GAP trong chứng khoán và những bí mật đang che giấu
Những tháng ngày làm "Day trading", vài lần trong phiên giao dịch, tôi đã gặp một số trường hợp về sự gián đoạn giữa hai thanh giá trên biểu đồ nến. Sự gián đoạn đó được thể hiện bằng khoảng trống giữa hai thanh, và là "cột mốc quan trọng" đánh dấu một sự kiện gì đó sắp xảy ra. Bài viết này, tôi sẽ chia sẻ một phần kinh nghiệm về Gap.
Khái niệm về Gap
Gap (hay còn gọi là khoảng trống giá), là sự gián đoạn giữa 2 phiên giao dịch (hoặc 2 cây nến) liên tiếp. Gap được xác định dựa trên giá đóng cửa của cây nến phía trước và giá mở cửa của cây nến phía sau, không phải giữa mức giá mở cửa và mức giá đóng cửa của cùng một thanh nến. Bạn có thể xác định khoảng trống khi mở thanh, nhưng bạn không thể đo khoảng trống cho đến khi phiên giao dịch trong ngày kết thúc.
Tôi thường giao dịch nhiều với Gap, bởi lẽ chúng đáng để quan tâm. Các khoảng trống này cung cấp cho tôi mức độ kỳ vọng của nhà đầu tư về giá trị cổ phiếu trước một tin tức hoặc sự kiện, tin đồn nào đó. Và mỗi Gap ở một vị trí khác nhau sẽ mang một hàm ý riêng.
Hình 1: Ví dụ về khoảng trống giá xuất hiện.
Trong biểu đồ trên, cổ phiếu ASOS đã tăng điểm chỉ sau một đêm. Sau khi kết quả cả năm của công ty được công bố, các nhà đầu tư đã kỳ vọng vào khả năng khắc phục các vấn đề vận hành hiện tại của ASOS. Sự kỳ vọng đó phần nào phản ảnh vào việc giá cổ phiếu mở cửa "tăng vọt" ngay sáng hôm sau.
Phân loại Gap trong phân tích kỹ thuật
Theo quan điểm của cá nhân, tôi phân chia Gap làm 2 loại gồm: Gap Up (Khoảng trống tăng) và Gap Down (Khoảng trống giảm). Theo đó Gap Up được đo lường từ mức cao nhất của ngày hôm qua đến mức thấp nhất của ngày hôm nay.
Hình 2: Ví dụ về khoảng trống giá tăng xuất hiện.
Còn đối với Gap Down, sẽ đo bằng từ mức thấp nhất của ngày hôm qua đến mức cao nhất của ngày hôm nay.
Hình 3: Ví dụ về khoảng trống giá giảm xuất hiện.
Cách tận dụng Gap làm lợi thế của bạn
Thời gian làm "Day trading" của mình, tôi đã gặp một số loại Gap. Bản thân tôi nhận ra rằng đây thực sự là cơ hội giao dịch tuyệt vời giúp mình đạt được mức sinh lời cao. Trong phần tiếp theo, tôi sẽ mô tả một số loại Gap và cách sử dụng chúng trong giao dịch.
Gap thông dụng (Common Gap)
Loại gap này không có nhiều ý nghĩa trong giao dịch. Các khoảng trống này thường thấy được ở các cổ phiếu có thanh khoản thấp trên thị trường. Được đánh giá như một công cụ dùng để đo lường lại sức mạnh của hai bên cung và cầu trong một xu hướng. Thường khi Gap thông dụng bị lấp sẽ mở ra quá trình Sideway.
Các khoảng trống giá thông dụng thường được lấp đầy tương đối nhanh chóng (thường trong vòng một vài ngày) khi so sánh với các loại khoảng trống giá khác. Về tổng quan, không có sự kiện lớn nào xảy ra trước loại khoảng trống giá này.
Các khoảng trống giá thông thường còn được gọi là "khoảng trống vùng giá" hoặc "khoảng trống giao dịch" và có xu hướng đi kèm với khối lượng giao dịch trung bình.
Vì các khoảng trống giá thông thường tương đối nhỏ, bình thường và xuất hiện khá thường xuyên trong hành động giá một tài sản, và không giúp xác nhận nhiều thông tin trong phân tích giá.
Hình 4: Ví dụ về khoảng trống giá thông dụng xuất hiện.
Tuy nhiên sau nhiêu lần giao dịch, tôi nhận ra nếu ngày xuất hiện Gap thông dụng mà thanh khoản cổ phiếu cao một cách đột biến, thì có thể những phiên tới giá cổ phiếu sẽ dao động mạnh. Còn nếu thanh khoản duy trì ở mức thấp hoặc bình thường thì giá cổ phiếu chỉ dao động nhẹ.
Gap phá vỡ (Breakaway Gap)
Hình 5: Ví dụ về khoảng trống giá phá vỡ xuất hiện.
Breakaway Gap là các khoảng trống mô tả giá vượt qua mức hỗ trợ hoặc mức kháng cự. Loại Gap này xảy ra khi có một tin tức gây chấn động khiến tâm lý nhà đầu tư thay đổi so với xu hướng hiện tại. Gap này thường liên quan đến việc xác nhận một xu hướng mới của các nhà đầu tư. Xuất hiện ở cuối mô hình giá khi một xu hướng mới bắt đầu. Nó thể hiện giá đang thoát ra khỏi giai đoạn ổn định và bắt đầu tăng hoặc giảm sau đó để lại một khoảng trống phá vỡ.
Hình 6: Ví dụ về khoảng trống giá phá vỡ xuất hiện cùng khối lượng lớn.
Nếu khoảng trống phá vỡ cùng với sự khối lượng giao dịch tăng mạnh có khả năng phá vỡ xu hướng cũ, bắt đầu hình thành nên một giai đoạn mới.
Điều kiện xác nhận Breakaway Gap bao gồm:
- Biên độ của khoảng trống với biên độ giao dịch thông thường phải lớn. Ví dụ nếu cổ phiếu giao dịch trong phạm vi $3 giữa mức cao và thấp hàng ngày thì khoảng trống có thể rơi chênh lệch là $15. Và ngay lập tức bạn có thể nhìn thấy sự thay đổi vĩ đại đó bằng mắt thường.
- Chỉ xảy ra khi giá đang trong xu hướng đi ngang. Hãy thử tượng tượng, không có gì đang diễn ra trên biểu đồ, và sau đó là bam! Một tin tức xuất hiện tạo điều kiện cho cung và cầu kích hoạt và ngay sau đó một xu hướng mới hình thành.
Gap tiếp diễn (Runaway Gap)
Gap tiếp diễn xảy ra ngay sau khi cổ phiếu đang di chuyển theo xu hướng và các tin tức mới xuất hiện giúp thúc đẩy xu hướng hiện có. Trong khi Gap phá vỡ mở ra một xu hướng mới thì Gap tiếp diễn lại tiếp tục xu hướng hiện tại.
Hình 7: Ví dụ về khoảng trống giá tiếp diễn xuất hiện.
Nhiều năm qua, tôi nhận thấy giá cổ phiếu thường không biến quá nhiều trước khi xảy ra Runaway Gap. Để đánh giá sức mạnh của một Gap tiếp diễn, hãy so sánh nó với các Gap tiếp diễn khác. Nếu một cổ phiếu có Gap tiếp diễn KHÔNG BỊ LẤP sẽ cho thấy hàm ý sức mạnh nhiều hơn. Còn đối với cổ phiếu có Gap tiếp diễn BỊ LẤP và xuất hiện râu chọt xuống thì lại cho thấy sự suy yếu về xu hướng hiện tại. Vì nó thường ở giữa xu hướng giá, ta có thể căn cứ vào vị trí của Gap này để đặt mục tiêu giá cho cổ phiếu.
Gap suy kiệt (Exhaustion Gap)
Loại Gap này xảy ra ở cuối xu hướng, báo hiệu cho ta rằng bữa tiệc đã kết thúc và đến lúc phải đi về. Trong một xu hướng tăng, ngược lại với Gap tiếp diễn, thì Gap suy kiệt tạo ra khoảng trống cuối cùng theo hướng xu hướng, nhưng sau đó nhanh chóng đảo chiều. Điều này thường được gây ra bởi tâm lý bầy đàn của các nhà giao dịch khi họ chạy theo xu hướng và khiến cổ phiếu di chuyển vào vùng quá mua. Do đó, các nhà giao dịch có kinh nghiệm sẽ theo dõi sự đảo ngược và tiến hành vị thế ngược lại với xu hướng trước đó.
Hình 8: Ví dụ về khoảng trống giá suy kiệt xuất hiện.
Nhìn chung, khi bạn thấy một khoảng trống tăng trong một xu hướng tăng trước đó đi kèm cùng thanh khoản thấp thì hãy khoan nhảy vào. Lúc đó bạn phải tự hỏi rằng tại sao khoảng trống đó xuất hiện? Liệu rằng người mua còn dồn dập, hưng phấn mua của người bán nữa không? Có lẽ một kẻ ngốc cuối cùng sẽ sẵn sàng để trả một khoản chênh lệch giá trị để có thể nắm giữ cổ phiếu đó và kỳ vọng nó tăng tiếp. Nhưng rồi cơn cuồng mua đã qua, và khi anh ấy cố "thoát hàng", thì người mua lại không có, hoặc tích cực hơn là không có người mua nào mang lại lợi nhuận cho anh ta. Và đến một lúc nào đó, anh ý phải chấp nhận thua lỗ và từ bỏ việc nắm giữ.
Bạn có thể phân biệt một Gap suy kiệt với Gap tiếp diễn bằng cách nhìn vào khối lượng, mà thông thường Gap suy kiệt sẽ có khối lượng thấp. Vậy nên bất cứ lúc nào bạn nhìn thấy một đỉnh mới được hình thành mà không đi kèm với khối lượng lớn, hãy nghi ngờ về sức mạnh duy trì của cổ phiếu. Phải đảm bảo an toàn cho mình bằng cách bán toàn bộ hàng hoặc tăng mức dừng lỗ của mình lên.
Hòn đảo đảo chiều (Island Reversals)
Đôi khi một Gap suy kiệt được hình thành thì ngay lập tức các phiên sau đó Gap tiếp diễn lại xuất hiện. Tạo nên một mô hình gồm một hoặc nhiều nến nằm cách biệt và ngăn cách với phần còn lại của biểu đồ bằng những khoảng trống. Sự xuất hiện này là cách Hòn đảo đảo chiều hình thành. Và điều đặc biệt là hai bên Hòn đảo được cô lập bởi một Gap Up và một Gap Down.
Hình 9: Ví dụ về Hòn đảo đảo chiều xuất hiện tại đỉnh.
Những người mua cuối cùng nhận ra rằng họ chỉ có một mình trên đỉnh núi. Họ bắt đầu bán một cách hoảng loạn và sẵn sàng chấp nhận mức giá thấp hơn nhiều. Bây giờ giá cất cánh theo hướng ngược lại trên một Gap suy kiệt.
Điểm quan trọng nhất vẫn là hai khoảng trống, chứ không phải số lượng thanh nến tạo thành hòn đảo. Thanh đảo chiều thường có đỉnh cao hơn nhưng phải đi kèm với khối lượng thấp. Đây là tín hiệu để tôi nhận biết bữa tiệc đang kết thúc và phải chuồn sớm.
Hình 10: Ví dụ về Hòn đảo đảo chiều cùng với thanh khoản sụt giảm.
Bởi vì ngày hôm sau, áp lực cung có thể xuất hiện sớm và diễn ra tương đối mạnh mẽ. Tôi đặt kỳ vọng thấp về việc mức giá cổ phiếu sau này sẽ quay trở lại và lấp đầy khoảng trống đó.
Tiếp theo là ví dụ về mô hình Island Reversal xuất hiện tại đáy. Tương tự như trên nhưng lần này biểu đồ bắt đầu với xu hướng giảm, xuất hiện gap và tạo ra cụm 6 nến di chuyển trong phạm vi hẹp. Mô hình kết thúc khi tạo gap tăng đi lên và giá đã đảo chiều sau đó.
Hình 11: Ví dụ về Hòn đảo đảo chiều xuất hiện tại đáy.
Mặc dù rất hiếm để xuất hiện Hòn đảo đảo chiều, nhưng khi bạn nhìn thấy nó hãy tuân thủ quy tắc:
Hòn đảo đảo chiều xuất hiện tại đáy: Hãy tiến hành mua cổ phiếu.
Hòn đảo đảo chiều xuất hiện tại đỉnh: Hãy tiến hành bán cổ phiếu.
Trên đây là toàn bộ thông tin để giúp các nhà đầu tư có thể hiểu hơn về Gap là gì. Việc thực hiện vào lệnh GAP khá phức tạp nhưng nếu nhà đầu tư ứng dụng tốt có thể mang lại lợi nhuận hiệu quả cao. Đừng quên đặt các lệnh dừng lỗ trong bất kỳ giao dịch nào để hạn chế rủi ro.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận