menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ly Na

“Nuôi” nguồn hàng chất lượng cho thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán các tháng gần đây đã ghi nhận sự hồi phục đáng kể ở các giao dịch thứ cấp.

Chứng khoán Việt Nam tiếp tục vắng bóng “tân binh” trong nửa đầu năm 2023. Sự sôi động của thị trường cần những “hàng hóa” mới chất lượng cũng như nỗ lực trong hoạt động tư vấn phát hành của các bên trung gian.

Cú hích từ chính sách mới?

Từ ngày 1/9/2023, danh mục nhu cầu vốn mà các ngân hàng thương mại không được cho vay sẽ dài thêm theo quy định mới tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN, từ 6 mục lên 10 mục. Đáng chú ý với giới đầu tư, một trong các nhu cầu vốn được bổ sung vào “vùng” cấm vay là để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty TNHH, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCoM.

Theo đánh giá từ nhiều chuyên gia, Thông tư 06/2023/TT-NHNN quy định chặt chẽ hơn, hướng dòng vốn đến các dự án an toàn, hiệu quả, giúp phản ánh chính xác chất lượng tín dụng. Ngoài ra, chính sách mới cũng được kỳ vọng có thể thúc đẩy việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán vốn chững lại rõ rệt trong các năm gần đây.

Thống kê giao dịch trên thị trường chứng khoán các tháng gần đây đã ghi nhận sự hồi phục đáng kể ở các giao dịch thứ cấp, khi tổng giá trị khối lượng giao dịch cổ phiếu trên cả 3 sàn xuất hiện một số phiên chạm mốc tỷ USD. Giá trị giao dịch bình quân cũng nối dài chuỗi tăng, tháng sau cao hơn tháng trước.

Tuy nhiên, thị trường sơ cấp (giữa tổ chức phát hành cổ phiếu và nhà đầu tư) tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm, cả về khối lượng cổ phiếu niêm yết bổ sung và cổ phiếu niêm yết lần đầu. Tính riêng trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), trong nửa đầu năm 2023, mới có gần 116 triệu đơn vị cổ phiếu niêm yết lần đầu, tương đương 8,2% lượng cổ phiếu mới niêm yết lần đầu ở sàn này trong năm 2022. Số lượng cổ phiếu niêm yết bổ sung nửa đầu năm đạt 1,53 tỷ đơn vị, cũng chỉ xấp xỉ 8% con số đạt được cả năm trước.

Số lượng các doanh nghiệp niêm yết mới trên 3 sàn có xu hướng đi lùi từ năm 2017 đến nay. Trong đó, khá nhiều doanh nghiệp thuộc diện chuyển qua lại giữa các sàn, bao gồm chuyển từ sàn UPCoM lên sàn niêm yết, hoặc buộc hủy niêm yết bắt buộc và chuyển sang giao dịch sàn UPCoM như đa phần các trường hợp đăng ký giao dịch mới trong tháng 5 và 6 vừa qua. Còn lại, số lượng các “tân binh” thực sự của sàn chứng khoán các năm gần đây còn ít hơn nhiều.

Tuy nhiên, đã có những tín hiệu “ấm hơn” trong những ngày cuối tháng 6. Theo quyết định chấp thuận của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội HNX, sàn này sẽ đón tân binh Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt. Công ty cổ phần Thủy sản Việt Úc - một doanh nghiệp ngành tôm có quy mô vốn điều lệ trên ngàn tỷ đồng - cũng đánh tiếng chốt danh sách cổ đông đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM.

Còn trên sàn HoSE, vừa có thêm hai cổ phiếu được chấp thuận niêm yết gồm SIP của Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG và ADP của Công ty cổ phần Sơn Á Đông. Cả hai doanh nghiệp này đều đã đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM trước đó và phải chờ đợi từ 9 tháng đến gần năm mới đến ngày phê duyệt hồ sơ niêm yết.

Cần “nuôi” cung hàng hóa

Cùng quan điểm về việc cần kiểm soát chặt hơn các doanh nghiệp mới gia nhập sàn chứng khoán, ông Kojima Kazunobu, chuyên gia tư vấn Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tư vấn trưởng Viện Nghiên cứu Daiwa nhấn mạnh, cần nâng cao chất lượng các doanh nghiệp niêm yết thông qua tăng cường chức năng của thị trường phát hành cổ phiếu (sơ cấp). Cụ thể, thị trường sơ cấp cần góp vai trò lớn hơn trong việc tăng cường thẩm định chi tiết khi niêm yết cổ phiếu/chào bán ra công chúng.

Có nhiều tiêu chí, nhưng theo một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, yếu tố chất lượng hàng hóa thể hiện nhiều nhất ở chỉ tiêu tình hình tài chính, quản trị công ty, cũng như hoạt động công bố thông tin. Do đó, không nhất thiết quy mô phải lớn, nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa (SME) cũng là những nguồn cung hàng hóa tiềm năng của thị trường.

Theo ông Đậu Minh Nhật, Chủ tịch HĐQT Aura Capital - một doanh nghiệp đã đảm nhận vai trò tư vấn lộ trình chào bán cổ phần ra công chúng (IPO) ở nhiều tổ chức, tập trung ở nhóm SME - chuyện lên sàn khó hơn nhưng không phải là không thể. Trở ngại lớn nhất khiến các SME khó lên sàn là sự minh bạch về tài chính, minh bạch thông tin. Doanh nghiệp có định hướng IPO cần phải chuẩn hóa điều này ngay từ đầu và tối ưu từng điểm cho đến ngày niêm yết thành công trên sàn.

Một chiến lược tổng thể, theo ông Nhật, là một chặng đường kéo dài ít nhất 3-5 năm và dài hơi hơn nữa. “Các tài sản mềm như thương hiệu, tầm nhìn sứ mệnh, giá trị cốt lõi, văn hóa doanh nghiệp… là những nền tảng cần được chuẩn bị. Tiếp theo là xây dựng các quy trình, quy chế, từ đó là cơ sở để doanh nghiệp có thể vận hành tốt”, ông Nhật lưu ý.

Đại diện Aura Capital cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp cần tuân thủ pháp luật, minh bạch về tài chính. Ngoài ra, lựa chọn định hướng doanh nghiệp phát triển bền vững, tác động tích cực đến môi trường, xã hội cũng là điều giúp các doanh nghiệp dễ tiến đến IPO hơn trong xu hướng mới.

Các SME thường có cấu trúc tài chính chưa hiệu quả hoặc đang trong giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, cùng với thời gian, sự vươn lên của nhóm SME sẽ là nguồn cung tương lai cho thị trường trong khi chờ đợi các “ông lớn” lên sàn.

Bên cạnh trông chờ vào chính các tổ chức phát hành, phương thức bảo lãnh phát hành/dựng sổ khi chào bán ra công chúng là điều các chuyên gia nhấn mạnh để nâng tầm vai trò của thị trường sơ cấp.

Chia sẻ tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 tổ chức hồi trung tuần tháng 6, bà Phạm Minh Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cũng nhấn mạnh, một trong các mục đích của các đợt phát hành tăng vốn năm nay của công ty chứng khoán này chính là để có tiềm lực thực hiện bảo lãnh phát hành. “Bài toán lớn nhất của thị trường là chất lượng hàng hóa. Hàng hóa tốt cũng là gốc rễ để có thị trường phát triển bền vững”, bà nói.

Nữ CEO gắn bó hàng chục năm cùng sự trưởng thành của thị trường chứng khoán nhấn mạnh, hoạt động tư vấn phát hành của các công ty chứng khoán cũng chính là nhằm tạo ra hàng hóa cho nhà đầu tư. Với cơ cấu 40% vốn hóa thị trường nằm tại các ngân hàng, 30% tại các công ty bất động sản như tại Việt Nam hiện nay, dòng vốn sẽ luân chuyển không hiệu quả. Có thêm “hàng hóa” ở đa dạng các lĩnh vực, đặc biệt là nhóm sản xuất hay hạ tầng cơ bản của nền kinh tế sẽ giúp vai trò của thị trường chứng khoán trong kết nối vốn trung, dài hạn hiệu quả hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

41.05

-0.10 (-0.24%)

Biểu đồ mã VHM

92.90

-0.10 (-0.11%)

Biểu đồ mã VCB
Xem thêm Xem thêm
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại