Thị trường tài chính 24h: Phân phối đỉnh?
VN-Index lao dốc, mất hơn 32 điểm; Vướng nợ xấu, nhiều ngân hàng không thể chia cổ tức; Giá thịt lợn cao ngất ngưởng, doanh nghiệp chăn nuôi tận dụng tăng biên lợi nhuận; Mua cổ phiếu quỹ, doanh nghiệp có cơ hội lãi tốt; Thị trường sôi động không giúp công ty chứng khoán lãi hơn?; Chứng khoán châu Á bị bán mạnh; Goldman Sachs: Sóng điều chỉnh giá dầu sẽ sớm ập đến...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 11/6 tăng 80.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã giảm trở lại 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết ở mức 48,45 – 48,82 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 24,7 USD lên 1.739,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng, giá vàng hạ nhiệt và về quanh 1.731 USD/ounce vào cuối giờ chiều. Giá vàng tương lai giao tháng 7 trên sàn Comex New York tăng 18,2 USD lên 1.735,2 USD/ounce.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,19% lên 96,15 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 11/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.212 đồng, giảm 10 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.140 - 23.320 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,19 USD (-3,01%), xuống 38,41 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,13 USD (-2,71%), xuống 40,60 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index có phiên giảm sâu
Trong phiên sáng, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục nổi sóng, còn mã bluechip chịu áp lực bán gia tăng nên đã kéo VN-Index giảm nhẹ.
Bước vào phiên chiều, áp lực bán xuất hiện ồ ạt và lan rộng kéo hàng trăm mã giảm giá, đẩy VN-Index lao dốc, mất hơn 32 điểm và thủng 870 điểm khi đóng cửa.
Trong nhóm VN30, ngay cả STB tăng tốt phiên sáng đã đảo chiều -3,91%, và 10 mã giảm sàn là ROS, SSI, CTG, POW, MWG, MSN, BID, PNJ, GAS và PLX.
Trên thị trường, các mã nóng như ITA, DLG, HQC, KBC, JVC, TSC, HHS, SCR chìm trong sắc đỏ, và không ít mã giảm sàn.
Chứng khoán Mỹ
Trong cuộc họp hôm 10/6, Fed đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất 0 - 0,25%/năm và cho biết giữ nguyên mức lãi suất này cho tới 2022, không giảm như kỳ vọng.
Ngoài ra, Fed dự báo suy giảm kinh tế Mỹ năm nay ở mức 6,5%, tỷ lệ thất nghiệp 9,3%, cũng như tuyên bố đại dịch sẽ tác động nặng nề tới triển vọng tăng trưởng, lạm phát và việc làm của Mỹ trong thời gian tới.
Sau thông tin từ Fed, nỗ lực trở lại của Dow Jones và S&P đã bất thành, 2 chỉ số này bị đẩy mạnh trở lại trong cuối phiên, trong khi đó, nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu Microsoft và Apple, chỉ số Nasdaq tiếp tục duy trì chuỗi đà tăng của mình.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh, khi đồng yên trú ẩn mạnh lên sau Fed thông báo triển vọng kinh tế ảm đạm đã khiến các nhà đầu tư hoảng sợ.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,82% xuống 22.472,91 điểm. Chỉ số Topix mất 2,2% xuống 1.588,92 điểm, với 32 trên 33 chỉ số phụ đóng cửa dưới tham chiếu.
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm 10/6 tuyên bố giữ nguyên lãi suất từ 0 đến 0,25%, đồng thời khẳng định sẽ không tăng lãi suất đến năm 2022, và dự báo đầy u ám rằng, kinh tế Mỹ sẽ suy giảm 6,5% trong năm 2020, sau đó hồi phục và tăng trưởng 5% vào năm 2021.
Điều này gây áp lực lên cổ phiếu tài chính của Nhật với Dai-ichi Life Holdings giảm 6,8%, trong khi Mitsubishi UFJ (MUFG) giảm 4,9%.
Tại thị trường tiền tệ, rủi ro nới lỏng hơn khiến đồng USD giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng so với đồng yên tại 106,90 yên/USD.
Đồng yên mạnh lên khiến nhóm cổ phiếu xuất khẩu chịu áp lực lớn, trong đó, đáng kể là Nissan Motor giảm 8,8% và Mazda Motor giảm 6%.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, phản ánh mối lo ngại kéo dài về sự phục hồi nền kinh tế và chịu tác động chung từ nhận định của Fed.
Đóng cửa, Shanghai Composite mất 0,78% xuống 2.920,90 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 1,08% xuống 3.995,88 điểm.
Các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ dữ liệu kinh tế để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế. Dữ liệu mới cho thấy các khoản vay mới ở Trung Quốc đã giảm tốc trong tháng 5, nhưng tăng trưởng tín dụng nhanh hơn khi ngân hàng trung ương tiếp tục nới lỏng chính sách để đưa nền kinh tế phục hồi sau cuộc khủng hoảng Covid-19.
Chứng khoán Hồng Kông có phiên giảm mạnh, do ảnh hưởng chung từ đà lao dốc của nhiều thị trường trong khu vực, sau dự báo viễn cảnh kinh tế ảm đạm từ Fed.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,27% xuống 24.480,15 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,96% xuống 9.944,60 điểm.
Cổ phiếu nổi bật hôm nay NetEase, công ty giải trí và trò chơi trực tuyến của Trung Quốc đã có phiên giao dịch đầu tiên ở Hồng Kông và đóng cửa tại 130 đô la HK/cổ phiếu, so với giá khởi điểm là 123 đô la HK.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm sau 9 phiên tăng liên tiếp trước đó và cũng bởi những quan điểm khá u ám của Fed về nền kinh tế.
Mặc dù vậy, thị trường không giảm sâu nhờ dữ liệu cho thấy kim ngạch xuất khẩu 10 ngày đầu tháng 6 của Hàn Quốc đạt 12,3 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lần đầu tiên tăng kể từ tháng 3 đến nay.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Vướng nợ xấu, nhiều ngân hàng không thể chia cổ tức
Dù lợi nhuận giữ lại lên đến hàng nghìn tỷ đồng, song nhiều ngân hàng không thể chia cổ tức cho cổ đông do vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu..>>
- Giá thịt lợn cao ngất ngưởng, doanh nghiệp chăn nuôi tận dụng tăng biên lợi nhuận
Có nhiều doanh nghiệp tư nhân đang tận dụng nguồn cung thịt lợn thiếu hụt để bán giá cao và có được biên lợi nhuận rất cao..>>
- Mua cổ phiếu quỹ, doanh nghiệp có cơ hội lãi tốt
Khi thị trường chứng khoán giảm sâu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ mua cổ phiếu quỹ từ 7 ngày xuống 1 ngày và thúc đẩy công ty niêm yết mua lại cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ..>>
- Thị trường sôi động không giúp công ty chứng khoán lãi hơn?
Từ đầu quý II đến nay, TTCK có diễn biến khả quan, nhưng các công ty chứng khoán đều đặt kế hoạch kinh doanh năm 2020 suy giảm so với năm 2019..>>
- Goldman Sachs: Sóng điều chỉnh giá dầu sẽ sớm ập đến
Cơn sóng điều chỉnh giá dầu trên thế giới sẽ sớm ập đến dù thị trường phục hồi mạnh trong tháng 5 và OPEC+ đã cam kết tiếp tục cắt giảm sản lượng đến tháng 7..>>
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận