Doanh nghiệp săm lốp khởi sắc trong quý 3
Trong bối cảnh giá cao su đang trượt dài, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp săm lốp trong quý 3/2022 phần nào tích cực hơn so với cùng kỳ năm trước.
Theo dữ liệu từ VietstockFinance, doanh thu thuần của 3 doanh nghiệp sản xuất săm lốp trên sàn là CTCP Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC), CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (HOSE: CSM) và CTCP Cao su Sao Vàng (HOSE: SRC) đều tăng mạnh so với cùng kỳ, mức tăng lần lượt là 46%, 47% và 11%. Tổng cộng, doanh thu thuần của 3 doanh nghiệp tăng gần 43%, đạt 3,074 tỷ đồng.
Nhờ doanh thu tăng mạnh, lãi ròng của 3 doanh nghiệp này cũng được cải thiện đáng kể khi đạt 104 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ được 16 tỷ đồng. CSM đã không còn lỗ như cùng kỳ khi lãi gần 23 tỷ đồng. DRC cũng lãi ròng hơn 77 tỷ đồng, gấp 2.3 lần so với quý 3 năm trước. SRC là doanh nghiệp duy nhất đi lùi khi lãi ròng giảm đến 63% do giá vốn gia tăng.
Kết quả kinh doanh quý 3/2022 của 3 doanh nghiệp săm lốp
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
Kết quả tích cực của nhóm doanh nghiệp săm lốp trong quý 3 đạt được trong bối cảnh ngành săm lốp được hưởng lợi cả về đầu vào lẫn đầu ra của sản phẩm. Đối với đầu ra, nhiều thị trường xuất khẩu săm lốp trên thế giới đã mở cửa trở lại sau khi những ảnh hưởng của dịch COVID-19 dần phai đi, nhờ đó doanh thu xuất khẩu đóng góp phần lớn vào kết quả chung trong quý vừa qua.
Ngoài ra, trong kỳ, các doanh nghiệp săm lốp cũng đã có đợt tăng giá bán sản phẩm, giúp doanh thu cải thiện hơn. DRC cho biết đã tăng giá sản phẩm 3% vào đầu tháng 8 vừa qua.
Ở phía đầu vào, giá cao su thiên nhiên cùng một số hóa chất hạ nhiệt và giảm về dưới mức trung bình quý 3/2021 tạo đòn bẩy giúp đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành lên cao. Theo dữ liệu từ Investing.com, Giá hợp đồng tương lai cao su tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), loại hợp đồng 5 tấn, từ đỉnh 1.35 triệu yên/hợp đồng tại phiên 24/06/2022 đã giảm liên tiếp trước khi tạo đáy vào phiên 16/09 ở mức gần 1.1 triệu yên/hợp đồng, tương đương giảm hơn 20% từ đỉnh. Giá hợp đồng tương lai cao su hiện đang có dấu hiệu phục hồi khi về lại mức 1.12 triệu yên/hợp đồng trong phiên 26/10.
Đà giảm giá của cao su thiên nhiên diễn ra trong bối cảnh nguồn cung tăng trở lại sau ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng nguồn cầu lại giảm mạnh do nước nhập khẩu cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới là Trung Quốc đang phong tỏa nhiều khu vực theo chính sách Zero COVID.
Diễn biến giá hợp đồng tương lai cao su trên sàn TOCOM
Nguồn: Investing.com
Nhờ hưởng lợi từ giá nguyên liệu đầu vào, biên lãi gộp của các doanh nghiệp trong ngành đã được cải thiện đáng kể, duy chỉ có biên lãi gộp của SRC giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Sự cải thiện về biên lãi gộp của các doanh nghiệp trong quý 3
Nguồn: VietstockFinance
Với quý 3 khởi sắc, kết quả lợi nhuận 9 tháng đầu năm của 3 doanh nghiệp săm lốp đều tăng so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận của CSM gấp gần 4 lần cùng kỳ. Mặt khác, tiến độ thực hiện kế hoạch năm của các doanh nghiệp lại khá phân hóa. Cụ thể, chỉ có DRC đạt được trên 80% kế hoạch ở cả doanh thu lẫn lợi nhuận. Trong khi đó, SRC chưa đạt được 50% mục tiêu lợi nhuận, CSM đạt được hơn 60%.
Tiến độ thực hiện kế hoạch năm của 3 doanh nghiệp săm lốp
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
Theo Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc các doanh nghiệp săm lốp hưởng lợi từ giá đầu vào cao su giảm sẽ rõ ràng hơn nữa trong quý 4/2022, do các công ty đã dự trữ lượng lớn hàng tồn kho giá cao trong quý 3. Theo đó, tổng giá trị tồn kho của 3 doanh nghiệp săm lốp đã tăng hơn 16% so với đầu năm, đạt khoảng 3.9 ngàn tỷ đồng.
Thay đổi hàng tồn kho của 3 doanh nghiệp săm lốp
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
Dù kết quả kinh doanh có tín hiệu tích cực, giá cổ phiếu của DRC, CSM và SRC vẫn chịu ảnh hưởng từ đà giảm chung của thị trường thời gian gần đây.
Diễn biến giá cổ phiếu của 3 doanh nghiệp săm lốp từ đầu năm 2022 đến phiên 31/10
Nguồn: VietstockFinance
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận