khẳng định. Mỗi công trình giao thông đều mang sứ mệnh riêng, chức năng, nhiệm vụ khác nhau nhưng tựu chung lại đều rất quan trọng và là đột phá chiến lược.
Hội nghị tổng kết 2023 và triển khai kế hoạch 2024 của Bộ GTVT xác định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GTVT trong năm 2024 là làm tốt công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên cả nước. Cụ thể, nỗ lực hoàn thành và đưa vào khai thác 23 dự án, khởi công 19 dự án hạ tầng trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia.
Có thể nói, trong những năm vừa qua, việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông đã được thúc đẩy, tạo ra phong trào, xu thế, "không chỉ Trung ương mà địa phương cũng làm được". Năm 2021 - 2022 là giai đoạn khởi động, chuẩn bị và phê duyệt dự án, năm 2023 triển khai đồng loạt, năm 2024 được xác định là năm tăng tốc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm.
Cùng với đó, năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được coi là động lực tăng trưởng quan trọng trong bối cảnh các động lực khác như tiêu dùng, xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt về tăng cường các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là 657.000 tỷ đồng. Con số này tăng 12% so với thực hiện năm 2023 và bằng 95% kế hoạch năm 2023. Ước thanh toán vốn của cả nước trong quý I/2024 trên 89.874 tỷ đồng, đạt 12,96% tổng kế hoạch, đạt 13,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ đạt 9,69% tổng kế hoạch và 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Giải ngân đầu tư công tạo hiệu ứng lan tỏa tới nhiều ngành nghề, doanh nghiệp, nền kinh tế. Trong đó, ngành xây dựng hạ tầng giao thông được là một trong những nhóm hưởng lợi trực tiếp.
422.000 tỷ đồng chờ rót vào các dự án giao thông
Hiện nay, cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải tại 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó có 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không, còn lại là các dự án đường bộ, chủ yếu là đường bộ cao tốc và các đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, đường vành đai TPHCM.
Năm 2024, các đại dự án tiêu biểu mang tính liên kết giữa các vùng như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, sân bay quốc tế Long Thành, Vành đai 3 TP. HCM, Vành đai 4 Hà Nội, 3 cao tốc phía Nam đang được tập trung thực hiện. Các dự án đường sắt cũng đang được tích cực nghiên cứu triển khai… Chỉ số ít công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán đủ năng lực để tham gia vào đại dự án này như VCG, HHV, LCG, C4G, G36, CC1, TTL, CII.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế nhận định khi nhiều ngành nghề đầu tư đang “chững” do khó khăn chung của nền kinh tế, tín dụng tăng trưởng chậm như hiện nay, các dự án giao thông, đặc biệt các dự án PPP với tỷ suất lợi nhuận lớn hơn lãi vay ngân hàng, có nguồn doanh thu ổn định từ hoạt động vận hành thu phí là cơ hội để các nhà đầu tư tham gia đầu tư thu về lợi nhuận.
“Các doanh nghiệp cần củng cố vững chắc về nguồn lực, tiệm cận với các công nghệ - kỹ thuật hiện đại trên thế giới, quản trị và liên kết tốt để đáp ứng được các yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của các sản phẩm hạ tầng giao thông. Đây chính là giai đoạn để các doanh nghiệp có tiềm lực sở hữu nguồn việc dồi dào, tạo ra “sức bật” để tăng trưởng vượt bậc”, Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Là một doanh nghiệp có nhiều triển vọng tăng trưởng trong bối cảnh thuận lợi này, đại diện Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (CII) cho biết kế hoạch kinh doanh năm 2024 sẽ duy trì vận hành ổn định các dự án BOT cầu đường, đảm bảo nguồn thu ổn định, tăng trưởng đều đặn cho doanh nghiệp, tiếp tục tái cấu trúc và huy động nguồn vốn mới để tối ưu hoá hiệu quả sử dụng dòng tiền từ các dự án BOT, nghiên cứu các dự án hạ tầng mới và đánh giá cơ hội đầu tư phù hợp để mở rộng quy mô hoạt động.
Đại diện một doanh nghiệp cùng ngành khác Công ty CP Đầu tư HTGT Đèo Cả (HHV) cho biết đang tham gia nhiều dự án lớn như cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột, Sân bay Long Thành, Vành đai 3… Để đảm đương khối lượng công việc lớn, doanh nghiệp không ngừng tích luỹ năng lực về tài chính, máy móc thiết bị, quan trọng nhất là con người. Sắp tới, một số các dự án tiềm năng khác mà HHV đang nghiên cứu đầu tư sẽ khởi công xây dựng, backlog của HHV dự kiến tiếp tục tăng.
Khoảng 422.000 tỷ đồng vốn đầu tư, tương ứng với 62,3% tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đang chờ “rót” vào các công trình hạ tầng giao thông. Cùng với sự quan tâm của Chính phủ, bộ, ngành trong việc tháo gỡ vướng mắc bất cập đặc biệt đối với một số dự án BOT, rất rõ ràng về cơ hội phát triển cho những doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông trong giai đoạn này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường