Tín dụng phân hóa mạnh, 'room' không còn cần thiết?
Mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống không đồng đều, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng khá cao, số khác lại tăng trưởng thấp, thậm chí âm. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng việc bãi bỏ room tín dụng sẽ khiến các ngân hàng chủ động hơn trong việc đưa ra kế hoạch kinh doanh, cơ quan quản lý có thể sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc để ngăn tín dụng tăng trưởng nóng.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Quang Dũng cho biết, NHNN đang nghiên cứu lộ trình dỡ bỏ dần việc áp dụng room tín dụng theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ.
Tăng trưởng tín dụng phân hóa mạnh
Chứng khoán MB (MBS) vừa công bố Báo cáo "Dự báo lợi nhuận quý III/2024", trong đó dự báo lợi nhuận ròng các ngân hàng có thể tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận từ hai con số nhờ tăng trưởng tín dụng cao, như: HDBank, TPBank, Eximbank.
Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng có tăng trưởng tín dụng chậm lại như Techcombank và Sacombank. Thậm chí, vẫn còn ngân hàng tăng trưởng tín dụng không đạt kỳ vọng trong quý III như OCB.
Là ngân hàng đầu tiên thông tin về kết quả kinh doanh quý III/2024, Saigonbank cho biết, kết thúc quý III, dư nợ tín dụng của ngân hàng tăng 5% so với cùng kỳ năm trước và 2% so với đầu năm, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Huy động vốn tăng 8% so với cùng kỳ và 2% so với đầu năm. Thanh khoản dồi dào đã hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng tín dụng, đồng thời tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 2,2%.
Tại hội nghị với Thường trực Chính phủ được tổ chức mới đây, lãnh đạo LPBank cho biết tăng trưởng tín dụng đạt gần 16%, HDBank cũng báo cáo tăng trưởng tín dụng trên 15% so với đầu năm.
Có thể thấy, mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống không đồng đều, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng khá cao, số khác lại tăng trưởng thấp, thậm chí âm.
Để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu vốn cho quá trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế, năm nay, NHNN phân bổ hết room cho các ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm.
Tuy nhiên, trước tình trạng một số ngân hàng sử dụng gần hết room tăng trưởng tín dụng, NHNN đã có văn bản thông báo, từ ngày 28/8, các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN thông báo từ đầu năm sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ, không cần đề nghị cơ quan quản lý...
Thực tế cho thấy, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng từ đầu năm đến nay không chỉ phụ thuộc vào room tín dụng NHNN cấp, mà còn phụ thuộc rất lớn vào sức cạnh tranh và "sức khỏe" của mỗi ngân hàng. Theo đó, những ngân hàng có nền tảng tài chính lành mạnh, vốn dồi dào, kiểm soát được nợ xấu, hệ sinh thái và tệp khách hàng đa dạng, có lợi thế cho vay bất động sản… đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng cao.
Ngược lại, các ngân hàng có chất lượng tài sản xấu, thanh khoản kém dồi dào, mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường lớn, lãi suất cho vay kém cạnh tranh…, dù có được cấp hạn mức cao cũng không thể tăng trưởng tín dụng.
Đã đến lúc bỏ room tín dụng?
Sau động thái “điều hoà” room tín dụng của NHNN, một số ý kiến cho rằng vì sao NHNN không bỏ công cụ điều tiết tăng trưởng tín dụng bằng room như các nước? Bởi, việc phân giao hạn mức tín dụng thời gian qua của NHNN chưa thực sự khoa học, kịp thời và hiệu quả.
Một chuyên gia tài chính phân tích: nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Khi kinh tế khởi sắc, nhu cầu vay vốn rất cao; ngược lại khi kinh tế khó khăn, dù lãi suất giảm, doanh nghiệp cũng không muốn vay. Trong khi đó, hạn mức tăng trưởng tín dụng lại được định hướng thường xuyên trong khoảng 14%-15% hằng năm là chưa thật sự khoa học, linh hoạt.
Thời điểm cuối năm ngoái, lãnh đạo một ngân hàng đã phải thốt lên: “Đừng bàn về tăng định mức hay bỏ/giữ room tín dụng nữa, vì chỉ tiêu thừa đầy mà có cho vay được đâu”. Còn chủ tịch một ngân hàng cho biết: “Chưa năm nào định mức thưởng rất lớn nếu tăng trưởng được tín dụng lại bị nhân viên chào thua như năm nay. Thị trường quá khó khăn là một chuyện, nhưng vấn đề khác là quá rủi ro, thậm chí còn dẫn đến lao lý “nếu cố đấm ăn xôi” để có được con số tăng trưởng tín dụng”.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia cũng như lãnh đạo các ngân hàng, việc bãi bỏ room tín dụng sẽ khiến các ngân hàng chủ động hơn trong việc đưa ra kế hoạch kinh doanh, cơ quan quản lý có thể sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc để ngăn tín dụng tăng trưởng nóng.
Trong đó, lãi suất điều hành là một công cụ của NHNN giúp điều tiết hoạt động tài chính, thúc đẩy nền kinh tế hoặc hỗ trợ hoạt động sản xuất. Việc tăng, giảm lãi suất điều hành sẽ do NHNN điều chỉnh và lựa chọn với các tỷ lệ khác nhau để phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, các nước đang sử dụng công cụ hữu hiệu là kiểm soát tín dụng và chính sách tiền tệ bằng các chỉ tiêu an toàn hệ thống như hệ số thanh khoản với tỷ số lợi nhuận ròng/tài sản (ROA), tỷ số lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu (ROE)…, và quan trọng nhất là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR).
Trước đó, nhiều chuyên gia cũng như các đại biểu Quốc hội kiến nghị tới NHNN về việc dỡ bỏ hoàn toàn biện pháp điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng. Thế nhưng, NHNN cho biết trong quá trình triển khai, NHNN nhận thấy còn một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, áp lực lạm phát vẫn còn hiện hữu, gây thách thức cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng của NHNN khi vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát. Chính vì vậy, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.
Tuy nhiên, mới đây, NHNN cho biết đang nghiên cứu lộ trình dỡ bỏ dần việc áp dụng room tín dụng theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận