Quy mô huy động của ACB đạt 432.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023
Sau 6 tháng, ACB lãi trước thuế 9.990 tỷ đồng, tăng trưởng 11%, huy động tăng 4% so với đầu năm lên mức 432.410 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB; HoSE: ACB) đã kết thúc nửa đầu năm 2023 với nguồn thu chính tăng 13% so với cùng kỳ, đem về 12.461 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.
Về các khoản thu ngoài lãi, duy nhất lãi từ dịch vụ giảm 17% xuống 1.432 tỷ đồng, các khoản khác đều theo chiều hướng đi lên.
Trong đó, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng từ 25 tỷ đồng cùng kỳ lên gần 407 tỷ đồng ở kỳ này, lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh ở mức 115 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 237,8 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 71% lên 765 tỷ đồng.
Trong kỳ, ngân hàng dành ra gần 962 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi cùng kỳ được hoàn nhập hơn 270 tỷ đồng. Cấn trừ đi chi phí, ACB báo lợi nhuận trước thuế đạt 79 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi khấu trừ các chi phí hoạt động, nhà băng này thu về khoản lãi trước thuế đạt 9.990 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch 20.058 tỷ đồng lãi trước thuế, ACB đã thực hiện được 50% sau nửa đầu đầu năm.
Riêng trong quý II, thu nhập lãi thuần của ACB đạt gần 6.245,7 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Các khoản thu ngoài lãi đều theo hướng tăng trưởng tích cực, đáng chú ý khoản lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng từ 18 tỷ đồng quý II/2022 lên 407,8 tỷ đồng ở quý II/2023.
Trong kỳ, ngân hàng dành 706 tỷ đồng chi phí dự phòng, trong khi cùng kỳ được hoàn nhập 267 tỷ đồng. Kết quả, ACB lãi trước thuế 4.832 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của ACB ở mức 630.893 tỷ đồng, tăng 4% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền gửi và cho vay tại các tổ chức tín dụng khác tăng 4%, lên mức 89.763 tỷ đồng, chủ yếu tăng từ tiền gửi có kỳ hạn. Cho vay khách hàng tăng 5% lên 434.031 tỷ đồng.
Tiền gửi khách hàng tăng 4% so với đầu năm lên mức 432.410 tỷ đồng. Trong đó phần lớn là tiền gửi tiết kiệm gần 262.998 tỷ đồng, tiền gửi không kỳ hạn 87.977 tỷ đồng, tiền gửi có kỳ hạn hơn 79.234 tỷ đồng và 1.399 tỷ đồng gửi ký quỹ.
Về chất lượng nợ, nợ xấu của ACB tăng 11% so với đầu năm lên 441 tỷ đồng. Tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 2,12% lên 2,3%.
Danh mục đầu tư trái phiếu của ACB chỉ bao gồm trái phiếu Chính phủ và trái phiếu các tổ chức tín dụng khác, không có trái phiếu doanh nghiệp. ACB kết thúc nửa đầu năm 2023 với tỉ lệ LDR đạt 79%, tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 19%.
Đầu tháng 6 vừa qua, ACB đã báo cáo kết quả về việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức 2022. Theo đó, ngân hàng đã phân phối hơn 506,61 triệu cổ phiếu, trong đó gần 506,59 cổ phiếu phân phối cho các cổ đông và 21.356 cổ phiếu được xử lý theo hình thức cổ phiếu lẻ. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ ACB tăng từ 33.774 tỷ đồng lên mức 38.840 tỷ đồng.
Ngoài lượng cổ phiếu trả cổ tức trên, ngân hàng còn chia tổng cộng hơn 3.777 tỷ đồng cổ tức tiền mặt cho các cổ đông.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường