Dù được đánh giá cao, nhưng vì sao cổ phiếu ngân hàng ngày càng lao dốc?
Cổ phiếu nhóm ngân hàng được các chuyên gia, giới phân tích và hầu hết các công ty chứng khoán đánh giá cao nhờ kỳ vọng vào lợi nhuận tăng trưởng tốt trong năm 2022. Tuy nhiên những gì đang diễn ra trên thị trường gây thất vọng lớn cho các nhà đầu tư.
Cổ phiếu "vua" - các cổ phiếu nhóm ngân hàng được hầu hết các công ty chứng khoán đánh giá cao trong suốt thời gian từ cuối năm 2021 đến nay, đơn cử như VnDirect, Yuanta hay SSI đều đánh giá nhóm này tiềm năng đầu tư.
Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng, cổ phiếu nhóm này đã lao dốc trong lúc thị trường thăng hoa và cả khi thị trường "sụt lở", đây cũng là nhóm có mức giảm mạnh nhất làm thất vọng nhiều nhà đầu tư vốn thiên về phân tích cơ bản.
KỲ VỌNG CAO, GIÁ LẠI CÀNG GIẢM
Tính từ thời điểm tháng 2 đến nay nhiều cổ phiếu ngân hàng đã mất giá 20% đến 30%. Đơn cử, TCB là cổ phiếu được công ty chứng khoán VnDirect đánh giá cao với tiềm năng tăng giá thậm chí lên đến 70.000 đồng. Dù vậy, cổ phiếu của TCB đã sụt giảm mạnh, hiện đã mất 18% so với đỉnh và thủng nhiều mốc hỗ trợ quan trọng.
Trong khi đó, SHB là ngân hàng có mức độ giảm giá mạnh nhất 33% trong vòng 2 tháng trở lại. LPB đứng thứ hai với mức độ giảm 30%. CTG có mức sụt giảm lớn nhất với 27% chỉ trong vòng 2 tháng trở lại. Hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều có mức sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây.
Nhiều nhà đầu tư đã khốn đốn khi nghe theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán, danh mục trong thị trường dowtrend lại toàn cổ phiếu ngân hàng. Tiến Thành, một nhà đầu tư cho biết: "Tôi mua TCB với giá 50.000 đồng, với kỳ vọng lên khoảng 55.000 đồng, hoặc thậm chí là 60.000 đồng. Tuy nhiên, hiện tại tôi đã lỗ tới hơn 12%. Khi TCB xuống mức giá 43.700 đồng, tôi đã mua một thêm, giờ chỉ biết hy vọng vào trung bình giá sẽ bớt lỗ thôi, không mong lãi nữa".
VÌ ĐÂU NÊN NỖI?
Theo Công ty chứng khoán MBS, lý do khiến cổ phiếu ngân hàng giảm giá mạnh dù có kết quả kinh doanh tốt nằm ở 3 yếu tố.
Đầu tiên đa phần ngân hàng trong top đầu hết room ngoại, do vậy, sự tham gia thêm của nhóm nước ngoài là không có. Hai là, thị trường đang chờ đợi các ngân hàng trích lập dự phòng, câu chuyện nợ xấu thực chất của ngân hàng và khoảng một năm nữa câu chuyện đó mới rõ hơn. Thứ ba, trong góc độ quan sát thị trường, vừa qua thị trường có sự tập trung ở nhiều nhóm cổ phiếu từ bất động sản, dầu khí, chứng khoán... do đó, không lựa chọn nhóm ngân hàng là tất yếu.
Bên cạnh đó, theo ông Đào Phúc Tường, chuyên gia tài chính, người từng có nhiều năm làm việc tại APS Asset Management, Singapore, có sự đối nghịch lớn ở thị trường Việt Nam so với các thị trường trong khu vực. Bản thân các công ty chứng khoán định giá ngân hàng theo P/B nhưng ngoài thị trường nhà đầu tư lại dùng định giá P/E. Đây là sự khác biệt lớn.
Theo thông lệ ngành của cả thị trường quốc tế cũng như Việt Nam, hầu hết đều dùng P/B để định giá ngân hàng. Nếu dùng P/B thì hiện tại, định giá ngân hàng Việt Nam chỉ đứng sau mỗi ngân hàng tại Indonesia bởi do đặc thù NIM ngành ngân hàng của họ cao. Còn lại, so với các thị trường khác, định giá P/B của ta cao hơn nhiều. Còn P/E của ngân hàng luôn thấp, rất ít ngân hàng có P/E cao trừ ngân hàng có vấn đề lợi nhuận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận