Doanh nghiệp cao su có quý thắng lớn nhờ giá mủ cao su neo ở mức cao
Giá bán cao su trong quý 3/2021 đã giảm đáng kể so với đầu năm, tuy nhiên, mức giá vẫn cao hơn so với cùng kỳ. Nhờ đó, các doanh nghiệp cao su thiên nhiên đã có một quý tăng trưởng mạnh dù sản lượng có phần sụt giảm.
Theo dữ liệu từ VietstockFinance, tổng doanh thu thuần của 13 doanh nghiệp cao su tự nhiên trong quý 3 chỉ tăng 3% so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 8,158 tỷ đồng, nhưng tổng lợi nhuận ròng lại tăng đến 31%, đạt hơn 1,702 tỷ đồng.
Tổng hợp KQKD quý 3/2021 của các doanh nghiệp cao su thiên nhiên
Đvt: Tỷ đồng
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong quý 3/2021, nông dân trồng cao su tại nhiều tiểu điền đã phải tạm ngừng thu hoạch mủ cao su do phải tuân thủ các quy định về giãn cách, điều này đã khiến sản lượng cao su khai thác trong kỳ giảm so với quý 3 năm trước.
Không chỉ ở giai đoạn cạo mủ, giai đoạn thu mua và xử lý tại nhà máy cũng bị ảnh hưởng do thiếu công nhân hoặc nhà máy phải tạm ngừng sản xuất vì nằm trong khu vực phong tỏa. Theo công bố, sản lượng cao su tiêu thụ của Cao su Đồng Phú (HOSE: DPR) giảm 11% so với cùng kỳ, trong khi đó, sản lượng của Đầu tư Cao su Đắk Lắk (UPCoM: DRI) giảm đến gần 30%.
Trong khi sản lượng tiêu thụ sụt giảm thì điểm sáng cho các doanh nghiệp sản xuất cao su thiên nhiên chính là việc giá bán vẫn còn ở mức cao so với cùng kỳ. Sau đợt bùng nổ hồi cuối năm 2020, giá cao su thế giới đã dần điều chỉnh từ đầu năm 2021 và vẫn tiếp tục điều chỉnh trong quý 3/2021. Tuy nhiên, so với quý 3/2020, giá cao su nhìn chung vẫn ở mức cao.
Đối với một số doanh nghiệp như Cao su Tân Biên (UPCoM: RTB) và DPR, giá bán bình quân được ghi nhận vẫn còn cao hơn từ 28% - 30% so với cùng kỳ, trong khi đó, đối với DRI là gần 42%.
Diễn biến giá cao su thế giới từ năm 2020 đến nay
Nhờ chênh lệch giá bán so với cùng kỳ, doanh thu của nhiều doanh nghiệp sản xuất cao su trong quý 3 vẫn ghi nhận tăng trưởng dù sản lượng tiêu thụ sụt giảm. Một số doanh nghiệp có mức tăng doanh thu đáng kể như Cao su Đắk Lắk (UPCoM: DRG) với mức tăng 47%, Cao su Thống Nhất (HOSE: TNC) với 36% và Cao su Phước Hòa (HOSE: PHR) với 33%.
Tuy nhiên, cần lưu ý là doanh thu của DRG chủ yếu đến từ hai công ty con là DRI và Dakmoruco – hai công ty đang có các đồn điền và khai thác cao su tại Lào và Campuchia.
Hoạt động sản xuất bị thu hẹp do thực hiện giãn cách xã hội, các loại chi phí khác như chi phí bán hàng, chi phí quản lý… theo đó cũng được các đơn vị trong ngành tiết giảm. Cộng hưởng với việc doanh thu tăng, lợi nhuận ròng của nhiều doanh nghiệp cao su đã tăng bằng lần so với cùng kỳ. Một số doanh nghiệp có mức tăng lợi nhuận lớn có thể kể đến như DRG (tăng 4.3 lần), TNC (tăng 3.7 lần), Cao su Tây Ninh (HOSE: TRC) (tăng 2.7 lần), Cao su Bà Rịa (UPCoM: BRR) (tăng 2 lần) và có mức tăng mạnh nhất là Cao su Đồng Phú - Đắk Nông (UPCoM: DPD) khi lợi nhuận doanh nghiệp này tăng hơn 11 lần.
Khi mà yếu tố ngành thuận lợi và các công ty con như RTB, BRR, TRC đều có mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (HOSE: GVR) báo lợi nhuận ròng quý 3 đạt gần 1,241 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ.
Riêng trường hợp của TNC, dù lợi nhuận tăng mạnh nhưng lợi nhuận chủ yếu của Công ty lại đến từ cổ tức nhận được từ công ty liên kết - CTCP Dịch vụ Xuất Nhập khẩu Nông lâm sản và Phân bón Bà Rịa.
Bên cạnh những doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận lớn thì vẫn có một số doanh nghiệp đứng ngoài bữa tiệc, trong đó có cả PHR - một doanh nghiệp lớn trong ngành.
Việc lợi nhuận của PHR “đi lùi” không chỉ mới xuất hiện ở quý 3, ở hai quý đầu năm 2021, Công ty này cũng gặp tình trạng tương tự. Nguyên nhân chung khiến thành quả của PHR bị kéo lùi dù doanh thu vẫn tăng trưởng ổn định là mức nền cao của năm 2020. Cụ thể, vào đầu năm 2020, PHR đã nhận 300 tỷ đồng tiền đền bù khi bàn giao đất cho CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (UPCoM: NTC) để thực hiện dự án KCN Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2. Do PHR phân bổ khoản thu nhập đột biến nên lợi nhuận các quý trong năm 2020 của Công ty nhìn chung đều ở mức cao.
Còn với Cao su Hòa Bình (HOSE: HRC), do giá vốn sản xuất không được tiết giảm và phải tăng trích lập quỹ trợ giúp mất việc làm, lợi nhuận ròng quý 3 của Công ty chỉ ghi nhận gần 600 triệu đồng, giảm 49% so với cùng kỳ, dù doanh thu từ hoạt động kinh doanh cao su lẫn cổ tức được chia từ các công ty liên kết đều tăng.
Bỏ qua thiểu số các doanh nghiệp có kết quả bị kéo lùi thì quý 3 nhìn chung vẫn là một quý “thắng lớn” của các doanh nghiệp sản xuất cao su thiên nhiên.
Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), tổng cầu thế giới về cao su thiên nhiên trong năm 2021 là khoảng 14.1 triệu tấn nhưng sản lượng dự kiến chỉ ở mức 13.86 triệu tấn, điều này sẽ tạo cơ hội cho giá cao su thiên nhiên tăng trở lại trong những tháng cuối năm. Trên thực tế, giá cao su thế giới đã tăng trở lại từ giữa tháng 9 và vẫn đang duy trì xu hướng tăng.
Giá cao su chuyển biến tích cực sẽ là tin vui cho các doanh nghiệp sản xuất cao su thiên nhiên. Tuy nhiên, mức tăng trưởng lợi nhuận quý 4/2021 và quý 1/2022 có thể sẽ không ghi nhận sự đột biến do 3 tháng cuối năm 2020 và tháng 1/2021 là khoảng thời gian giá cao su thế giới tăng “nóng” trước đó.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận