Điểm tựa cho cổ phiếu ngân hàng
Trong gần 10 tháng năm 2024, cổ phiếu nhóm ngân hàng trở thành trụ kéo VN-Index; Có phiên nhờ sự bứt phá của nhóm cổ phiếu này chỉ số đã vượt 1.300 điểm tuy nhiên áp lực chốt lời mạnh khiến cho VN-Index quay đầu giảm.
Dù chưa giữ được mốc quan trọng này nhưng nhờ sự tăng trưởng ổn định của nhóm cổ phiếu ngân hàng, VN-Index vẫn giữ được các ngưỡng tâm lý quan trọng. Tính từ đầu năm đến nay, một số cổ phiếu nhóm ngân hàng tăng khá mạnh so với các ngành khác như LPB tăng hơn 90%; HDB tăng hơn 34%; STB tăng hơn 27%...
Sở dĩ cổ phiếu ngân hàng vẫn duy trì được đà tăng trưởng, theo các chuyên gia chứng khoán do nhóm ngành này luôn là lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư trong một big trend (xu hướng lớn). Nguyên do là về mặt vốn hóa, ngân hàng chiếm trên 60% tổng vốn hóa thị trường. Về giao dịch, cổ phiếu ngân hàng thường chiếm từ 28 - 42% tổng khớp lệnh thị trường. Theo đó, đây là lựa chọn tốt cho các quỹ đầu tư lớn, bởi họ sẽ rót tiền vào nhóm có thanh khoản cao. Chẳng hạn, quỹ PYN Elite Fund phân bổ 50% danh mục đầu tư vào các cổ phiếu thuộc ngành Ngân hàng và vẫn giữ quan điểm vững chắc về tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ từ nhóm này. Cuối cùng, kết quả kinh doanh, ngành ngân hàng chiếm khoảng 52% tổng lợi nhuận trước thuế của sàn niêm yết. Từ những yếu tố trên có thể khẳng định cổ phiếu nhóm ngành Ngân hàng là hàn “thử biểu” quan trọng cho thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sức hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng chủ yếu do các ngân hàng kinh doanh rất bài bản, mức độ rủi ro thấp và triển vọng kinh doanh cũng rất khả quan cùng với đà tăng trưởng của nền kinh tế.
“Kỳ vọng nợ xấu toàn Ngành đã tạo đỉnh vào quý II khi các tín hiệu như nợ nhóm hai hình thành mới, nợ nhóm 3, 4 và tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng đã giảm so với quý trước. Ngoài ra, thu nhập từ thu hồi nợ xấu đã xử lý chủ yếu là thanh lý tài sản đảm bảo là bất động sản cũng đang có những tiến triển khả quan. Những diễn biến này là chỉ báo sớm mang nhiều hàm ý tích cực cho xu hướng hình thành nợ xấu và kéo theo chi phí tín dụng giảm dần trong các quý tiếp theo”, VDSC nhận định.
CTCK Agribank (Agriseco) cũng lựa chọn ngân hàng là một trong 5 nhóm ngành dự kiến tăng trưởng lợi nhuận quý III khả quan cùng với phân bón, bán lẻ, chăn nuôi, logistics. Cơ sở để khối phân tích Agriseco đưa ra nhận định trên dựa vào kỳ vọng lợi nhuận ngành Ngân hàng trong quý III duy trì đà tăng (ước tính +24%) trên nền thấp cùng kỳ năm ngoái dựa vào ba yếu tố.
Thứ nhất, tín dụng bình quân Ngành 9 tháng tiếp tục tăng trưởng tốt và đạt trên 8%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (6,96%). Điều này nhờ vào tăng cường đẩy mạnh giải ngân lĩnh vực tiêu dùng cá nhân, các doanh nghiệp sản xuất (kích cầu tín dụng sau bão lũ qua gói tín dụng hỗ trợ 405.000 tỷ đồng đã được Thủ tướng phê duyệt); dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản, xây dựng đã có dấu hiệu phục hồi trong quý II và kỳ vọng tiếp tục gia tăng trong quý III; hiện tại room tín dụng của một số ngân hàng được NHNN nới rộng thêm 2-2,5%, sau khi hoàn tất 80% hạn mức tín dụng giao đầu năm. Thứ hai, dự kiến tỷ lệ NIM trong quý cải thiện lên mức trên 3,7% nhờ mức giảm của chi phí vốn thấp hơn mức giảm của lợi suất tài sản cho vay. Thứ ba, tỷ lệ nợ xấu toàn Ngành trong quý II duy trì ở mức 2,2%. Bên cạnh đó, nợ nhóm hai đã dần hạ nhiệt so với quý I khi giảm từ mức 2,1% về 1,8%, và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (2,6%), hỗ trợ giảm áp lực nợ xấu tăng trong các tháng cuối năm. Đây là yếu tố hỗ trợ lợi nhuận ngành Ngân hàng tăng trưởng trong quý III.
Chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn hóa toàn TTCK Việt Nam, cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng tiếp tục hỗ trợ tích cực cho xu hướng tăng trưởng bền vững hơn trong những tháng cuối năm 2024. Tuy nhiên, để giúp thị trường vượt mốc 1.300 điểm bền vững hơn, theo chuyên gia ngân hàng TS. Châu Đình Linh chỉ riêng nhóm cổ phiếu ngân hàng là chưa đủ, mà cần có sự “hưởng ứng” của những nhóm ngành khác, nhất là cổ phiếu bất động sản. Bởi thời điểm này chưa có yếu tố nào đủ mạnh tạo sự bứt phá cho cổ phiếu ngân hàng. Chưa kể, bên cạnh một số ngân hàng có kết quả kinh doanh tăng trưởng cao, cũng có những nhà băng nhiều khả năng tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn trung bình ngành hoặc âm. Theo đó, cổ phiếu ngân hàng cũng sẽ có sự phân hóa. Có cổ phiếu tăng giá mạnh nhưng có cổ phiếu chỉ tăng nhẹ, hoặc giữ giá thậm chí là giảm.
Hiện tại, những ngân hàng có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực thương mại, sản xuất, bất động sản, xây dựng, và cơ sở khách hàng bán lẻ bền vững, theo đó tăng trưởng tín dụng tích cực hơn sẽ được các NĐT ưu tiên hơn. Ngoài ra, ngân hàng có câu chuyện riêng như tăng vốn, chia cổ tức… cũng được các NĐT để mắt tới.
Trước mắt theo chuyên gia, chiến lược đầu tư cuối năm trong mọi trường hợp, nhà đầu tư nên chia thành nhiều giỏ khác nhau. Bởi việc lựa chọn danh mục tăng trưởng tốt cũng phải đối mặt rủi ro đà phục hồi có tích cực hay không. “Tôi cho rằng xây dựng danh mục phù hợp khẩu vị rủi ro ở hiện tại và có thể điều chỉnh cho khẩu vị thay đổi trong tương lai là phương án tốt nhất đối với nhà đầu tư. Chia rổ danh mục phù hợp với năng lực tài chính phù hợp và có thể điều chỉnh cho phù hợp với năng lực tài chính tương lai”, một chuyên gia chứng khoán khuyến nghị.
Nhìn về 2025, CTCK BIDV (BSC) đánh giá triển vọng cổ phiếu ngân hàng khả quan với dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của danh sách ngân hàng theo dõi đạt mức 22%. Trong đó, một số cái tên BSC dự báo sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận vượt trội trong năm sau bao gồm CTG, MBB, STB, TCB, VPB...
Xét về mặt định giá, theo BSC triển vọng tăng trưởng năm tới chưa được phản ánh lên giá cổ phiếu khi nhiều ngân hàng đang có mức định giá tương đối thấp so với lịch sử. Do đó, BSC khuyến nghị tích lũy cổ phiếu ngân hàng cho tầm nhìn trung dài hạn ngay cả khi triển vọng tăng trưởng lợi nhuận trong ngắn hạn chưa có nhiều bất ngờ. Công ty này điểm danh có một số ngân hàng có động lực tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững, trong khi chưa được trả định giá tương xứng như ACB, CTG, MBB, TCB, VPB.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận