Nhận định chứng khoán 28/6: Rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao
Thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm trong phiên hôm nay 28/6. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao trong bối cảnh thanh khoản suy yếu, cùng với đó là tâm lý nhà đầu tư vẫn đang bi quan với diễn biến thị trường hiện tại, tuy nhiên, đây chỉ là nhịp hồi kỹ thuật và mức chiết khấu của thị trường vẫn chưa quá hấp dẫn trong ngắn hạn.
VN-Index tiếp tục duy trì trong kênh tích lũy ngắn hạn 1.250 - 1.300 điểm
Sau phiên kiểm định vùng hỗ trợ 1.250 điểm và phục hồi hôm qua, diễn biến giao dịch trong phiên hôm nay khá nhàm chán khi VN-Index biến động trong biên độ hẹp cùng thanh khoản thấp, VN-Index đóng cửa -2,15 điểm (-0,17%) tại mốc 1.259,09 điểm. HNX-Index kết phiên giao dịch ngày 27/6 tại mốc 240,07 điểm (+0,39 điểm, tương ứng +0,16%). Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 167 cổ phiếu giảm giá, 137 cổ phiếu tăng giá, 70 cổ phiếu tham chiếu tại HOSE. HNX giao dịch với 74 cổ phiếu tăng giá, 67 cổ phiếu tham chiếu và 91 cổ phiếu giảm giá. Thanh khoản trên cả 2 sàn sụt giảm so với phiên giao dịch trước đó khi khối lượng khớp lệnh -20,2% tại HOSE và -1,7% tại HNX.
Nhóm ngành nổi bật đóng góp cho điểm số của thị trường phiên 27/6 là Phân bón với các mã DCM (+1,63%), DPM (+0,54%), LAS (+2,62%)... Ngoài ra, một số nhóm cổ phiếu khác cũng có diễn biến ấn tượng là Bảo hiểm, tiêu biểu có BVH (+2,79%), cổ phiếu MIG tăng gần kịch biên độ (+6,74%), BMI +1,18%), BIC (+1,08%)... Mặc dù, Quốc hội sáng 27/6 quyết định cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông, tuy nhiên, nhóm cổ phiếu Bia lại có sự phục hồi với BHN (+3,59%), SAB (+1%)...
VN-Index đóng cửa phiên 27/6 giảm 2,15 điểm (-0,17%) về mốc 1.259,09 điểm
Ghi nhận trong phiên 27/6, một số ngành khác chứng kiến nhiều mã giảm điểm như ngành Dầu khí, Chứng khoán... Cổ phiếu POW (-3,59%) phiên 27/6 chịu áp lực chốt lãi mạnh đặc biệt từ khối ngoại và là mã giảm mạnh nhất trong nhóm VN30. Nhóm ngành Bất động sản có một phiên giao dịch phân hóa, cụ thể là DIG (+3,42%), PDR (+1,25%), NVL (+1,88%), KDH (+1,35%) tuy nhiên, có sự điều chỉnh đến từ HDG (-0,52%), VIC (-0,49%), NTL (-0,21%), TCH (-0,26%)... Diễn biến tương tự cũng diễn ra trong nhóm Ngân hàng điển hình như: TCB (-2,3%), STB (-1%), SSB (-1,7%)… trong khi MBB, VCB, VPB, CTG tham chiếu và HDB (+1,1%) tăng.
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trong ngắn hạn, VN-Index tiếp tục duy trì trong kênh tích lũy ngắn hạn 1.250 điểm -1.300 điểm. Điểm cân bằng của kênh tích lũy này là vùng kháng cự quanh 1.280 điểm, giá trung bình 20 phiên. Như vậy, sau phiên giảm mạnh, hiện tại VN-Index sẽ tích lũy kém tích cực trong biên độ hẹp, với vùng kháng cự gần nhất 1.270 điểm, và thị trường chốt NAV quí II/2024 trong cuối tuần này.
Xu hướng trung hạn, VN-Index duy trì tích lũy tích cực trong vùng 1.245- 1.255 điểm đến 1.300 điểm, nữa trên của kênh 1.180 điểm - 1.200 điểm đến 1.300 điểm, mở rộng lên 1.320 điểm. Trong đó, 1.200 điểm là vùng giá cao nhất năm 2018, 1.300 điểm - 1.320 điểm là vùng giá cao nhất tháng 6, 8/2022. Điểm cân bằng của kênh tích lũy trung hạn là vùng 1.245 điểm - 1.255 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất năm 2023.
“Trong ngắn hạn, với diễn biến hiện tại và khi thị trường đang trong giai đoạn chốt NAV Quí II, cập nhật lại các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp. Nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỉ trọng hợp lý. Nhà đầu tư trung - dài hạn nắm giữ danh mục hiện tại, các vị thế xem xét gia tăng tỉ trọng mới, cần đánh giá cẩn trọng hơn dựa trên kết quả kinh doanh quí II và triển vọng cuối năm của các doanh nghiệp đầu ngành, khi quí II/2024 đang dần kết thúc. Trường hợp tỉ trọng dưới mức trung bình có thể xem xét giải ngân các mã đang có thanh khoản gia tăng tốt trở lại. Mục tiêu là các mã cổ phiếu đầu ngành, dự báo có có kết quả kinh doanh triển vọng tích cực trong cuối năm”, chuyên gia của SHS lưu ý.
Rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), thị trường tiếp diễn đi ngang với thanh khoản thấp cho thấy nguồn cung tại vùng MA50. Trong phiên, thị trường tiếp tục quán tính giảm điểm nhưng thanh khoản không gia tăng theo hướng diễn biến tiêu cực và dần thu hẹp đà giảm trong phiên chiều.
Rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao
“Việc thanh khoản duy trì ở mức thấp cũng vẫn là yếu tố đáng lo ngại trong ngắn hạn nên nếu thị trường trở lại diễn biến tiêu cực hơn đi kèm với thanh khoản gia tăng, nhà đầu tư cần đề cao quản trị rủi ro. Do đó, nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát và tránh bán hoảng loạn trong phiên”, chuyên gia của ASEANSC cho hay.
Cùng quan điểm, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm trong phiên hôm nay 28/6. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao trong bối cảnh thanh khoản suy yếu, cùng với đó là tâm lý nhà đầu tư vẫn đang bi quan với diễn biến thị trường hiện tại, tuy nhiên, đây chỉ là nhịp hồi kỹ thuật và mức chiết khấu của thị trường vẫn chưa quá hấp dẫn trong ngắn hạn.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm Do đó, các nhà đầu tư có thể tiếp tục cơ cấu danh mục và hạ dần tỷ trọng cổ phiếu về mức 40-45% danh mục, đặc biệt các nhà đầu tư chưa nên mua mới trong giai đoạn này”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường