“Ôm” loạt cổ phiếu ngân hàng, hiệu suất đầu tư quỹ ngoại quy mô 700 triệu EUR vẫn thua gửi tiết kiệm trong năm 2023
Quỹ ngoại này đạt hiệu suất đầu tư vỏn vẹn 1,69% trong năm 2023, kém xa so với mức tăng của VN-Index (12,2%) và mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng tại các ngân hàng (khoảng 5%).
Lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục nhưng đôi khi lại là “mơ ước” đối với nhiều nhà đầu tư chứng khoán. Thực tế, chứng khoán chưa bao giờ là một kênh đầu tư dễ dàng. Việc “ôm” cổ phiếu cả năm nhưng lãi thua gửi tiết kiệm, kém xa VN-Index hoặc thậm chí lỗ không phải chuyện hiếm trên thị trường.
Không chỉ nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, các quỹ đầu tư, tổ chức lớn cũng có thể rơi vào trường hợp trên, điển hình là Pyn Elite Fund. Quỹ ngoại quy mô hơn 700 triệu EUR (~18.800 tỷ đồng) khép lại năm 2023 với hiệu suất đầu tư chỉ vỏn vẹn 1,69%.
Con số trên kém xa so với mức tăng 12,2% của VN-Index trong năm 2023. Nếu so với mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng tại các ngân hàng (khoảng 5%), hiệu suất đầu tư cả năm của Pyn Elite Fund cũng là rất khiên tốn.
Đáng chú ý, trong một báo cáo hồi tháng 6/2023, Pyn Elite Fund từng rất tự tin danh mục cổ phiếu nắm giữ có thể chiến thắng được thị trường trong phần còn lại của năm. Dù vậy, thực tế lại không diễn ra như mong đợi của quỹ ngoại này.
Nhìn chung, cổ phiếu ngân hàng trong năm 2023 chịu nhiều áp lực đến từ nợ xấu và tăng trưởng tín dụng thấp. Nhóm này gần như không tạo ra được con sóng ngành nào thật sự ấn tượng dù vẫn có một vài cổ phiếu âm thầm đi lên. Dù vậy, cục diện có vẻ đang dần thay đổi.
Danh mục dần bắt nhịp với thị trường
Trong tháng 12, Pyn Elite Fund đã bắt nhịp được với thị trường khi đạt hiệu suất 3,3% tương đương VN-Index, chấm dứt chuỗi nhiều tháng thất bại trước chỉ số này. Quỹ ngoại cho biết đà tăng được dẫn dắt bởi nhóm ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ.
Quỹ cũng kỳ vọng hệ thống giao dịch mới được chờ đợi từ lâu - KRX sẽ ra mắt vào nửa đầu năm 2024. Đây sẽ là cú huých lớn đối với ngành chứng khoán, do đó Pyn Elite Fund đã mở vị thế mua gom SHS và đưa cổ phiếu này vào top 10 khoản đầu tư lớn nhất với tỷ trọng 4%.
Về thị trường chung, giá trị giao dịch trung bình hàng ngày trong cả năm đã giảm 12,3% so với năm 2022, ở mức khoảng 637,4 triệu USD. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng triền miên kể từ tháng 4 trong bối cảnh VND tiếp tục mất giá so với USD khoảng 1,1% trong năm 2023.
Tình hình vĩ mỗ được đánh giá tương đối ổn định. GDP của Việt Nam tăng 6,7% so với cùng kỳ trong quý 4, đưa mức tăng trưởng cả năm lên 5,1%. Lĩnh vực dịch vụ có hiệu suất cao nhất tăng 6,8% trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn đang phục hồi với mức tăng 3,7% so với cùng kỳ.
FDI tiếp tục là dấu ấn nổi bật trong tình hình vĩ mô của Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% theo năm. Giải ngân FDI cũng đạt kỷ lục với 23,2 tỷ USD. Mặt khác, xuất khẩu cả năm đã giảm 4,4% so với 2022 xuống mức 355,5 tỷ USD. Nhập khẩu cũng giảm 8,9% so với 2022, xuống còn 327,5 tỷ USD.
Ngoài ra, Pyn Elite Fund cũng đánh giá 2023 là một năm thành công đối với ngoại giao Việt Nam. Sau khi nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ hồi tháng 9, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12 đã có 36 thỏa thuận được ký kết trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận