Quý 3 và nỗi sầu của doanh nghiệp dầu khí
Sau quý 2 lãi khủng, tình hình bỗng quay ngoắt 180 độ với các doanh nghiệp mảng dầu khí trong quý 3. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận lãi giảm, thậm chí là lỗ, bất chấp doanh thu tăng trưởng dương.
Trong bối cảnh giá xăng dầu biến động liên tục và khó dự đoán, nhiều doanh nghiệp dầu khí đã phải hứng chịu kết quả không như mong đợi, dù có doanh thu tăng trưởng.
Thu ngàn tỷ nhưng từ lãi thành lỗ
Nhiều doanh nghiệp dầu khí báo lỗ hoặc giảm lãi trong quý 3
Sau quý 2 lãi khủng, PVOIL (UPCoM: OIL) bất ngờ đối mặt với một quý kinh doanh đầy bết bát. Dù doanh thu gấp hơn 2 lần cùng kỳ, lên gần 26 ngàn tỷ đồng, nhưng vì giá vốn cùng các khoản chi phí đội lên quá lớn đã khiến Công ty phải chịu lỗ ròng hơn 319 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 43 tỷ đồng.
OIL thua lỗ trong quý 3/2022
Công ty lý giải, trong quý 3, giá dầu thế giới đã liên tục đảo chiều với nguyên nhân xuất phát từ lo ngại suy thoái kinh tế và lạm phát. Nhà nước cũng liên tục điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ, qua đó gây ảnh hưởng đến lãi gộp của doanh nghiệp, khiến Công ty mẹ và hợp nhất chịu lỗ quý 3. Đây là điểm trái ngược với những gì đã xảy ra trong 6 tháng đầu năm, khi giá dầu liên tục tăng kể từ khi chiến sự Nga – Ukraine bùng nổ.
Dẫu quý 3 thua lỗ, thành quả đạt được sau 6 tháng đầu năm vẫn giúp OIL đạt lãi sau thuế lũy kế 9 tháng 431 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm 7%. Doanh thu lũy kế lên tới 79 ngàn tỷ đồng, vượt 75% mục tiêu cả năm.
Trong khi đó, PV Drilling (HOSE: PVD) tiếp tục nối dài chuỗi thua lỗ trong năm 2022. Dù doanh thu hợp nhất tăng trưởng 23%, đạt 1.2 ngàn tỷ đồng, Công ty lỗ ròng gần 34 tỷ đồng, cùng kỹ lãi 67 tỷ đồng.
PVD nối dài chuỗi thua lỗ trong năm 2022
Công ty cho biết, doanh thu tăng là nhờ giá cho thuê và hiệu suất sử dụng giàn khoan dầu gia tăng. Tuy nhiên, Công ty phải cấn trừ giảm doanh thu các dịch vụ liên quan đến giàn khoan do khối lượng công việc giảm. Chính các mảng bị cắt bớt này cùng chi phí tài chính gia tăng do tỷ giá đồng USD và biến động Libor (Lãi suất liên ngân hàng London) làm tăng chi phí lãi vay đã khiến Công ty phải báo lỗ trong kỳ.
Trong khi đó, PVOIL Phú Yên (HNX: PPY) có kỳ kinh doanh đầu tiên thua lỗ sau 8 quý liên tiếp có lãi. Quý 3/2022, doanh thu PPY gấp 2.7 lần cùng kỳ, đạt hơn 1.1 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, việc giá xăng dầu biến động mạnh khiến biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm sâu, Công ty lỗ ròng hơn 10.5 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 4.3 tỷ đồng.
PPY có quý thua lỗ đầu tiên sau 8 quý liên tiếp có lãi
Tương tự, Comeco (HOSE: COM) chứng kiến doanh thu quý 3 tăng vọt lên gần 1.3 ngàn tỷ đồng, gấp 4.5 lần cùng kỳ, nhưng cũng vì biên lãi gộp giảm sâu mà lỗ ròng gần 8 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ ròng 3.3 tỷ đồng.
Không đến mức chịu cảnh thua lỗ nhưng nhiều doanh nghiệp mảng dầu khí phải chịu lãi tăng trưởng âm trong quý 3/2022, thậm chí là chia nhiều lần như trường hợp của PSH (CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu). PSH ghi nhận doanh thu trong kỳ gần như đi ngang, đạt hơn 1 ngàn tỷ đồng, nhưng lãi ròng chia tới 25 lần, chỉ đạt 6.1 tỷ đồng. Doanh nghiệp giải thích do biến động giá xăng dầu thế giới và trong nước đã khiến giá thành nguyên liệu đầu vào của Công ty chịu nhiều ảnh hưởng, trong khi chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp tăng mạnh làm tổng doanh thu trong kỳ tăng cao, khiến lợi nhuận sụt giảm.
Vẫn còn doanh nghiệp khởi sắc
Một số doanh nghiệp báo lãi lớn trong quý 3/2022
Bất chấp tình hình khó đoán của thị trường, một số doanh nghiệp dầu khí vẫn có thể báo lãi tăng trong quý 3. Như Tổng Công ty Khí Việt Nam (HOSE: GAS) có doanh thu tăng 31%, đạt hơn 24.3 ngàn tỷ đồng cùng mức lãi ròng hơn 3 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng gần 28%. Nguyên nhân chủ yếu giúp lợi nhuận doanh nghiệp tăng là giá dầu Brent bình quân trong quý 3 tăng 37% so với cùng kỳ, đưa lợi nhuận mảng khí khô tăng tương ứng. Bên cạnh đó, giá CP (thế giới - giá hợp đồng) bình quân trong kỳ tăng 5% so với năm trước cũng thúc đẩy lợi nhuận mảng khí LPG và làm tăng lợi nhuận chung của doanh nghiệp.
GAS có kỳ kinh doanh đạt lợi nhuận tăng trưởng dương
Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) cũng ghi nhận kết quả tích cực với doanh thu gần 39.6 ngàn tỷ đồng, gấp 2.2 lần cùng kỳ. Lãi ròng tăng nhẹ 0.5%, đạt gần 479 tỷ đồng. Hay PVT (Tổng CTCP Vận tải Dầu khí) thậm chí báo lãi gấp gần 3 lần cùng kỳ, đạt gần 271 tỷ đồng; doanh thu cũng tăng 39%, lên hơn 2.3 ngàn tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là khoản thu nhập khác từ thanh lý tài sản cố định cùng hiệu quả khai thác các tàu đầu tư mới của doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận