Doanh nghiệp xây dựng tìm động lực tăng trưởng từ đâu?
Dù kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng trong quý 2/2023 tăng trưởng so với cùng kỳ, nhưng kết quả này lại không từ hoạt động cốt lõi xây dựng, xây lắp.
Quý 2 phục hồi mạnh
Theo biểu đồ chỉ số cân bằng chung xu hướng sản xuất kinh doanh doanh nghiệp xây dựng của Tổng cục Thống kê, ngành xây dựng trong quý 2/2023 đã phục hồi mạnh mẽ so với quý trước đó, thậm chí là vượt cùng kỳ năm trước.
Chỉ số cân bằng xu hướng sản xuất kinh doanh (%) ngành xây dựng
Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cho biết, các doanh nghiệp xây dựng đánh giá kết quả kinh doanh của ngành trong quý 2 vẫn bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi 2 yếu tố là giá nguyên vật liệu tăng cao và việc không có hợp đồng xây dựng mới.
Chi phí nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí sản xuất của doanh nghiệp xây dựng. Còn hợp đồng xây dựng mới, với sự quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đầu tư công quý 2, các doanh nghiệp xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng là nhóm được hưởng lợi nhiều nhất. Ngược lại, doanh nghiệp xây dựng nhà các loại và xây dựng chuyên dụng vẫn còn gặp khó khăn.
Kinh doanh tăng trưởng không nhờ hoạt động xây dựng
Dữ liệu của VietstockFinance cho thấy, doanh thu 55 doanh nghiệp xây dựng dân dụng trên sàn chứng khoán trong quý 2/2023 giảm gần 2% so với cùng kỳ, còn 23 ngàn tỷ đồng; nhưng tổng lãi ròng lại tăng gần 4%, lên hơn 1.3 ngàn tỷ đồng.
Kết quả toàn ngành tăng trưởng song thực tế chỉ có 9 doanh nghiệp có lãi ròng tăng so với cùng kỳ. Trong đó, Đầu tư Phát triển Xây dựng - Hội An (HNX: DIH) là doanh nghiệp có mức tăng mạnh nhất với lãi xấp xỉ 15 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ hơn 63 triệu đồng. Tuy nhiên, phần lớn lợi nhuận của DIH lại đến từ hoạt động bất động sản.
Cụ thể, doanh thu quý 2 của DIH đạt hơn 105 tỷ đồng, gấp 2.4 lần cùng kỳ, nhưng trong đó hơn 93 tỷ đồng từ bất động sản mới phát sinh. DIH cho biết, quý 2, Công ty đẩy mạnh khai thác dự án đầu tư xây dựng nhà ở khu dân cư có kết hợp chỉnh trang đô thị Khối Lâm Sa - Tu Lễ - Xuân Hòa, phường Cẩm Phô và khối Bàu Đưng, phường Thanh Hà, thành phố Hội An để nhanh chóng thu hồi vốn, nhờ đó lợi nhuận tăng so với cùng kỳ.
Một doanh nghiệp khác cũng có lợi nhuận tăng trưởng nhưng không từ hoạt động xây dựng là Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC). Hoanh thu thuần của ông lớn xây dựng giảm 45%, còn gần 2.3 ngàn tỷ đồng; nhưng lãi ròng gần 547 tỷ đồng, gấp hơn 12 lần cùng kỳ nhờ vào khoản lãi thanh lý tài sản, vật tư 653 tỷ đồng phát sinh trong kỳ.
Các doanh nghiệp xây dựng có lãi ròng tăng trưởng trong quý 2/2023 (Đvt: Tỷ đồng)
Trái ngược với 9 doanh nghiệp có lãi tăng trưởng, số doanh nghiệp lãi giảm áp đảo với 24 doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp tiếp tục giảm lãi dù doanh thu cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ.
Tiêu biểu trong đó là Vinaconex (HOSE: VCG), doanh thu quý 2 gấp hơn hai lần cùng kỳ, đạt gần 4.6 ngàn tỷ đồng; nhưng do biên lợi nhuận giảm nên sau khi trừ giá vốn, lãi gộp chỉ tăng 38%. Thêm vào đó, doanh thu tài chính giảm, chi phí tăng, các công ty liên doanh/liên kết lỗ. Hệ quả là VCG có lãi ròng giảm 21%, còn gần 103 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp xây dựng có lãi ròng suy giảm trong quý 2/2023 (Đvt: Tỷ đồng)
Tuy lãi suy giảm, các doanh nghiệp kể trên vẫn may mắn chưa chịu cảnh thua lỗ như 18 doanh nghiệp sau đây.
Các doanh nghiệp xây dựng báo lỗ trong quý 2/2023 (Đvt: Tỷ đồng)
Doanh nghiệp báo lỗ đáng chú ý nhất là Tổng Công ty LICOGI (UPCoM: LIC) với khoản lỗ 27 tỷ đồng dù doanh thu thuần tăng 11%. LIC cho biết, doanh thu giảm là do lượng cổ tức từ các công ty con/liên kết và nguồn thu từ việc thoái một phần vốn tại một số công ty liên kết trong quý 2/2023 ít hơn cùng kỳ khiến LIC có quý lỗ thứ ba liên tiếp.
Nhóm xây dựng còn lại được thống kê là các doanh nghiệp chuyển lỗ thành lãi trong quý 2 năm nay, gồm 4 doanh nghiệp: Coteccons (HOSE: CTD), Tổng CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (HNX: CTX), Dịch vụ Kỹ Thuật Viễn thông (UPCoM: TST) và Xây dựng số 9 - VC9 (HNX: VC9).
Trong đó, CTD lãi 30 tỷ đồng, phần lớn nhờ vào việc giảm 1/4 chi phí tài chính và gần 70% chi phí quản lý trong kỳ.
Các doanh nghiệp xây dựng có lỗ chuyển thành lãi trong quý 2/2023 (Đvt: Tỷ đồng)
Bên cạnh các chuyển biến về mặt kết quả kinh doanh, tình hình nhân sự tại các doanh nghiệp cũng có nhiều biến động, đa phần theo chiều giảm. Cụ thể, ông lớn CTD ghi nhận số lượng nhân sự tại thời điểm ngày 30/06/2023 là 1,985 người, giảm hơn 12% so với đầu năm. Hay với HTN, số lượng nhân sự vào cuối quý 2/2023 chỉ bằng 38% so với cuối năm 2022, còn 254 người.
Đối với quý 3/2023, Tổng cục Thống kê cho biết, đa phần doanh nghiệp xây dựng trong ngành đều cho rằng tình hình chung sẽ được cải thiện, các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực sẽ dần được giải quyết, số lượng hợp đồng xây dựng mới sẽ tăng so với quý 2.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận