Loạt doanh nghiệp ngành phân bón lãi bằng lần trong quý đầu năm 2022
Sản xuất kinh doanh hiệu quả khi giá phân bón tăng phi mã giúp lợi nhuận quý I của DN phân bón tăng trưởng ấn tượng, thậm chí cán đích lợi nhuận cả năm chỉ sau 1 quý
Kết thúc quý I/2022, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) ghi nhận doanh thu ước đạt 16.837 tỷ đồng, tăng 36,7% so cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận hợp nhất của toàn Tập đoàn trong tháng 3 ước lãi 1.354 tỷ đồng; lũy kế quý I ước lãi 2.243 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận của 3 đơn vị là Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Vinachem lũy kế ba tháng đầu năm ước lãi 1.510 tỷ đồng.
Năm nay, Vinachem đặt mục tiêu 52.230 tỷ đồng tổng doanh thu, bằng 98,2% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 1.810 tỷ đồng, giảm 15% so với năm ngoái. Với kết quả trên, Tập đoàn đã vượt 24% kế hoạch lợi nhuận cho cả năm.
Tương tự, Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (HoSE: DGC) cũng công bố kết quả kinh doanh quý I cũng cho thấy nhiều chỉ số tăng trưởng tốt.
Theo đó, Tập đoàn ghi nhận tổng doanh thu đạt 3.634 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2021; nhuận sau thuế đạt 1.506 tỷ đồng, gấp 5,2 lần so với lợi nhuận quý I/2021. Đây tiếp tục là kỷ lục mới của tập đoàn này ghi nhận được trong một quý.
Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 12.117 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.500 tỷ đồng, vượt lần lượt 26% và 39% so với kết quả năm ngoái. Như vậy, kết thúc quý I, Hoá chất Đức Giang đạt 30% doanh thu còn lợi nhuận sau thuế hoàn thành 43,1% mục tiêu cả năm.
Là doanh nghiệp lớn trong ngành, Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - HoSE: DPM) cũng không nằm ngoài cuộc đua khi ghi nhận doanh thu thuần gấp 3 lần cùng kỳ, ở mức 5.829 tỷ đồng.
Mức tăng của các chi phí đều thấp hơn mức tăng doanh thu nhiều nên lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 2.126, gấp 12 lần so với số lãi 179 tỷ đồng ghi nhận trong quý I/2021. Đây tiếp tục là mức lợi nhuận kỷ lục của Đạm Phú Mỹ. So với kế hoạch năm là 11.059 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 945 tỷ đồng, doanh nghiệp phân bón này đã thực hiện gần 53% mục tiêu doanh thu và gấp 2,2 lần chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Dù Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau – HoSE: DCM) chưa công bố kết quả kinh doanh I, song theo ước tính của VNDirect, lợi nhuận trước thuế của Đạm Cà Mau đạt 1.000 tỷ đồng, tăng hơn 6 lần cùng kỳ. Theo kế hoạch, năm nay, Đạm Cà Mau sẽ hoàn thiện các dự án chuyển tiếp trong năm 2022.
Đồng thời để đảm bảo việc mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ cho định hướng phát triển lâu dài, Đạm Cà Mau cũng lên kế hoạch đầu tư kho đầu mối Long An, nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, nhà máy khí hóa than và trụ sở trạm liên lạc tại Tp.HCM trong năm nay.
Thực tế trong năm qua, nhiều doanh nghiệp phân bón lớn ở phía Nam như Phân bón Bình Điền, Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau vẫn chịu áp lực chi phí tăng cao do triển khai sản xuất 3 tại chỗ, chi phí logistic... Nhưng nhờ diễn biến giá phân bón thuận lợi, hầu hết các doanh nghiệp đều báo lãi lớn cả năm 2021.
Sang quý I/2022, nguyên nhân chính giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành này báo lãi lớn là nhờ hoạt động sản xuất và kinh doanh triển khai tốt trong lúc giá phân bón tăng cao. Đáng chú ý, giá nhiều loại phân bón trên thị trường thế giới tăng vọt trở lại từ cuối tháng 2/2022 đến nay do những căng thẳng địa chính trị Nga – Ukraine.
Nửa đầu tháng 3, giá phân bón đã tăng thêm 300 - 700 đồng/kg tùy loại và đây là đợt tăng giá lần thứ 3 từ đầu năm. Theo nhiều dự báo, giá phân bón sẽ còn tiếp tục tăng khi căng thẳng địa chính trị chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện 100% phân kali (MOP) ở Việt Nam là dựa vào nguồn hàng nhập khẩu. Thời gian tới mặt hàng kali từ Nga và Belarus sẽ tạm thời không có mặt tại Việt Nam, thay vào đó sẽ là kali từ Canada và Israel, trong khi đó Nga và Belarus chiếm hơn 40% lượng kali nhập khẩu của Việt Nam.
Dự báo, giá kali ở Việt Nam sẽ tăng trong những ngày qua do lo ngại nguồn cung kali bị thắt chặt trên thị trường thế giới bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga và Belarus cũng như căng thẳng Nga - Ukraine.
Mặc dù triển vọng ngành phân bón rất sáng sủa, song các chuyên gia phân tích VNDirect cũng khuyến cáo nhà đầu tư mua cổ phiếu phân bón phải theo dõi sát sao diễn biến giá phân bón liên quan đến các biến động địa chính trị xoay quanh cuộc chiến Nga – Ukraine. Bên cạnh đó, việc hạn chế xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung phân bón trong nước cũng là rủi ro tiềm ẩn với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận