Lãi của nhà băng tăng mạnh nhờ đầu tư chứng khoán
Nhờ hiệu quả từ hoạt động chứng khoán đầu tư, nhiều ngân hàng đã có cú "lội ngược dòng" chuyển từ lỗ sang lãi trong năm 2023. Không ít ngân hàng ghi nhận khoản lãi từ mảng này cả năm đạt đến hàng nghìn tỷ đồng.
Trong năm 2023, khi thu nhập lãi thuần của nhiều ngân hàng sụt giảm, đồng thời thu nhập từ mảng dịch vụ bán chéo bảo hiểm lao dốc, một nguồn thu nhập ngoài lãi lại có sự tăng trưởng mạnh "cứu" lợi nhuận của một số nhà băng, đó là lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư.
Điển hình, mảng chứng khoán đầu tư và chứng khoán kinh doanh đã đóng góp tới 36% vào thu nhập ngoài lãi cho ACB. Trong khi năm ngoái, khoản lỗ từ hai hoạt động trên tương đương 7% thu nhập ngoài lãi.
Tương tự, tại MSB, hoạt động chứng khoán đầu tư ghi nhận kết quả tích cực. Nếu như ở quý IV/2022, nhà băng này ghi nhận lỗ hơn 129 tỷ đồng từ mảng chứng khoán đầu tư thì sang quý IV/2023 đã "lội ngược dòng" chuyển thành lãi 281,7 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2023, MSB ghi nhận lãi gần 512 tỷ đồng từ hoạt động chứng khoán đầu tư.
Tại Bac A Bank, lãi từ chứng khoán đầu tư tăng lên gấp 3 lần năm trước đã giúp lợi nhuận ngân hàng tăng tới 60% trong quý IV/2023. Hoạt động này đã chiếm 49% thu nhập ngoài lãi của Bac A Bank trong năm 2023.
Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của BVBank cũng ghi nhận lãi hơn 122 tỷ đồng, nhờ doanh số mua bán trái phiếu (chủ yếu là trái phiếu chính phủ) tăng gần gấp đôi.
Lãi từ chứng khoán đầu tư của Techcombank và TPBank tăng gấp đôi năm trước mang về lần lượt 926 tỷ đồng, 856 tỷ đồng.
Một chuyên gia cho hay, trong cơ cấu chứng khoán đầu tư của các ngân hàng gồm rất nhiều các sản phẩm như trái phiếu, tín phiếu, giấy tờ có giá, cổ phiếu,... Nhưng trái phiếu thường là loại hình đầu tư phổ biến nhất và trái phiếu Chính phủ thường chiếm tỷ trọng cao nhất. Đây là loại tài sản có giá cả biến động ngược chiều với lãi suất.
Trong năm 2023, lãi suất có xu hướng giảm mạnh từ đầu năm nên giá trái phiếu tăng mạnh mang về lợi nhuận lớn cho các ngân hàng.
Thời điểm cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành thêm 1%/năm trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng chóng mặt trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu. Có những thời điểm, lãi suất trái phiếu Chính phủ tăng nóng, lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ 10 năm đẩy lên mức 4,65%/năm, kỳ hạn 15 năm là 4,8%/năm. Vì vậy, mặt bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ cuối năm 2022 tăng cao hơn so với đầu năm 2,3-4,1% tuỳ từng kỳ hạn.
Thời điểm đó, các ngân hàng đã chứng kiến lợi nhuận từ mua bán chứng khoán sụt giảm nhanh chóng và chịu lỗ trong quý IV/2022.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2023, lãi suất trái phiếu Chính phủ bắt đầu giảm dần, giúp các ngân hàng thu lợi từ mảng chứng khoán đầu tư. Theo Kho bạc Nhà nước, lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân năm 2023 là 3,21%/năm, giảm đáng kể khi mặt bằng lãi suất "neo" khá cao so với đầu năm (3,97%/năm).
Bên cạnh đó, lý do thứ hai khiến các ngân hàng thích “đổ tiền” vào trái phiếu Chính phủ, trái phiếu của tổ chức tín dụng và tín phiếu bởi do Chính phủ, ngân hàng và NHNN phát hành nên rủi ro rất thấp. Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp rủi ro cao, đặc biệt năm qua kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp không đáo hạn trái phiếu theo đúng thời hạn.
Tuy nhiên, theo dự báo của nhiều chuyên gia và các lãnh đạo ngân hàng, mức lợi nhuận đột biến từ mua bán chứng khoán của các ngân hàng có thể sẽ khó duy trì trong những quý tiếp theo do trong năm nay, NHNN không còn nhiều dư địa để giảm lãi suất điều hành bởi cơ quan quản lỳ còn nhiệm vụ bình ổn lạm phát và ổn định tỷ giá. Hơn nữa, lãi suất huy động trên thị trường hiện nay đã về mức “đáy”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận