Mùa tăng vốn “khủng” của các ngân hàng
Trong nội dung họp đại hội đồng cổ đông các ngân hàng năm nay, điểm chung là tăng vốn “khủng” qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Tăng vốn “khủng”
Năm 2022, SeABank sẽ tăng vốn điều lệ từ 16.598 tỷ đồng lên 22.690 tỷ đồng để tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, nhằm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ thông qua các hoạt động: phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ, nhân viên năm 2022 (ESOP 2022) và phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Cụ thể, SeABank dự kiến phát hành 321,1 triệu cổ phiếu phổ thông mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, trong đó 211,4 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 12,7%) để trả cổ tức năm 2021 và phát hành 109,7 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 6,6%) cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Nếu phương án này được thông qua, thì mỗi cổ đông SeABank sẽ được nhận cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu với tổng tỷ lệ gần 20%.
Đối với phương án phát hành ESOP 2022, SeABank dự kiến phát hành 59,4 triệu cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên. Ngoài ra, tùy theo điều kiện phù hợp với mục tiêu đề ra, SeABank dự kiến chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài 228,7 triệu cổ phiếu.
Về kế hoạch tăng vốn điều lệ, MB cho biết, sẽ tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ thêm 892,4 tỷ đồng đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021. Theo đó, Ngân hàng sẽ phát hành 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Viettel và 19,24 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP.
Đồng thời, MB phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 (tương đương tỷ lệ 20% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành tại thời điểm ngày 31/12/2021), qua đó tăng vốn điều lệ thêm 7.556 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2022.
Ngoài ra, MB cũng có kế hoạch chào bán thêm 65 triệu cổ phiếu riêng lẻ mới. Giá thỏa thuận không thấp hơn giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính được kiểm toán tại thời điểm gần nhất. Thời gian thực hiện chào bán trong năm 2022 và 2023. Vốn điều lệ tăng thêm dự kiến là hơn 9.099 tỷ đồng, được sử dụng bổ sung vốn đầu tư tăng năng lực và vốn kinh doanh cho MB.
Năm 2022, MB dự kiến tổng tài sản tăng 15%, lên 700.000 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng 24%, lên 46.882 tỷ đồng. Cùng với đó, dư nợ tín dụng tăng khoảng 16%, lên 472.600 tỷ đồng và theo giới hạn room mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao.
Chia cổ tức bằng cổ phiếu
Tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận và không chia cổ tức bằng tiền mặt để hạ thêm lãi suất cho vay. Các ngân hàng cũng “chuộng” phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu giúp tăng vốn, nâng cao tỷ lệ an toàn vốn, tăng tín dụng.
Ngày 7/4, HĐQT Ngân hàng ACB trình cổ đông kế hoạch tăng vốn qua phát hành cổ phiếu thông qua chia cổ tức năm 2021 tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên hơn 33.700 tỷ đồng. MSB cũng trình Đại hội đồng cổ đông qua việc chia cổ tức tỷ lệ 30% cho năm 2021. Đại hội đồng cổ đông của VIB đã thông qua trả cổ tức, thưởng cổ phiếu tỷ lệ 35%, đồng thời phát hành 0,7% vốn cho cán bộ, nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu, nâng vốn điều lệ lên 21.000 tỷ đồng.
Với ngân hàng quốc doanh, trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông sắp tới, Vietcombank sẽ trình phương án tăng vốn điều lệ năm 2022. Đầu năm nay, Ngân hàng đã hoàn thành phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 27,6%. Sau phát hành, vốn điều lệ của Ngân hàng nâng lên hơn 47.300 tỷ đồng.
BIDV vừa hoàn thành trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25,7%, nâng vốn điều lệ lên 50.585 tỷ đồng. BIDV có kế hoạch phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới, tương đương 8,5% vốn điều lệ qua chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, nhưng chưa thực hiện.
Ngoài ra, VPBank kỳ vọng sẽ hoàn tất giao dịch bán 15% cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài trong nửa đầu năm 2022. Sau thương vụ bán vốn FE Credit, ngân hàng này sẽ có điều kiện mở rộng hoạt động kinh doanh nhờ có nguồn vốn dồi dào. VPBank cũng đã hoàn tất việc lấy ý kiến cổ đông về điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,5% vốn điều lệ.
TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính đánh giá, cuộc đua tăng vốn điều lệ của ngân hàng sẽ chưa dừng lại, thậm chí có thể diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm 2022. Tốc độ tăng trưởng tín dụng gia tăng thì tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu cũng phải tương ứng để giúp các ngân hàng có bộ đệm vốn lớn hơn, vừa duy trì đà tăng trưởng hiện tại, vừa đáp ứng biên độ an toàn vốn lớn hơn ở giai đoạn tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận