“Game” M&A tại Yến sào Khánh Hòa (SKV) và Sanest Khánh Hòa (SKH)
Thị trường đang rộ lên tin đồn về bộ đôi cổ phiếu SKV của Công ty cổ phần Yến sào Khánh Hòa và cổ phiếu SKH của Công ty cổ phần Nước giải khát Sanest Khánh Hòa có “game” mua bán, sáp nhập (M&A).
Masan có thể là bên mua
Trên diễn đàn F247 về chứng khoán, các nhà đầu tư xôn xao về thông tin có game M&A SKV và SKH. Một thành viên diễn đàn chia sẻ, giữa năm 2021, một nguồn tin uy tín tiết lộ, cổ phiếu SKV có một giao dịch thỏa thuận hơn 3 triệu cổ phiếu SKV (tỷ lệ sở hữu hơn 13,5%) và người đứng sau thương vụ này liên quan mật thiết đến ông Nguyễn Thiều Nam.
Ông Nguyễn Thiều Nam, người được nhắc đến trong game trên, hiện là thành viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (Masan), đồng thời nắm giữ nhiều vị trí cấp cao ở không ít công ty khác trong “họ” Masan như Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bất động sản Masan, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Masan High-Tech Materials…
Masan là một tập đoàn bán lẻ đã thành công và không ngừng mở rộng quy mô trong vài năm trở lại đây khi thâu tóm Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce (doanh nghiệp sở hữu chuỗi bán lẻ VinMart, VinMart+), mua 20% cổ phần Công ty cổ phần Phúc Long Heritage (doanh nghiệp có chuỗi café, trà Phúc Long), thâu tóm Công ty cổ phần VinaCafé Biên Hòa, Công ty cổ phần Bột giặt NET…
Với lợi thế về sở hữu điểm bán lẻ lớn trên toàn quốc, nên nếu có việc Masan vươn cánh tay kéo thêm Yến sào Khánh Hòa vào trong hệ sinh thái sẽ là điểm cộng có lợi cho doanh nghiệp này khi mở rộng được hệ thống phân phối.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, Masan không bình luận cũng không phủ nhận thông tin về M&A SKV, SKH và thông tin người có liên quan đến Masan đã giao dịch thỏa thuận hơn 3 triệu cổ phiếu SKV giữa năm 2021, mà chỉ cho biết, “các giao dịch (nếu có) sẽ được Masan công bố thông tin chính thức tại các thông cáo báo chí của Tập đoàn”.
SKV, SKH có gì?
SKV được chuyển đổi từ Công ty TNHH MTV Nước giải khát cao cấp Yến sào Diên Khánh, tiền thân là Nhà máy nước giải khát cao cấp Yến sào Diên Khánh. Còn SKH có nhà máy nước giải khát cao cấp yến sào tại thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Ông Trần Việt Dũng, Giám đốc tư vấn Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (đơn vị tư vấn cổ phần hóa và đăng ký giao dịch cổ phiếu SKV) cho biết, các nhà máy sản xuất nước yến của SKV và SKH đều có nguồn nguyên liệu được cung cấp bởi công ty mẹ là Công ty TNHH MTV Yến sào Khánh Hòa.
SKV là doanh nghiệp hoạt động tốt với ngành đặc thù kinh doanh tổ yến và nước yến có lợi thế yến đảo với khu nuôi rộng lớn, có công nghệ, kỹ năng chăm sóc. Xét về thị phần, doanh nghiệp này nằm trong Top đầu, sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu và vài năm trở lại đây phủ rộng các điểm bán lẻ trên cả nước.
Tổ yến được thu hoạch từ các vùng đảo hoang dã tại Khánh Hòa, nơi làm tổ của giống chim Yến, có hàm lượng dinh dưỡng cao, ít tạp chất so với các vùng khác cũng như các nước khác trong khu vực.
Kết quả kinh doanh của SKV liên tục tăng trưởng sau khi cổ phần hóa năm 2016, dù vốn điều lệ được duy trì ở mức 230 tỷ đồng.
Cụ thể, doanh thu tăng từ 1.014 tỷ đồng năm 2017 lên 1.841 tỷ đồng năm 2020; lợi nhuận sau thuế tăng từ 65,3 tỷ đồng lên 86,6 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2021, SKV ghi nhận doanh thu 1.286 tỷ đồng, lợi nhuận 58,9 tỷ đồng. Giai đoạn 2018 - 2020, Công ty trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ từ 22,4 - 24,5%/năm.
Tính đến ngày 30/9/2021, SKV có tổng tài sản 565,5 tỷ đồng, nợ phải trả 247,7 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 317,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 64 tỷ đồng.
Lãnh đạo SKV cho hay, doanh thu và lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2021 lần lượt giảm 1,9% và 7,2% so với cùng kỳ năm 2020. Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến tình hình sản xuất - kinh doanh, nhưng Công ty đã đề ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy doanh số, tiết giảm chi phí, hàng tồn kho, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp để tối ưu hóa lợi nhuận.
Năm ngoái, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch, Công ty vẫn nỗ lực xuất khẩu sản phẩm sang Nhật Bản, Mỹ, Canada, Úc, Đài Loan, Malaysia, Philippines…, với kim ngạch đạt hơn 1,9 triệu USD.
Tại SKH, quý III/2021 đạt doanh thu 316,5 tỷ đồng, giảm 5%; lợi nhuận sau thuế hơn 9 tỷ đồng, giảm 44,5% so với quý III/2020. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu đạt 1.207 tỷ đồng, tăng 5,2%; lợi nhuận sau thuế đạt 54,5 tỷ đồng, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
SKH cho biết, lợi nhuận trong quý III/2021 giảm là do Công ty chịu ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19, giãn cách xã hội tại nhiều địa phương, khiến công tác bán hàng bị gián đoạn và chi phí gia tăng nhằm bảo đảm an toàn sản xuất - kinh doanh.
Bên cạnh đó, áp lực tăng giá của các loại bao bì, nguyên vật liệu, chi phí logistics đã góp phần làm cho giá thành tăng cao. Ngoài ra, Công ty còn thực hiện chương trình hỗ trợ hệ thống phân phối, điểm bán để kích thích sức tiêu thụ và chia sẻ khó khăn với khách hàng, người tiêu dùng.
Kỳ vọng của nhà đầu tư
Hai cổ phiếu SKV và SKH đều tăng trần 4 phiên liên tiếp trong các ngày từ 26/10 đến 29/10/2021. Trong 4 phiên đó, SKV đạt mức tăng 62,3%, từ 28.900 đồng/cổ phiếu lên 46.900 đồng/cổ phiếu, còn SKH đạt mức tăng 67%, từ 21.800 đồng/cổ phiếu lên 36.400 đồng/cổ phiếu.
Một tháng trước khi có tin đồn M&A, cổ phiếu SKV được dao dịch phổ biến quanh mức 26.000 đồng/cổ phiếu, còn cổ phiếu SKH dao động nhẹ dưới ngưỡng 22.000 đồng/cổ phiếu.
Sau khi cổ phiếu lập đỉnh nhờ tin đồn, cổ phiếu SKV và SHK có diễn biến giảm giá.
Một nhà đầu tư chia sẻ, anh mua cổ phiếu SKV, SKH ngay khi tin đồn về M&A xuất hiện. Tuần qua, giá cổ phiếu có diễn biến giảm, nhưng anh vẫn lãi lớn. Tuy nhiên, nhà đầu tư này chưa hiện thực hóa lợi nhuận, vì kỳ vọng giá sớm bật tăng trở lại, bởi tin rằng Masan sẽ tham gia vào doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mạnh hơn.
Tuy nhiên, một chuyên gia chứng khoán khuyến nghị, nhà đầu tư cần thận trọng khi mua cổ phiếu theo tin đồn, bởi thực hư thông tin chưa rõ ràng. Mua cổ phiếu dựa vào tin đồn rất rủi ro, nếu có lãi thì nên canh thời điểm chốt lời, kẻo giá sẽ điều chỉnh sâu, vì khả năng tin đồn trở thành sự thật thường không cao.
Thực tế, sau tin đồn người có liên quan đến Masan mua cổ phiếu SKV, SKH, bộ đôi này có 4 phiên tăng trần liên tiếp, nhưng sau đó giảm mạnh.
Cụ thể, từ khi lập đỉnh 46.900 đồng/cổ phiếu ngày 29/10, SKV giảm xuống 37.700 đồng/cổ phiếu ngày 4/11, tương ứng giảm 24,4%.
Tương tự, cổ phiếu SKH giảm từ đỉnh 36.400 đồng/cổ phiếu ngày 29/10 về 29.600 đồng/cổ phiếu ngày 4/11, tương ứng giảm 18,6%.
Phiên cuối tuần qua (5/11), trong bối cảnh VN-Index lập đỉnh mới, cả hai mã SKV và SKH đều tăng trở lại, lần lượt đạt 42.000 đồng/cổ phiếu (tăng 10,8%, trong phiên có thời điểm giảm 5%) và 31.600 đồng/cổ phiếu (tăng 5,3%, trong phiên có thời điểm giảm 3,3%).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường