Nâng chất lượng, thêm sản phẩm đầu tư để thu hút dòng vốn mới cho thị trường chứng khoán
Nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng kỷ lục trên thị trường chứng khoán trong 7 tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên thị trường Việt Nam vẫn có cơ hội để thu hút dòng vốn quay lại, thậm chí là tăng thêm, nhưng điều đó cần sự chủ động tạo câu chuyện hấp dẫn mới...
Trước sức ép tỷ giá và hiệu suất VN-Index không được như mong đợi, khối ngoại đã có một năm bán ròng lịch sử trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, khối ngoại đã bán hơn 59.000 tỷ đồng, đây là con số chưa từng có trong suốt 24 năm hình thành và phát triển thị trường chứng khoán.
Mặc dù vậy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi chia sẻ với các doanh nghiệp nội địa, họ đánh giá rất cao thị trường Việt Nam với nhiều điểm hấp dẫn để đầu tư. Trên thực tế, nhóm này đã giảm đà bán ròng và quay lại mua ròng 421 tỷ đồng trong tuần giao dịch đầy biến động vừa qua.
VIỆT NAM VẪN LÀ ĐIỂM ĐẦU TƯ HẤP DẪN
Chia sẻ tại một cuộc tọa đàm về chứng khoán cuối tuần qua, bà Lê Thị Lệ Hằng, Giám đốc chiến lược Công ty chứng khoán SSI, cho hay sau chuyến công tác vừa qua cũng như trước đó của bà Hằng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá thị trường Việt Nam có tiềm năng tăng trường rất lớn nhờ dân số trẻ, GDP tăng trưởng cao nhất so với các thị trường láng giềng. Hơn nữa, chúng ta còn có nguồn vốn FDI dồi dào.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng có những hạn chế như thị trường phải ký quỹ 100% trước khi giao dịch, điều này dẫn đến rất nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, tỷ lệ room nước ngoài chưa cao cũng là một rào cản cho các nhà đầu tư nước ngoài.
"Thật sự, các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Trong năm nay, ước tính khoảng 2 tỷ USD vốn ngoại rút ra, nếu thị trường được nâng hạng sẽ thu hút được khoảng 2 tỷ USD tiền vào. Tuy nhiên, thường thị trường sẽ đi trước một bước nên khi chỉ cần nhìn thấy khả năng được lên hạng của FTSE là chúng ta có thể nhìn thấy dòng tiền vào", bà Hằng nói.
Ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP (KBC) cũng chia sẻ, trong quá trình công tác ở New York, ông gặp nhiều doanh nghiệp lớn và thấy rằng họ đều muốn đến Việt Nam để đầu tư. Họ nghe nói Việt Nam đang như “thiên đường đầu tư” trong bối cảnh khắp nơi trên thế giới đều chao đảo.
"Việt Nam hiện đang là cái nôi xuất khẩu cho thế giới. Nếu ông Donald Trump làm tổng thống sẽ áp thuế nhiều hơn cho một số quốc gia, nhưng không phải với Việt Nam. Ngược lại, Hoa Kỳ sẽ mở cửa hơn nữa với Việt Nam. Chúng ta đã ký rất nhiều hiệp định thương mại với Hoa Kỳ, châu Âu, châu Phi… điều quan trọng là Việt Nam phải mạnh dạn mở rộng đầu tư, mở rộng thị trường", ông Tâm nói.
"Là doanh nghiệp, chúng tôi nhìn nhận một thị trường chung như vậy và thấy càng khó khăn doanh nghiệp càng phải vươn lên mạnh mẽ hơn nữa để tìm ra lối đi cho mình. Chính sách của Đảng và Nhà nước hiện nay đã tốt hơn rất nhiều so với trước đây, doanh nghiệp không được phép ngồi yên chờ đợi, càng khó khăn càng phải bật dậy, đó mới là tinh thần của Việt Nam. Quan trọng nhất, trong cuộc chiến này mình phải chiến thắng", vị này nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, theo bà Hằng, Việt Nam đang ở thế được hưởng lợi rất nhiều từ việc nhiều tập đoàn sản xuất lớn trên thế giới dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam và sau khi mối quan hệ Việt Nam và Mỹ được nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện cũng khiến kỹ năng công nghệ của chúng ta được phát triển rất nhiều.
Về triển vọng các nhóm ngành, theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng giám đốc TCBS, các công ty trong ngành hàng tiêu dùng (consumer) vẫn sẽ được hưởng lợi. Những công ty về công nghệ đã tăng trưởng khá nhiều trong thời gian vừa qua. Một vấn đề nữa về đầu tư công, về FDI .. chúng ta sẽ phải chi rất nhiều về đầu tư công. Mặc dù Chính phủ đã kêu gọi giải ngân rất nhiều, tuy nhiên tỷ lệ thực hiện vẫn chưa được đúng như theo kỳ vọng. Điều này cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các ngành liên quan. Dĩ nhiên, đầu tư công cũng sẽ kéo theo ngành vật tư xây dựng cùng đi theo và có thêm cơ hội.
TẠO MÔ HÌNH SANDBOX TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN?
Việc thiếu hàng hóa chất lượng cũng là một trong những lý do khiến khối ngoại dè dặt vào thị trường Việt Nam. Theo bà Hằng, trong những năm vừa rồi, thị trường không có nhiều lựa chọn mới. Đơn cử như nhìn vào rổ VN30 chưa có thêm doanh nghiệp nào mới. Điều này dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài dù có muốn phân bổ nhiều vào thị trường Việt Nam ngay họ cũng sẽ phải chờ, cũng như chờ được nới room để có nhiều thanh khoản hơn.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng giám đốc TCBS, cho rằng nếu ngày xưa kênh đầu tư chỉ có thị trường bất động sản và tiền gửi, sau đó có thị trường cổ phiếu và những năm gần đây có thêm thị trường trái phiếu, chứng chỉ quỹ và sẽ sớm thôi, nhất là sau khi thị trường được nâng hạng, chúng ta sẽ sớm có thêm những sản phẩm cấu trúc mới.
Việc đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa các kênh đầu tư là một xu thế tất yếu. Xu hướng thứ nhất là: Sẽ không chỉ cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ mà thị trường sẽ có thêm nhiều sản phẩm đầu tư khác và càng ngày tỷ trọng mà nhà đầu tư phân bổ vào tài sản tài chính sẽ nhiều hơn và sản phẩm phi tài chính sẽ giảm đi.
Xu hướng thứ hai – là xu hướng công nghệ. Như TCBS dùng công nghệ để đưa thông tin đến cho nhà đầu tư một cách nhanh nhất. Các nhà đầu tư bây giờ cũng sẽ cảm thấy bị thu hút nhất nếu có kênh tiết kiệm thời gian nhất cho họ... Tiếp nữa, giúp họ phân bổ tài sản để tối ưu hóa danh mục như thế nào.
"Khi nói chuyện với JICA, chúng tôi đã đưa đề xuất là chúng ta rất nên thí điểm bằng cách tạo nên một mô hình “sandbox”. Theo đó sẽ chọn ra một số công ty chứng khoán, định chế tài chính trung gian đủ tiềm lực để có thể thí điểm tạo ra một số sản phẩm cấu trúc cho thị trường. Nhà đầu tư cũng vậy, chúng ta phải chọn những nhà đầu tư rất am hiểu thị trường để có thể đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Trên cơ sở đó sẽ thí điểm một số sản phẩm mới cho thị trường. Chỉ có cách đó mới giúp thị trường của chúng ta bắt kịp các thị trường khác trong khu vực", bà Hiền nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận