DOJI lãi đột biến
Lợi nhuận sau thuế của đại gia vàng bạc DOJI năm 2022 tăng đột biến, gấp hơn 4 lần lên trên 1.000 tỷ đồng.
Thông tin này vừa được Công ty cổ phần Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI cho biết trong báo cáo tình hình tài chính gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Cả năm ngoái, công ty của ông Đỗ Minh Phú ghi nhận lãi sau thuế khoảng 1.016 tỷ đồng, tăng gấp 4,3 lần năm 2021. Ở giai đoạn 2019 - 2022, mức lãi ròng của đại gia vàng bạc này chỉ từ 150 tỷ đến hơn 230 tỷ đồng.
So với một trong những đối thủ lớn nhất trên thị trường bán lẻ vàng, bạc, trang sức hiện nay - Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), khoản lãi 1.000 tỷ năm ngoái của DOJI này đã tiệm cận mức lãi của PNJ các năm 2020 và 2021. Còn năm ngoái, PNJ báo lãi sau thuế cũng tăng mạnh, đạt hơn 1.800 tỷ đồng.
Đến hết 31/12, vốn chủ sở hữu của DOJI đạt 6.361 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ (ROE) tăng lên xấp xỉ 17,4%. Dư nợ trái phiếu trên vốn chủ ở mức 0,1 lần, trong khi năm ngoái ở mức 0,72 lần.
Tiền thân của DOJI là Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD thành lập năm 1994. Đến năm 2007, TTD được đổi tên thành Công ty cổ phần vàng bạc đá quý & đầu tư thương mại DOJI, chính thức tham gia vào thị trường trang sức trong nước. Hai năm sau đó, công ty tiếp tục tái cấu trở thành Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI.
Hiện tại, DOJI có 15 công ty thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ con. Ngoài kinh doanh vàng, bạc, tài chính ngân hàng, DOJI cũng đã lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với thương hiệu DOJILand. Công ty sở hữu các bất động sản có vị trí đắt địa tại Hà Nội, TP HCM và đã hoàn thành các dự án căn hộ, nghỉ dưỡng tại Quảng Ninh. Thời gian tới, DOJILand tham vọng tiếp tục tập trung phát triển các dự án bất động sản hạng sang tại Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hạ Long, Huế.
Anh Tú
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường