Doanh nghiệp bắt đầu tái cấu trúc...
Trong bối cảnh dòng tiền bị đứt gãy, tiếp cận vốn khó khăn, các doanh nghiệp đang bắt đầu quyết liệt tái cấu trúc hoạt động và tình hình tài chính của mình, nhằm từng bước thoát khỏi các khó khăn phải đối mặt trong thời gian qua.
Tăng cường nguồn lực tài chính
Sau phiên giao dịch khớp lệnh kỷ lục hơn 128,5 triệu cổ phiếu ngày 22-11, cổ phiếu Novaland (HOSE:NVL) những tưởng đã được “giải cứu” sau 13 phiên sàn, nhưng thực tế giá cổ phiếu này tiếp tục giảm sàn thêm ba phiên trước khi được giải cứu lần 2 vào phiên ngày 28-11, với thêm hơn 104 triệu cổ phiếu được trao tay và lần đầu tiên đóng cửa không giảm trong 24 phiên gần nhất. Điều này cho thấy lượng hàng bán giải chấp dường như đã được hấp thụ hết. Dù vậy, so với thời điểm cuối tháng 10, cổ phiếu NVL đã bốc hơi hơn 70% giá trị, cùng với cổ phiếu PDR trở thành hai cổ phiếu giảm mạnh nhất trên sàn trong tháng 11 này.
Có vẻ như nhà đầu tư đang kỳ vọng vào những giải pháp tái cấu trúc hoạt động của Novaland được đưa ra gần đây, rằng có thể giúp giải quyết bớt những khó khăn và thách thức mà tập đoàn bất động sản này phải đối mặt suốt thời gian qua. Đó là nguy cơ dòng tiền kinh doanh đứt gãy, các dự án bị chậm tiến độ, trong khi doanh số tiêu thụ sản phẩm chậm lại do giá bất động sản lao dốc, là áp lực mua lại trước hạn các trái phiếu đã phát hành, cho đến khả năng tiếp cận các nguồn vốn mới, đặc biệt với dòng vốn tín dụng từ ngân hàng.
Những giải pháp giúp tái cấu trúc nợ trái phiếu doanh nghiệp đang được kỳ vọng hơn bao giờ hết, và nếu được thực thi cũng có thể góp phần giúp thị trường chứng khoán phục hồi trở lại.
Gần đây, Hội đồng quản trị (HĐQT) Novaland đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho trái chủ. Cụ thể, 5 trái phiếu mệnh giá 200.000 đô la Mỹ, tương đương với hơn 23 tỉ đồng của Citigroup Global sẽ được chuyển đổi thành cổ phiếu với giá 85.000 đồng/cổ phiếu. Được biết, 5 trái phiếu kể trên nằm trong khoản huy động vốn bằng việc phát hành 1.500 trái phiếu chuyển đổi vào ngày 16-7-2021 của Novaland cho các nhà đầu tư quốc tế do The Bank of New York Mellon và Credit Suisse thu xếp và làm đại lý phát hành.
Đáng lưu ý là mức giá chuyển đổi này cao hơn gấp 4 lần mức thị giá tính đến ngày 28-11 của cổ phiếu NVL. Tuy nhiên, theo nhận định của giới tài chính, giao dịch giữa Novaland và Citigroup Global theo dạng Private Investment in Public Equity (đầu tư tư nhân vào cổ phần đại chúng) với các điều khoản đi kèm.
Có khả năng có một thỏa thuận mua lại số cổ phiếu NVL được hoán đổi cho Citigroup Global với mức giá cao hơn mức giá hoán đổi (85.000 đồng/cổ phiếu). Cách thức này có thể giúp Novaland tạm gia hạn khoản nợ. Hoặc khi giá cổ phiếu về đến mức giá hợp lý, Citigroup Global sẽ chủ động bán ra số cổ phiếu trên.
Song song đó, cổ đông lớn của Novaland là CTCP NovaGroup mới đây thông báo đăng ký bán 150 triệu cổ phiếu NVL, tương đương gần 7,7% vốn điều lệ, nhằm tập trung bổ sung các nguồn vốn để thực hiện các phương án xử lý trái phiếu, đưa hệ số tài chính về mức an toàn trong chiến lược tái cấu trúc toàn bộ tập đoàn. Thông tin đưa ra cho thấy tập đoàn này đã đàm phán thành công với nhà đầu tư và các tổ chức có năng lực tài chính lớn tham gia nhận chuyển nhượng một phần vốn Novaland, và thời gian thực hiện chuyển nhượng dự kiến từ cuối tháng 11 đến tháng 12-2022.
Một số doanh nghiệp trên sàn cũng chứng kiến cổ đông lớn, lãnh đạo doanh nghiệp đang tìm cách thoái bớt vốn để tăng cường nguồn lực tài chính trong bối cảnh dòng vốn khan hiếm như hiện nay, bất chấp giá nhiều cổ phiếu đã giảm rất mạnh trong thời gian qua.
Tại một doanh nghiệp bất động sản lớn khác là Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (HOSE:DIG), nơi giá cổ phiếu đã bốc hơi hơn 90% từ đỉnh nhưng có dấu hiệu bật lại gần đây, cổ đông lớn là CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân mới đây thông báo đã bán ra 8,3 triệu cổ phiếu DIG trong hai ngày 21 và 22-11 với mục đích giảm sở hữu. Sau giao dịch, tổ chức này chỉ còn nắm giữ gần 71,9 triệu cổ phiếu DIG nhưng vẫn là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 11,79%.
Hay như tại CTCP Chứng khoán VIX, ông Nguyễn Văn Tuấn (em ruột bà Nguyễn Thị Tuyết – Chủ tịch HĐQT VIX) và đang là Tổng giám đốc Tập đoàn GELEX, đăng ký bán ra hơn 87,4 triệu cổ phiếu tương ứng 15,02% tổng số cổ phiếu VIX đang lưu hành. Đồng thời, bà Dương Thị Hồng Hạnh – vợ ông Tuấn cũng đăng ký bán 21,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,64% tổng số cổ phiếu VIX đang lưu hành. CTCP FTG Việt Nam (Tổng giám đốc công ty này là chồng của bà Tuyết) cũng đăng ký bán toàn bộ hơn 26,8 triệu cổ phần VIX đang nắm giữ, tương ứng 4,61%. Tổng số cổ phiếu VIX của ba nhà đầu tư có liên quan đến Chủ tịch HĐQT VIX đăng ký bán là 135,4 triệu cổ phiếu, tương đương gần 23,3% lượng cổ phiếu đang lưu hành của VIX.
Tái cấu trúc trái phiếu
Bên cạnh việc tăng cường nguồn lực tài chính, việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) gần đây nhận được một số đề xuất về giải pháp hỗ trợ thị trường này cũng đang thu hút sự quan tâm. Nếu được thực thi, sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn và căng thẳng về nguồn vốn để xử lý những vấn đề ở kênh huy động vốn rất quan trọng này, cũng như có thêm điều kiện để tái cấu trúc lại các khoản nợ của mình, vượt qua giai đoạn bất ổn hiện nay.
Thực tế cho thấy những áp lực mua lại trước hạn trái phiếu đã phát hành cũng như tất toán khi đáo hạn vẫn còn lớn trong tháng cuối năm nay và đặc biệt là trong năm 2023, đã khiến không ít doanh nghiệp điêu đứng trong thời gian gần đây, nhất là khi các kênh tiếp cận vốn khác như tín dụng ngân hàng hay thị trường chứng khoán cũng bị thu hẹp đáng kể.
Thống kê cho thấy trong 10 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã tiến hành mua lại gần 147.500 tỉ đồng trái phiếu, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước.
Đơn cử như Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng gần đây đã hoàn tất mua lại trước hạn ba năm lượng trái phiếu trị giá 1.600 tỉ đồng. Hay mới đây nhất, vào ngày 25-11, CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt cho biết thực hiện mua lại trước hạn lô trái phiếu đã phát hành vào cuối năm 2021 (có kỳ hạn hai năm), tổng số tiền chi ra là 150 tỉ đồng. Vào cuối tháng 10 vừa qua, doanh nghiệp này đã tất toán khoản vay vốn lưu động có giá trị tổng cộng 220 tỉ đồng cho Tập đoàn tài chính Mirae Asset (Hàn Quốc). Tương tự, Bất động sản An Gia cũng cho biết kế hoạch mua lại trước hạn lô trái phiếu có tổng giá trị 300 tỉ đồng, dự kiến thực hiện trong quí này.
Chính vì vậy, những giải pháp giúp tái cấu trúc nợ trái phiếu đang được kỳ vọng hơn bao giờ hết, và nếu được thực thi cũng có thể góp phần giúp thị trường chứng khoán phục hồi trở lại.
Gần đây, hãng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam là FiinRatings đã đưa ra một số phương án khả thi và đang được các doanh nghiệp áp dụng như: gia hạn kỳ trả nợ có thanh toán, gia hạn kỳ trả nợ không cần thanh toán, hay “hàng đổi hàng”. Các giải pháp này giúp nhà phát hành không bị áp lực dòng tiền và nhà đầu tư vẫn có thể thu hồi khoản đầu tư trong tương lai mà không phải cắt lỗ.
Ngoài ra, các chuyên gia của tổ chức này cho rằng: “Nên có các hướng dẫn cụ thể về xử lý vấn đề tái cấu trúc nợ trái phiếu và xử lý trong các tình huống không mong muốn xảy ra khi có các trường hợp vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ trái phiếu”.
Trong khi đó, đánh giá về việc xử lý các vi phạm ở kênh trái phiếu doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Minh Chính mới đây tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách cho rằng vừa qua đã xử lý một số hành vi, việc làm không đúng pháp luật liên quan đến vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, một số tổ chức tín dụng yếu kém; bởi vấn đề này không thể không xử lý, càng để lâu càng ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận