Loạt lãnh đạo MWG, HSG, BCG... chia sẻ kế hoạch IPO các công ty con
Bên cạnh các vấn đề về cổ tức, kinh doanh, cổ đông cũng đặc biệt quan tâm đến kế hoạch IPO, niêm yết, chuyển sàn cho các công ty con của doanh nghiệp.
CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã HSG) đã lên kế hoạch chuyển đổi các công ty con từ mô hình công ty TNHH sang công ty cổ phần. Theo đó, Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ sẽ chuyển đổi thành CTCP Ống thép Hoa Sen, tiếp nhận toàn bộ hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh ống thép.
Sau khi hoàn tất chuyển đổi, tiếp nhận mảng ống thép và kinh doanh có lợi nhuận, HSG sẽ tiến tới phương án phát hành cổ phiếu ra đại chúng và niêm yết cổ phiếu Ống thép Hoa Sen trên thị trường chứng khoán. Thời gian thực hiện chủ trương tái cấu trúc này là từ 1-5 năm.
Cùng với đó, HSG cũng dự kiến chuyển đổi hệ thống Hoa Sen Home thành CTCP Hoa Sen Home đồng thời phát hành, niêm yết cổ phiếu Nhựa Hoa Sen trên thị trường chứng khoán.
Theo Chủ tịch Tập đoàn Lê Phước Vũ, các nhà đầu tư sẽ không còn chỉ so sánh cổ phiếu HSG với các cổ phiếu cùng ngành khác như HPG, NKG... mà sẽ có thêm nhiều cổ phiếu khác trong hệ sinh thái của Hoa Sen.
Tại ĐHCĐ kết thúc cách đây không lâu, CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (Mã BCG - HoSE) cũng dự kiến đưa 2 công ty trong hệ sinh thái lên sàn chứng khoán trong thời gian tới là CTCP BCG Energy và CTCP Bảo hiểm AAA.
Đối với BCG Energy, Bamboo Capital đã hạ tỷ lệ kiểm soát và tỷ lệ lợi ích từ 82,18% (quý III/2023) xuống còn 50,66% (quý I/2024). BCG đã lên kế hoạch IPO và và niêm yết, đại chúng hoá BCG Energy từ đầu năm 2023 và hiện vẫn đang trong lộ trình thực hiện.
Về phần Bảo hiểm AAA, BCG cho biết đang triển khai thực hiện hồ sơ tăng vốn điều lệ và đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống UPCoM.
Trước đó, vào cuối năm 2023, BCG đã thành công đưa CTCP BCG Land (Mã BCR) lên hệ thống giao dịch UPCoM.
Tại ĐHCĐ của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã MWG - HoSE), Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài cho biết, chuỗi Bách Hoá Xanh (BHX) không còn trong giai đoạn bù lỗ, chỉ tập trung phát triển và sẽ thực hiện niêm yết công ty con đang sở hữu Bách hoá Xanh theo cam kết với nhà đầu tư.
"Bách hoá Xanh khi đủ lớn, có lợi nhuận vài nghìn tỷ đồng sẽ có thể bước lên sàn chứng khoán", Chủ tịch MWG cho biết.
Hay như tại ĐHCĐ sáng ngày 20/4, khi được hỏi về kế hoạch bán vốn của công ty trong năm 2024 và kế hoạch IPO các công ty con, ông Nguyễn Huy Đức - Giám đốc Tài chính CTCP Đầu tư Nam Long (Mã NLG - HoSE) cho biết: "Chuyển nhượng vốn thành phần tại dự án là hoạt động thường niên của Nam Long để có dòng tiền nhanh hơn. Chúng ta đầu tư ban đầu, sau đó mời đối tác vào và cùng triển khai. Các dự án đang triển khai hiện nay đều do Nam Long sở hữu trên 65% nên khả năng bán vốn là có và đây là một trong những chiến lược huy động vốn của chúng ta sau này.
Trong ba năm tới, chúng tôi tính công ty có thể huy động khoảng 6.000 tỷ đồng từ bán vốn cộng với bán các tài sản không cốt lõi, không nằm trong chiến lược lâu dài. Việc bán tùy thuộc vào điều kiện thị trường, đàm phán cho nên xác định thời điểm không phải dễ dàng, chúng ta chỉ có thể kỳ vọng huy động được đâu đó khoảng 6.000 tỷ đồng. Đây là nguồn dồi dào để chúng ta đầu tư lâu dài, liên quan đến M&A, phát triển dự án.
Tương tự, việc Nam Long có niêm yết công ty con hay không tương đối mở, phụ thuộc vào việc nhìn nhận của thị trường đối với các công ty con này. Chúng tôi thành lập Nam Long Land để tập trung hoàn toàn vào việc phát triển dự án đô thị, còn Nam Long Commercial Property cung cấp dịch vụ quản lý tài sản, bất động sản thương mại. Đây là hai trụ cột tăng trưởng của Nam Long. Việc IPO như thế nào, giá trị nằm ở đâu phụ thuộc vào việc chúng ta triển khai như thế nào, đi từng bước một. Nếu phản ứng thị trường tốt thì lúc đó chúng ta sẽ cân nhắc đến việc này.
Ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh, Tổng Giám đốc nhấn mạnh thêm: "Về việc IPO các công ty chủ lực ở phía dưới, đây vẫn còn là sự cân nhắc của Ban giám đốc. Để tối ưu hóa nguồn vốn của tập đoàn, khi các công ty này lớn hơn và vững vàng hơn thì Ban Giám đốc sẽ xem xét đến và chúng tôi sẽ tự tin chia sẻ thông tin với cổ đông nhiều hơn".
Bên cạnh kế hoạch niêm yết, CTCP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer (Mã MCH - UPCoM) mới đây cũng đã công bố tờ trình về việc niêm yết toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành của công ty trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE). Trước đó, MCH đã chào sàn UPCoM vào năm 2017.
Năm 2024, công ty đặt mục tiêu mang về doanh thu 31.500 - 34.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 7.300 - 7.500 tỷ đồng, đều tăng nhẹ so với thực hiện năm 2023.
Khoản lợi nhuận sau thuế 7.194 tỷ đồng năm 2023 đã được dùng 3.224 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức bằng tiền vào tháng 8/2023, tỷ lệ 45%. Như vậy, sắp tới MCH sẽ tiếp tục trả cổ tức 5.500 đồng/cp cho cổ đông (tỷ lệ 55%) để hoàn tất tỷ lệ đã được thông qua.
Được biết, tại ngày 31/12/2023, lợi nhuận lũy kế chưa phân phối của Masan Consumer là 16.124 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận