menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Phi Điệp

Nhiều doanh nghiệp bi quan với lợi nhuận quý đầu năm

Ảnh hưởng của kinh tế thế giới, số liệu kinh tế vĩ mô trong nước 2 tháng đầu năm không khởi sắc, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm; nhiều doanh nghiệp đã dự báo không lạc quan về lợi nhuận quý đầu năm, đa phần giảm hoặc thua lỗ.

Nền kinh tế thế giới bước vào năm 2023 với nhiều khó khăn, biến động khó lường. Lạm phát các nước dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao... Điều này đã tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế xã hội Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2023.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI hai tháng đầu năm tăng 4.6% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản tăng 5.08%. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 6.3%, vốn đầu tư nước ngoài giảm 38% và kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 10.4% do đơn hàng giảm.

Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp đã có những dự báo bi quan về kết quả kinh doanh quý đầu năm, giảm lãi hay thậm chí lỗ. Doanh nghiệp săm lốp hàng đầu - Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC) đề ra mục tiêu quý đầu năm doanh thu thuần 1,100 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng, cùng giảm trên 14% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãnh đạo DRC cho biết doanh thu thuần tháng 1 đạt 301 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân từ việc doanh thu nội địa đình trệ do yếu tố thời vụ và nhu cầu sụt giảm trước những khó khăn của thị trường vĩ mô. Song ban lãnh đạo cũng chia sẻ, đang có những dấu hiệu phục hồi của thị trường nội địa trong tháng 2 và 3. Thị trường xuất khẩu cũng giảm khoảng 9%, xuống 10 triệu USD và có thể đạt 11 - 12 triệu USD/tháng trong hai tháng còn lại. Sản lượng xuất khẩu được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng trưởng ở thị trường Brazil, đơn hàng lốp bias được cải thiện tại thị trường châu Á như Myanmar, Ai Cập và Trung Đông từ tháng 2.

Tiếp nối đà giảm từ quý 4/2022, lãnh đạo Digiworld (HOSE: DGW) dự báo doanh thu quý 1 giảm 43%, xuống 4,000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng giảm 38%, còn 130 tỷ đồng.

Ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT DGW phân tích, nhu cầu các thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đang ở mức thấp do kinh tế có dấu hiệu suy giảm, khiến người tiêu dùng giảm chi tiêu; đồng thời, trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19, các sản phẩm ICT bán rất chạy và chưa đến chu kỳ thay mới.

Người đứng đầu Digiworld cho rằng, khó khăn sẽ còn tiếp diễn đến quý 2 và kỳ vọng hồi phục nửa cuối năm khi kinh tế thế giới tốt hơn, các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng, thu nhập của người dân được cải thiện, kéo theo sức mua gia tăng.

Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) lên kế hoạch doanh thu quý 1 đạt 2.578 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 700 tỷ đồng; lần lượt giảm 29% và 53% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, lợi nhuận của DGC được dự báo tiếp tục giảm sau khi đạt đỉnh vào quý 2/2022.

Mirae Asset đánh giá, trong giai đoạn từ tháng 05/2022 đến tháng 01/2023, Trung Quốc duy trì chính sách Zero-COVID đã kéo nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm bán dẫn suy giảm, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ phốt pho vàng - sản phẩm chính của Hóa chất Đức Giang. Việc Trung Quốc mở cửa kinh tế và đẩy mạnh sản xuất các thiết bị điện tử sẽ giúp nhu cầu tiêu thụ chất bán dẫn hồi phục, giúp lợi nhuận doanh nghiệp cân bằng trong nửa đầu năm 2023.

Đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2022, Bột giặt LIX (HOSE: LIX) đề ra mục tiêu đi lùi cho quý đầu năm với lợi nhuận trước thuế 50 tỷ đồng, giảm 9% trong khi doanh thu gần như đi ngang. Nếu chỉ hoàn thành được mức này thì đây sẽ là kết quả tệ nhất của công ty kể từ quý 3/2021.

Dự báo thị trường xi măng nói chung và sản xuất bao bì nói riêng gặp nhiều khó khăn, lãnh đạo Vicem Bao bì Bỉm Sơn (HNX: BPC đề ra mục tiêu doanh thu năm 2023 chỉ 261 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.5 tỷ đồng, cùng giảm so với năm trước. Riêng quý 1, doanh nghiệp ước doanh thu 62 tỷ đồng và lỗ 180 triệu đồng. Mặc dù hoạt động kinh doanh không thật sự nổi bật, từ 2003 đến nay, BPC chưa từng bị lỗ, mức lãi ghi nhận theo quý từ vài chục triệu đồng đến vài tỷ đồng.

Cao su Tân Biên (UPCoM: RTB) vừa công bố kế hoạch lỗ sau thuế của công ty mẹ là 9 tỷ đồng trong quý đầu năm, cùng kỳ năm trước lãi 38 tỷ đồng.

Doanh nghiệp đề ra kế hoạch lỗ trong bối cảnh giá cao su dù có sự phục hồi so với thời điểm cuối năm 2022 nhưng giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu cao su cho đến giữa tháng 2 giảm 8% về lượng và 27% về giá trị (theo số liệu của Tổng cục Hải quan).

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới và cũng là đối tác nhập khẩu cao su lớn nhất của nước ta. Do vậy, những chính sách của quốc gia này đối với dịch bệnh có ảnh hưởng lớn đến thị trường cao su và giá cao su trên thế giới. Đầu năm nay, Trung Quốc đã dỡ bỏ chính sách Zero-COVID, mở cửa trở lại. VNDirect đánh giá đây là cơ hội rất tốt cho giá và xuất khẩu cao su hồi phục. Mặt khác, một số nước sản xuất cao su lớn như Thái Lan, Malaysia sẽ hạn chế diện tích trồng cao su, dẫn tới nguồn cung cao su toàn cầu thiếu hụt 290,000 tấn vào năm 2023 và khoảng 400,000 tấn vào năm 2024.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại