Kỳ vọng dự án khủng, họ dầu khí "dậy sóng"
Trong một tháng trở lại đây (tính tới 13 tháng 9-2022), nhóm cổ phiếu dầu khí có diễn biến khởi sắc hơn hẳn thị trường chung với sắc xanh bao phủ hầu hết các mã trong ngành như mã PVS của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, mã PVD của Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí
Đáng chú ý là dường như đà tăng giá này không xuất phát từ các yếu tố khách quan thường thấy như giá dầu thế giới tăng vọt (trên thực tế, giá dầu thế giới đã quay đầu giảm hơn 20% từ giữa tháng 6 đến nay, có lúc xuống mức thấp hơn cả trước khi xảy ra chiến sự Nga – Ukraine).
Do đó, diễn biến tích cực của giá cổ phiếu dầu khí gần đây được cho là đến từ động lực khác, đó là dự án Lô B – Ô Môn tại Cần Thơ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỉ đô la Mỹ, bao gồm nhiều dự án thành phần từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn
Lô B – Ô Môn là đại dự án khí của Việt Nam nên sẽ không bị tác động nhiều từ các sự kiện địa chính trị trên thế giới. Nếu dự án này được triển khai, nhóm kỹ thuật dầu khí, thăm dò, khảo sát địa chất như PVS, PVD sẽ được hưởng lợi đầu tiên, do đây là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thượng nguồn và nhà thầu EPC (thiết kế – mua sắm thiết bị – xây dựng, vận hành).
Kỳ vọng sớm
Việt Nam phải phát triển được điện khí trong nước, đảm bảo đầu ra thì mới có thể bắt đầu hoạt động khai thác khí. Trong khi đó, dự án Nhiệt điện khí Ô Môn III (sẽ sử dụng nguồn cấp khí từ Lô B) chỉ vừa mới được thông qua chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, trong những quí sắp tới, các nền kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục tiêu thụ một lượng lớn các sản phẩm dầu khí. Dù rủi ro vẫn hiện hữu trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tiếp tục tăng cao, cùng với động thái tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, nhưng theo Công ty Chứng khoán HSC, vốn đầu tư vào dịch vụ E&P sẽ tăng mạnh.
Với vốn đầu tư cơ bản dự kiến là 10 tỉ đô la Mỹ, đại dự án khí Lô B – Ô Môn được kỳ vọng sẽ hồi sinh ngành dịch vụ E&P của Việt Nam và PVS sẽ hưởng lợi lớn nhất từ sự kiện này. Khi dự án Lô B – Ô Môn được thông qua, PVS được kỳ vọng sẽ nhận được hợp đồng tiềm năng trị giá 1,3 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2023-2025 với tư cách là nhà thầu EPC chính.
HẾT SỨC THẬN TRỌNG
Trong những năm qua, dự án Lô B – Ô Môn được đánh giá sẽ trở thành động lực và được các doanh nghiệp ngành dầu khí đặt nhiều kỳ vọng. Mặc dù vậy, dự án này đến nay vẫn chưa có thêm thông tin nào thật sự đáng giá, ngoài sự kiện Thủ tướng Chính phủ có chuyến công tác tại Cần Thơ vào tháng 6-2022, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thượng nguồn (Lô B) trong chuỗi dự án Lô B – Ô Môn.
Một căn cứ khiến chưa nhiều người tin vào việc dự án này sẽ sớm được triển khai là do Việt Nam phải phát triển được điện khí trong nước, đảm bảo đầu ra thì mới có thể bắt đầu hoạt động khai thác khí.
Trong khi đó, dự án Nhiệt điện khí Ô Môn III (sẽ sử dụng nguồn cấp khí từ Lô B) có vốn đầu tư khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ thì UBND thành phố Cần Thơ chỉ vừa mới thông qua chủ trương đầu tư vào đầu tháng 9-2022 với chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Điều này ảnh hưởng đến việc ký kết thỏa thuận mua bán khí giữa PVN và EVN, dẫn đến chậm trễ cả chuỗi dự án khí Lô B.
Với những thông tin trên, việc đầu cơ theo sóng cổ phiếu dầu khí trong ngắn hạn đòi hỏi nhà đầu tư có sự thận trọng nhất định, nhất là trong bối cảnh thị trường chung vẫn chưa thể vượt qua vùng kháng cự quanh 1.300 điểm.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận