Dòng tiền khối ngoại – bao giờ thôi bán ròng?
Nếu thị trường có thể xác lập một xu hướng đi lên rõ ràng hơn trong giai đoạn tới, được kỳ vọng sẽ diễn ra trong năm 2024, khi đó sẽ mở ra một triển vọng tích cực hơn, động thái của khối ngoại có thể đảo chiều.
Áp lực từ khối ngoại
Tính từ phiên ngày 29-11-2023 đến phiên đầu tuần này (18-12-2023), nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 14 phiên liên tiếp, với tổng giá trị hơn 8.600 tỉ đồng. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, khối ngoại đã hút ròng hơn 22.000 tỉ đồng. Dù con số này khá lớn nhưng vẫn còn cách xa mức kỷ lục bán ròng lên đến 57.800 tỉ đồng trong năm 2021, giai đoạn thị trường chứng khoán lập đỉnh.
Đặc biệt, xu hướng bán ròng của khối ngoại trong năm nay chỉ thật sự diễn ra từ tháng 4, thời điểm Việt Nam nới lỏng chính sách trở lại thông qua việc giảm lãi suất điều hành, kéo mặt bằng lãi suất trên thị trường liên tục đi xuống kể từ đó đến nay. Vì vậy, động thái trên của khối ngoại có lẽ khiến các nhà đầu tư trong nước phải đặt câu hỏi, nhất là khi tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trong năm nay được giữ ổn định hơn nhiều so với năm trước.
Lý giải về điều này, giới phân tích cho biết dòng tiền rút ròng mạnh chủ yếu đến từ các quỹ chủ động, do hiệu suất hoạt động của các quỹ này ở mức rất thấp nên cổ đông và các nhà đầu tư gây áp lực rút tiền, khiến các quỹ chủ động buộc phải bán mạnh để tất toán cho họ. Đáng lưu ý, những cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất cũng là những cổ phiếu từng được khối ngoại gom rất mạnh trong giai đoạn 2020-2021, gồm EIB, MWG, VPB, VHM, STB và hai quỹ ETF là FUEVFVND và FUESSVFL.
Việc khối ngoại rút vốn khỏi thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cũng phản ánh triển vọng kinh tế không mấy tích cực. Với tăng trưởng GDP năm nay dự kiến chỉ đạt 5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6-6,5% đặt ra; tăng trưởng tín dụng thấp, nguy cơ nợ xấu tăng nhanh; thị trường bất động sản trầm lắng; hoạt động của các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt khó khăn do thiếu đơn hàng…, khối ngoại có lý do để lo ngại.
Thực tế không ít doanh nghiệp từng nằm trong danh mục ưa thích của khối ngoại đã đến giai đoạn bão hòa, không thể mở rộng đầu tư thêm để duy trì đà tăng trưởng, nên các nhà đầu tư này lựa chọn không tiếp tục nắm giữ cũng là điều dễ hiểu. Có thể kể đến như MWG, VNM, KDC hay MSN. Còn với EIB là sự đấu đá của các nhóm cổ đông để giành quyền kiểm soát, trong khi với VHM là rủi ro pha loãng khi phát hành 250 triệu đô la Mỹ trái phiếu chuyển đổi vào cuối tháng 10 vừa qua.
Dù là vì lý do gì, động thái “tháo van” xả hàng của khối ngoại đã góp phần gây áp lực lên thị trường, khiến VN-Index cứ mãi ngụp lặn quanh vùng 1.100 điểm trong một tháng rưỡi qua. Điểm tích cực là lượng hàng của khối ngoại đã được hấp thụ bởi các nhà đầu tư cá nhân trong nước, trong bối cảnh kênh tiền gửi ngân hàng đã không còn hấp dẫn với mặt bằng lãi suất chìm sâu trong những tháng qua.
Theo dữ liệu từ Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, nhà đầu tư cá nhân đã bắt đầu tăng tốc mua ròng từ tháng 8 và trở thành đầu tàu dẫn dắt chiều mua trên toàn thị trường từ đầu tháng 9. Lũy kế đến 15-12, tổng giá trị mua ròng của nhóm này đạt gần 19.950 tỉ đồng. Lực cầu từ nhà đầu tư trong nước đã trở thành bệ đỡ quan trọng giúp thị trường giữ được các ngưỡng hỗ trợ quan trọng trong những tháng gần đây.
Bao giờ thôi bán ròng?
Trong giai đoạn thị trường vẫn đang “cù cưa” như hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ chưa sớm chấm dứt hoạt động bán ròng. Tuy nhiên, nếu thị trường có thể xác lập một xu hướng đi lên rõ ràng hơn trong giai đoạn tới, được kỳ vọng sẽ diễn ra trong năm 2024, khi đó sẽ mở ra một triển vọng tích cực hơn, động thái của khối ngoại có thể đảo chiều.
Có một số yếu tố hỗ trợ cho điều này. Đầu tiên là việc các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới có thể bắt đầu nới lỏng chính sách trở lại và cắt giảm lãi suất ngay từ đầu năm sau, với đại diện tiêu biểu là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Lãi suất tại các nước phát triển xuống thấp hơn có thể kích hoạt dòng vốn quay lại tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển như Việt Nam. Ngoài ra, việc Fed giảm lãi suất cũng hỗ trợ cho chính sách điều hành thị trường ngoại hối, nhà đầu tư nước ngoài hạn chế được rủi ro tỷ giá nên sẽ mạnh dạn đầu tư hơn.
Triển vọng kinh tế Việt Nam hồi phục khả quan hơn trong năm sau cũng giúp nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng hơn vào TTCK Việt Nam. Hầu hết dự báo của các tổ chức đều tin rằng Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng từ 6% trở lên trong năm 2024, tiếp tục dẫn đầu khu vực, cùng với biến số lạm phát và tỷ giá tiếp tục được kiểm soát theo mục tiêu đề ra, tạo điều kiện giữ lãi suất ổn định.
Đầu tháng này, Tổ chức xếp hạng Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ “Triển vọng Ổn định”, trong bối cảnh thế giới đối mặt với các thách thức về suy giảm tăng trưởng, thương mại, sự gia tăng các rủi ro về tài chính ở nhiều quốc gia. Trong trung hạn, Fitch dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khoảng 7% nhờ động lực tăng trưởng từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ và nguồn lao động dồi dào.
Đặc biệt, câu chuyện nâng hạng cho TTCK Việt Nam vẫn là “chất xúc tác” đáng quan tâm vì có thể thu hút mạnh mẽ dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài đổ vào mạnh mẽ. Theo Công điện số 1360/CĐ-TTg ngày 13-12-2023, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cần thiết để nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian sớm nhất.
Còn tại hội thảo liên ngành “Khai mở tiềm năng thị trường vốn Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới tổ chức hôm 15-12, cơ quan này cho rằng, để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam, cần có những biện pháp cải thiện các trở ngại hiện nay về ký quỹ và phong tỏa chứng khoán trước giao dịch; giới hạn sở hữu nước ngoài và room nước ngoài còn lại; tiếp cận thông tin bình đẳng.
Trong khi đó, báo cáo của các công ty chứng khoán cũng đưa ra quan điểm tích cực hơn về chiến lược của khối ngoại trong giai đoạn tới. Theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), hoạt động bán ròng của khối ngoại mang tính kỹ thuật và sẽ sớm cân bằng. Theo đó, nhà đầu tư tiếp tục cân nhắc tăng tỷ trọng cổ phiếu ở vùng giá thấp đón đầu xu hướng hồi phục trong năm sau.
Còn Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) lý giải rằng một phần lực bán ròng thời gian này đến từ các nhà đầu tư Thái Lan, liên quan đến chính sách thuế sẽ được áp dụng vào đầu năm 2024. Quy định mới cho phép các cơ quan chức năng đánh thuế lũy tiến thu nhập từ nước ngoài của các cá nhân nếu họ là cư dân Thái Lan tối đa 180 ngày/năm và kiếm thu nhập ở nước ngoài từ công việc hoặc tài sản trong năm đánh giá cụ thể. Do đó, các nhà đầu tư từ Thái Lan đang chủ động bán ra trước khi bắt đầu năm mới, sau đó có thể kỳ vọng dòng tiền quay trở lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận