Thấy gì từ việc sếp bất động sản nhận lương khủng, bất chấp doanh nghiệp lỗ nặng
Bất chấp tình hình khó khăn của ngành bất động sản, thu nhập của nhiều CEO và lãnh đạo cấp cao vẫn tăng đáng kể, thậm chí có trường hợp vượt xa hiệu quả kinh doanh của công ty. Sự chênh lệch về mức chi trả cho lãnh đạo giữa các doanh nghiệp nêu bật một thực tế: lợi nhuận giảm không đồng nghĩa với việc lương thưởng giảm.
Theo báo cáo tài chính mới nhất của các doanh nghiệp bất động sản, các tổng giám đốc (CEO) và thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) vẫn đang hưởng mức thu nhập cao trong bối cảnh tình hình kinh doanh chung của ngành còn gặp nhiều thách thức.
Dù vậy, mức thu nhập cũng có sự chênh lệch, phân hoá đáng kể giữa các doanh nghiệp địa ốc cho thấy doanh nghiệp có quy mô vốn hoá lớn chi thù lao cho lãnh đạo cấp cấp hơn gấp 3 lần nhóm doanh nghiệp có vốn hóa nhỏ trong 9 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, nhưng lãnh đạo vẫn nhận lượng rất cao, thậm chí tăng so với cùng kỳ. Trong khi một số các thành viên quản lý khác lại có thu nhập sụt giảm.
Tăng thu nhập không đồng nhất bất chấp khó khăn ngành
Dù ngành bất động sản gặp nhiều khó khăn và hiệu quả kinh doanh suy giảm, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vẫn ghi nhận thu nhập cao và thậm chí tăng so với cùng kỳ. Điều này phản ánh thực tế rằng mức độ chi trả cho các vị trí cấp cao trong ngành này không chỉ phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh mà còn do những yếu tố nội bộ khác như chính sách chi trả và vai trò quan trọng của lãnh đạo.
Tại Novaland (NVL), bất chấp những thách thức và kết quả kinh doanh chung của ngành giảm, thu nhập của các lãnh đạo vẫn tăng mạnh. Novaland đã chi gần 9 tỷ đồng cho các thành viên HĐQT và tiền lương của CEO cùng các quản lý khác. Ông Ng Tech Yow, cựu Tổng Giám đốc, vẫn nhận mức lương trung bình khoảng 414 triệu đồng mỗi tháng trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng cộng hơn 3,27 tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình 256 triệu đồng mỗi tháng khi ông mới nhậm chức năm 2023. Điều này cho thấy, ngay cả trong bối cảnh khó khăn, chính sách lương thưởng cho lãnh đạo cấp cao vẫn có sự gia tăng.
Trong khi Phát Đạt báo cáo lợi nhuận sau thuế giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước và doanh thu giảm mạnh 69,55% trong 9 tháng đầu năm 2024, các lãnh đạo Công ty Phát Đạt (PDR) vẫn duy trì thu nhập ổn định và thậm chí tăng nhẹ. Trong quý III, tổng thu nhập của HĐQT, Ban Tổng Giám đốc và các quản lý khác đạt gần 5,9 tỷ đồng, nhích nhẹ so với con số gần 5 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, tương đương với mức tăng là 17% so với cùng kỳ. Thu nhập của CEO Bùi Quang Anh Vũ vẫn nhận mức lương 1,4 tỷ đồng trong quý III (tương đương 470 triệu đồng/tháng), duy trì mức cao trong bối cảnh lợi nhuận sau thuế của công ty giảm hơn một nửa, cho thấy rằng các chính sách lương thưởng không luôn phản ánh đúng hiệu quả kinh doanh mà phụ thuộc vào yếu tố nội bộ của công ty.
Cũng giống ông Vũ, Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt có khoản thu nhập được ghi nhận là gần 485 triệu đồng trong quý III năm nay, duy trì ổn định so với quý trước và cùng kỳ, tức mỗi tháng nhận về khoảng 161 triệu đồng. Trước đó, ông Đạt từng gây chú ý vào năm 2022 với thu nhập hơn 3 tỷ đồng trong một quý. Tính chung trong 9 tháng năm 2024, tổng thu nhập của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Đạt và Tổng giám đốc Bùi Quang Anh Vũ lần lượt là hơn 1,4 tỷ đồng (tương đương 161 triệu đồng/tháng) và 4,2 tỷ đồng (tương đương 467 triệu đồng/tháng).
Tại DICO (IDC), thu nhập của các lãnh đạo cũng cho thấy sự tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2024, bà Nguyễn Thị Như Mai, Chủ tịch HĐQT, nhận mức thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng, tăng gần 300 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước, trong khi CEO Đặng Chính Trung cũng có thu nhập hơn 2,7 tỷ đồng, tăng hơn 500 triệu đồng.... Điều này minh họa cho sự tăng trưởng về lương thưởng ngay cả khi doanh nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức lớn.
Chênh lệch thu nhập giữa các công ty
Mức chênh lệch trong thu nhập giữa các lãnh đạo doanh nghiệp lớn và nhỏ là đáng kể, với những công ty có vốn hóa lớn trả thù lao cho lãnh đạo gấp ba lần so với các công ty nhỏ. Điều này cho thấy sự khác biệt về khả năng tài chính và chiến lược nhân sự giữa các công ty bất động sản, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế khó khăn.
Theo báo cáo tài chính, tại Novaland, các thành viên HĐQT và CEO nhận mức thu nhập cao. Như đã đề cập ở trên, ông Ng Tech Yow ghi nhận hơn 3,27 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024, tương đương trung bình 414 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT, dù không nhận lương nhưng cũng nhận thù lao 900 triệu đồng trong 9 tháng đầu năm, tương ứng mỗi tháng nhận 100 triệu đồng tiền thù lao. Con số này cao hơn 9 tháng dầu năm 2023, khi ông Nhơn nhận mức thù lao 800 triệu đồng.
Ngược lại, các công ty có vốn hóa nhỏ hơn như An Gia (AGG) cho thấy mức chi trả thấp hơn đáng kể. Dù ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT An Gia, nhận 1,4 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024, cao hơn nhiều so với 370 triệu đồng của cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, ông Sáng còn nhận được khoản cổ tức 21,6 tỷ đồng. Trong khi đó, thu nhập của một số thành viên HĐQT lại giảm nhẹ với cùng kỳ. Theo đó, 5 Thành viên HĐQT có khoản thu nhập từ 99 triệu đồng đến 250 triệu đồng trong 9 tháng đầu năm. Còn Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Sơn được chi trả 1,26 tỷ đồng, dù trước đó không nhận lương trong cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức thu nhập của ông Sáng vẫn thấp hơn nhiều so với các lãnh đạo của các doanh nghiệp lớn. Điều này nhấn mạnh sự khác biệt trong khả năng tài chính của các doanh nghiệp và chiến lược chi trả nhân sự giữa công ty lớn và nhỏ.
Tại Đất Xanh (DXG), mặc dù chi tiêu tổng thể cho các thành viên lãnh đạo (giảm từ 10 tỷ xuống 8 tỷ đồng), Đất Xanh vẫn tăng lương cho Tổng giám đốc lên 3 tỷ đồng trong 9 tháng, tương đương 334 triệu đồng/tháng, tăng gần 1 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Mức ythu nhập này thấp hơn so với các doanh nghiệp như Novaland nhưng vẫn thể hiện mức thu nhập cao hơn so với nhiều công ty khác cùng ngành. Tuy nhiên, tổng chi phí lương cho các thành viên quản lý khác đã giảm mạnh 41% so với cùng kỳ năm trước, từ 8,4 tỷ đồng xuống còn gần 5 tỷ đồng.
Những dẫn chứng này cho thấy một nghịch lý trong kết quả kinh doanh và thu nhập lãnh đạo. Một số doanh nghiệp dù kinh doanh thua lỗ nhưng lãnh đạo vẫn nhận thu nhập cao, đôi khi tăng so với năm trước. Ví dụ, tại Phát Đạt, dù doanh thu giảm mạnh và lợi nhuận sau thuế giảm hơn 50% so với cùng kỳ, CEO vẫn giữ mức thu nhập ổn định, gần 470 triệu đồng/tháng. Điều này đặt ra câu hỏi về tính hợp lý và minh bạch trong chính sách chi trả của các doanh nghiệp trong ngành.
Theo báo cáo từ FiinGroup, năm 2023, thu nhập bình quân của CEO trong ngành bất động sản đạt mức cao nhất trong các ngành với 4,9 tỷ đồng. Điều này cho thấy rằng thu nhập của các lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản vẫn giữ ở mức cao dù ngành này phải đối mặt với nhiều thách thức, không chỉ phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh mà còn do các yếu tố nội bộ như chính sách lương thưởng và vai trò quan trọng của lãnh đạo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận