Thị trường chứng khoán: Biến động mạnh, VN-Index “lập đỉnh” giữa tuần, “rời đỉnh” cuối tuần
Thị trường chứng khoán trong nước trải qua một tuần (10 – 14/6) biến động tương đối mạnh. Chỉ số VN-Index sau nhiều nhịp “dền dứ” đã chính thức lập đỉnh mới tại 1.300 điểm vào giữa tuần, nhưng đến cuối tuần, áp lực chốt lời đã lấy toàn bộ điểm tăng cả tuần và đưa chỉ số rời khỏi mốc đỉnh. Thanh khoản trong tuần khá tốt, có cải thiện, nhưng khối ngoại vẫn là “nốt trầm”.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một tuần (10 – 14/6) giao dịch với khá nhiều biến động và có thể nói là mang đến sự bất ngờ đối với nhà đầu tư. Chỉ số VN-Index khởi đầu tăng nhẹ, nhưng bật tăng giữa tuần và xác lập đỉnh mới khi vượt mốc 1.300 điểm. Tuy nhiên, tâm lý hưng phần chỉ “tày gang”, thị trường bất ngờ giảm mạnh phiên cuối tuần, khiến chỉ số VN-Index rời mức đỉnh khá xa.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số VN-Index đóng cửa tại 1.279,91 điểm, giảm -7,67 điểm, tương đương -0,6% so với cuối tuần trước. Với phiên giảm mạnh cuối tuần, chỉ số VN-Index không chỉ xóa hết thành quả tăng điểm cả tuần mà còn “lấn” vào cả nỗ lực của tuần trước đó.
Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng có một tuần giảm điểm và phiên cuối tuần cũng là một tác nhân khiến đà giảm mạnh hơn. Theo đó, chỉ số HNX-Index đóng cửa phiên cuối tuần tại 243,97 điểm, giảm -0,42% so với tuần trước; còn chỉ số UPCoM-Index giảm -0,82%, còn 98,05 điểm.
Thị trường chứng khoán trong tuần có sự phân hóa giữa các nhóm ngành, nhất là phiên bán mạnh cuối tuần đã khiến diễn biến mặt bằng cổ phiếu thay đổi nhanh. Trong khi nhóm công nghệ, bán lẻ, ngân hàng, chứng khoán, xi măng… có mức tăng khá tốt trong tuần, thì các nhóm khác điều chỉnh vừa phải như dầu khí, bảo hiểm, bất động sản, thực phẩm…
Theo đó, trong tuần, nhóm cổ phiếu ngành dầu khí có nhiều mã giảm nhiều hơn so với thị trường chung như: BSR (-3,8%), PVC (-3,7%), PLX (-2,41%), PVD (-1,58%), PVS (-0.46%)…. Nhóm bảo hiểm sau đợt tăng tốt cũng điều chỉnh trong tuần với nhiều cổ phiếu giảm khá mạnh như: BVH (-4,09%), BMI (-3,43%), MIG (-2,55%)…
Nhóm cổ phiếu ngành bất động sản cũng giao dịch không mấy tích cực với HDG (-4,84%), NVL (-4,07%), VHM (-2,05%), NLG (-1,29%), DIG (-0,9%)... Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thực phẩm và đồ uống trong tuần cũng có sự điều chỉnh, tiêu biểu là SAB (-6,63%), VNM (-2,36%), DBC (-0,42%)…
Tuy nhiên, trong tuần vẫn có nhiều nhóm cổ phiếu có diễn biến tích cực. Đầu tiên, nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục có tuần tăng điểm với nhiều đại diện nổi bật như: FPT (+6,85%), ELC (+6,96%), CMG (+2,34%), ITD (4,53%)… Hay như nhóm xi măng cũng đón nhận tin tích cực với định hướng tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đã giúp nhiều mã tăng tốt, như: HT1 (+7,14%), BCC (+10,98%), BTS (+11,11%), HOM (+9,76%)...
Trong tuần, nhóm ngân hàng cũng đã có sự tăng trưởng tích cực với sự xuất hiện của VPB (+3,89%), TPB (+3,08%), MBB (+2,9%), LPB (+5,16%)... Bên cạnh đó, một số cổ phiếu nhóm ngành bán lẻ cũng có diễn biến khá tích cực như MWG (+1,45%), PNJ (+3,73%%), FRT (+2,35%)...
Ngoài ra, cổ phiếu chứng khoán cũng đón nhận thông tin về nâng hạng cũng có một tuần giao dịch với nhiều mã trong sắc xanh như: SSI (+1,83%), HCM (+0,7%), VCI (+1,34%), MBS (+2,11%), SHS (+0,54%)...
Thanh khoản toàn thị trường chứng khoán trong tuần tiếp tục tăng, nhưng mức tăng không quá lớn. Tính chung trên toàn thị trường, giá trị giao dịch bình quân phiên trong tuần đạt 28.006 tỷ đồng/phiên, tăng khoảng +7,8% so với con số tuần trước.
Tính riêng trên từng sàn, giá trị giao dịch bình quân trên HOSE đạt 24.516 tỷ đồng/phiên, tăng +7,7% so với tuần trước; và con số này lần lượt trên HNX và UPCoM là 1.897 tỷ đồng/phiên và 1.593 tỷ đồng/phiên, tăng +15,1% và +1,6% so với tuần trước.
Khối ngoại vẫn là một "nốt trầm" trên thị trường chứng khoán tuần qua. Theo đó, khối ngoại đã tăng bán ròng trong tuần, lên mức -5.723 tỷ đồng trên toàn thị trường, tăng rất mạnh so với con số của tuần trước. Mức bán ròng của khối ngoại tập trung trên sàn HOSE với -5.524 tỷ đồng, trong khi họ mua ròng nhẹ +49 tỷ đồng trên HNX và bán ròng -247 tỷ đồng trên UPCoM.
Thị trường chứng khoán tuần qua chịu tác động của rất nhiều thông tin, nhưng chủ yếu là thông trên thị trường thế giới. Tin tức nổi bật nhất trong tuần là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 12/6 giữ nguyên lãi suất tham chiếu lần thứ 7 liên tiếp tại 5,25% - 5,5% - đây vẫn là mức cao nhất 23 năm. Các chuyên gia dự báo chỉ giảm lãi suất một lần trong năm 2024 thay vì 3 lần như tuyên bố hồi đầu năm.
Ngoài ra là các thông tin khác như giá cước vận tải biển thế giới tăng cao và tình trạng tắc nghẽn xảy ra tại cảng Singapore do tác động dây chuyền từ cuộc khủng hoảng hàng hải ở Biển Đỏ; Quỹ iShares MSCI Frontier and Select EM ETF thuộc BlackRock công bố dừng hoạt động tại Việt Nam dự kiến vào cuối quý I/2025… cũng là các thông tin tác động lên thị trường trong tuần.
Ở trong nước, thông tin tác động không có nhiều khi vào vùng trũng thông tin. Thị trường tiền tệ không quá nổi bật, khi tỷ giá có tăng giữa tuần nhưng dịu lại cuối tuần; giá vàng hạ nhiệt mặc dù vẫn có tình trạng xếp hàng mua vàng…
Thị trường chứng khoán như vậy đã trải qua một tuần nhiều cảm xúc. Chỉ số lập đỉnh đầy hào hứng, nhưng trạng thái thị trường thay đổi nhanh phiên cuối tuần khiến tâm lý bất ngờ xuất hiện. Trên thực tế, mới một phiên giảm mạnh sau khi thị trường đạt đỉnh của có đủ tín hiệu để nhận định cho xu hướng. Thị trường đạt đỉnh và có sự “retest” đỉnh cũng là bình thường.
Thị trường chứng khoán tuần mới (17 – 21/6) cũng chưa có nhiều thông tin vĩ mô quan trọng được chờ đợi, tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ quan tâm tới diễn biến của dòng tiền ngắn hạn. Bên cạnh đó, thị trường cũng sẽ chứng kiến phiên đáo hạn của hợp đồng tương lai tháng 6 và phiên thực hiện cơ cấu danh mục của FTSE và VNM ETF. Nhà đầu tư sẽ chú ý nhiều hơn vào tuần cuối tháng 6 và đầu tháng 7 khi các thông tin vĩ mô quan trọng nửa đầu năm sẽ được công bố.
Theo các chuyên gia của SHS Research, trong ngắn hạn, thị trường đã chịu áp lực bán khá mạnh, nhất ở ở nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình nhỏ khi VN-Index gặp vùng kháng cự đường xu hướng trung hạn 1.300 điểm.
Dưới áp lực điều chỉnh khá mạnh trong phiên cuối tuần xu hướng ngắn hạn của VN-Index tiếp tục quay trở lại dao động trong vùng 1.250 điểm - 1.300 điểm. Trong đó điểm cân bằng là vùng giá quanh 1.280 điểm, tương ứng giá trung bình 20 phiên của VN-Index. “Trường hợp tích cực VN-Index phục hồi tốt ở vùng 1.280 điểm thì vẫn có thể kỳ vọng quay trở lại vùng kháng cự 1.295 điểm, tương ứng giá cao nhất tháng 3/2024 và 8/2022” – chuyên gia của SHS Research dự báo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận