Nhà đầu tư thờ ơ với “cổ than”
Dù cổ phiếu than đã tăng mạnh từ đầu năm, nhưng trong mắt nhiều nhà đầu tư, đây chỉ là cuộc chơi “nội bộ”.
“Cổ phiếu đặc thù”
“Ngành than là câu chuyện giao khoán của Tập đoàn và công ty con, làm nhiều làm ít, giá than thế giới tăng giảm hay không cơ bản cũng chẳng tác động gì đến doanh nghiệp. Cổ phiếu kiểu “được chăng hay chớ” đó là lý do tôi chẳng thấy có chút hấp dẫn nào để đầu tư”.
Đây là đánh giá của nhà đầu tư Thế Đạt khi được phóng viên hỏi về cổ phiếu than. Nhà đầu tư này cũng cho hay, giai đoạn mới tham gia đầu tư chứng khoán, anh cũng từng tìm hiểu về cổ phiếu than, nhưng sau đó, phát hiện ra đây là lĩnh vực hiếm hoi mà dù được niêm yết nhưng cổ phiếu lại chẳng mang tính thị trường, nên từ đó, anh cũng không quan tâm đến cổ phiếu nhóm này.
Còn theo nhà đầu tư Hoàng Giang, các doanh nghiệp than đã niêm yết trên sàn chứng khoán chỉ là đơn vị khai thác theo kế hoạch của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), giá than cũng do Tập đoàn mẹ ấn định. Nói cách khác, các doanh nghiệp được TKV đặt hàng và hạch toán doanh thu vào từng công ty thành viên, tính tự quyết hầu như không có, diễn biến giá thị trường thế giới không có nhiều tác động đến giá than trong nước, bởi các hợp đồng thường là ký dài hạn, bởi vậy, cổ phiếu than hầu như không mang tính thị trường.
Thậm chí với các lý do trên, nhà đầu tư này còn cho rằng, than là ngành không nên có trên thị trường chứng khoán.
Ít tính thị trường...
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tính đến tháng 10/2021, giá than trung bình thế giới đã tăng mạnh 110% so với cùng kỳ và 75% so với đầu năm, lập kỷ lục cao nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, theo đánh giá từ Bộ Công Thương, giá than trong nước thường chỉ điều chỉnh khi có mức tăng lớn về chi phí sản xuất và chỉ diễn ra 3 - 4 năm/lần. Trong năm 2021, giá than trong nước chưa điều chỉnh nhiều, mới chỉ có giá than cho sản xuất xi măng điều chỉnh tăng 9% trong tháng 8, còn giá than cho nhiệt điện vẫn giữ nguyên để giảm áp lực cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi Chính phủ đang yêu cầu hỗ trợ giá điện trong thời điểm dịch bệnh.
Theo đánh giá của SSI, chính sách giá than Việt Nam chịu sự quản lý chặt của Chính phủ, nên hầu hết ngành than chưa được hưởng lợi từ cơn sốt than hiện tại. Tổng doanh thu của đơn vị sản xuất lớn nhất là TKV trong 9 tháng đạt 94.600 tỷ đồng (tăng 2,1% so với cùng kỳ), nhưng sản lượng than tiêu thụ chỉ đạt 29,6 triệu tấn (giảm 1,3% so với cùng kỳ) do tình hình giãn cách xã hội kéo dài và huy động nhiệt điện giảm sút vì sản lượng điện tái tạo tăng mạnh.
Tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp khai thác than niêm yết trong nửa đầu năm 2021 lần lượt đạt 10.600 tỷ đồng (giảm 1,7%) và 115 tỷ đồng (giảm 8,2% so với cùng kỳ).
Dù vậy, SSI cũng cho rằng, sang năm 2022, ngành than sẽ có nhiều dấu hiệu tích cực khi giá than trong nước dự kiến điều chỉnh tăng từ 10 - 15% do chi phí sản xuất than của TKV và Đông Bắc đã tăng cao trong năm 2021 và nhu cầu từ nhiệt điện bắt đầu phục hồi trở lại khi giãn cách xã hội được nới lỏng.
Giai đoạn vừa qua, cổ phiếu ngành than có sự biến động khá mạnh, và theo quan điểm của không ít nhà đầu tư, thì điều này chủ yếu đến từ tâm lý nhà đầu tư và việc “người trong ngành” thực hiện các giao dịch nội bộ, thậm chí có cả câu chuyện lái thị trường là chủ yếu, nên đã tạo ra sự biến động như vậy.
“Cổ phiếu than theo tôi thấy không có nhiều nhà đầu tư ngoài ngành mua, chủ yếu là lãnh đạo các doanh nghiệp ngành than và một phần từ các công ty chứng khoán cầm giữ để tự doanh”, nhà đầu tư Hoàng Giang đánh giá.
…Nên thiếu hấp dẫn
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Smart Invest (AAS) cho rằng, cũng như điện, xăng dầu, than là lĩnh vực kinh doanh đặc thù, nhiều khi được trợ giá để đảm bảo các mục tiêu chung, nên mức biến động giá không được nhanh, nhiều như kỳ vọng của các nhà đầu tư, điều này lý giải cho sự kém hấp dẫn của cổ phiếu than.
Ông Khánh đánh giá, với cơ chế giá như hiện tại thì ngành than không tạo ra lợi nhuận cho các cổ phiếu than (theo giá than thế giới). Trên thực tế, ngành than cũng đang đối mặt với không ít khó khăn khi trữ lượng than lộ thiên không còn nhiều, sản lượng than phụ thuộc nhiều vào việc khai thác than hầm lò với chi phí lớn, hiệu suất thấp,… khiến giá than bị đội lên nhưng kỳ vọng cho cổ phiếu than lại vẫn không được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao.
Lý giải rõ hơn về việc cổ phiếu ngành than còn kém hấp dẫn, theo ông Khánh thì nguyên nhân chính đến từ việc cổ phiếu than mang tính đầu cơ nhiều hơn, đây dường như là sân chơi riêng của người nhà lãnh đạo công ty. Cùng với đó là các nguyên nhân khác như thanh khoản thấp, tính thị trường không cao, nhiều nhà đầu tư không hiểu cơ chế vận hành của ngành,… khiến cho cổ phiếu than chưa được quan tâm.
Cổ phiếu |
GIÁ NGÀY 4/1 (đồng/cổ phiếu |
GIÁ NGÀY 23/11 (đồng/cổ phiếu) |
Mức tăng |
TVD |
7.230 |
14.600 |
101% |
HLC |
7.000 |
14.700 |
110% |
TDN |
7.750 |
15.500 |
100% |
MDC |
6.800 |
14.300 |
110% |
THT |
7.760 |
14.600 |
88% |
TC6 |
4.810 |
13.600 |
182% |
NBC |
6.090 |
21.500 |
253% |
Về dài hạn, ông Khánh thẳng thắn, để cổ phiếu than mang nhiều hơn “chất” thị trường là câu chuyện ở tầm vĩ mô. Tuy nhiên, có thể nhìn vào thực tế hiện nay là cơ chế giá cố định khiến động lực gia tăng lợi nhuận không có; cách vận hành của ngành than hiện nay cũng khiến khả năng dự báo, chủ động của lãnh đạo doanh nghiệp ngành than còn hạn chế, tính thị trường chưa cao… Từ thực tế này, nếu muốn để các cổ phiếu ngành than có thêm sức hấp dẫn thì có thể tập trung tháo gỡ từ những nút thắt này.
Còn theo ông Đỗ Khoa, tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC), giá trị gia tăng của cổ phiếu các ngành như than, điện, dầu khí không cao vì chủ yếu là khai thác tài nguyên để bán và giá do Nhà nước điều hành, bị khống chế biên độ.
Ông Khoa ví dụ, từ 10 năm trước, REE đầu tư nhiều vào các ngành thiết yếu, nhưng do giá điện, nước bị khống chế, mức tăng thấp nên doanh nghiệp hưởng lợi không đáng kể và dần phản ánh vào giá cổ phiếu.
Chia sẻ thêm về việc có những giai đoạn cổ phiếu than vẫn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, ông Khoa cho rằng, có những công ty chứng khoán thực hiện tư vấn cho doanh nghiệp than khi niêm yết, khi thanh khoản không hết nên các công ty chứng khoán cũng phải “ôm” một phần, và khi thị trường tốt thì sẽ đem các cổ phiếu này ra bán, tạo nên các con sóng nhỏ.
Là người có nhiều năm theo dõi thị trường, ông Khoa cho biết, cá nhân ông cũng không đánh giá cao cổ phiếu ngành than, hiện thị trường còn rất nhiều cổ phiếu khác có thể chọn lựa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường