Cổ phiếu ngân hàng vẫn "ngủ đông" trong mùa đại hội
Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, vẫn là "niềm đau" của không ít cổ đông.
Mùa đại hội cổ đông ngân hàng năm 2022 đang dần khép lại với những thông tin tích cực liên quan đến kế hoạch kinh doanh trong năm. Cộng thêm hầu hết các ngân hàng niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý I/2022 với chỉ tiêu lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ.
Lãnh đạo ngân hàng "trấn an" cổ đông
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (Lienvietpostbank, mã: LPB) tổ chức mới đây, đã có cổ đông chất vấn vì sao giá cổ phiếu LPB liên tục đi xuống?
Trả lời thắc mắc này, ông Phạm Doãn Sơn, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Lienvietpostbank cho biết, giá cổ phiếu diễn biến hoàn toàn là theo thị trường, không có chuyện thổi giá.
"Nhiều kỳ đại hội, giá cổ phiếu LPB có lúc xuống 6.000-7.000 đồng/cổ phiếu, cổ đông hỏi giá cổ phiếu sao thấp thế, tôi nói thật cũng không hiểu tại sao. Giá cổ phiếu là giá tự do và không có chuyện ngân hàng thổi giá hay giữ giá. Tôi không biết làm giá cổ phiếu LPB lên cao, tôi chỉ biết làm sao cho ngân hàng tốt nhất", ông Sơn chia sẻ với cổ đông.
Lãnh đạo LienVietPostBank cũng cho hay, cổ đông có thể nhìn vào việc thoái vốn không thành vừa qua của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) để đánh giá giá trị thực của ngân hàng. VNPost đã thuê tổ chức tư vấn độc lập định giá, muốn bán cổ phiếu LPB ở mức giá khởi điểm 28.930 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, thương vụ không thành công do giá cổ phiếu LPB trên thị trường giảm mạnh, thấp hơn mức kỳ vọng.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu LPB ghi nhận đạt đỉnh lịch sử vào đầu tháng 6/2021 ở mức giá trên 27.000 đồng/cổ phiếu, sau đó có xu hướng sụt giảm liên tục. Trong 3 tháng qua, thị giá của LPB đã giảm hơn 28%, thậm chí rớt mạnh trong những tuần gần đây theo đà suy giảm chung của thị trường. Hiện LPB đang giao dịch quanh mốc 16.000 đồng/cổ phiếu với vốn hóa hơn 20.065 tỷ đồng.
Không chỉ riêng tại Lienvietpostbank, cổ đông của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã: TCB) cũng bày tỏ sự thất vọng với diễn biến giá cổ phiếu TCB vừa qua. Thậm chí, ngay cả khi thị trường sôi động nhất, cổ phiếu TCB cũng không tăng như kỳ vọng, trong khi đó, ngân hàng đã nhiều năm không có kế hoạch chia cổ tức.
Tại đại hội, ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank cho biết, hầu hết các chỉ số đánh giá hiệu quả ngân hàng như: biên lãi ròng (NIM), tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA), chi phí vốn… thì Techcombank đều đang làm tốt hơn so với thị trường. Những điều này đã đem lại thành quả nhất định cho Techcombank.
Tuy nhiên, vị này cũng chia sẻ nỗi lòng của cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu TCB khi thị giá sụt giảm đáng kể gần đây. “Tôi có thể hiểu được tâm tư của cổ đông là ngân hàng hoạt động tốt như vậy, nhưng các kết quả đó đã được phản ánh đầy đủ trong giá cổ phiếu hay chưa? Rất tiếc, tôi phải trả lời là chưa phản ánh đầu đủ", ông Jens Lottner nói.
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank chia sẻ thêm, đúng là thời gian qua cổ phiếu TCB không tăng như một số cổ phiếu khác. Tuy nhiên, sức bền của cổ phiếu TCB rất tốt, vì cả thị trường biết đó là giá trị thật. Quan trọng là phát triển bền vững và mang lại lợi ích cho cổ đông về dài hạn.
Trước đó, trong phiên thảo luận đại hội cổ đông thường niên năm 2022, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (Mã: SHB) cũng giải đáp thắc mắc của cổ đông về lí do ngân hàng ghi nhận kết quả lợi nhuận tích cực, song giá cổ phiếu liên tục giảm mạnh; đồng thời đề nghị không nên phát hành cổ phiếu để tăng vốn, vì có thể làm giảm thị giá cổ phiếu.
Theo ông Hiển, cổ đông là những người chủ của ngân hàng, tất cả đều hướng đến nâng cao sức khoẻ, năng lực tài chính cho ngân hàng. Do đó, việc tăng vốn là cần thiết để ngân hàng đảm bảo chuẩn mực quốc tế, an toàn, bền vững. Ở thời điểm hiện tại, tuy giá cổ phiếu có sụt giảm, nhưng cổ đông khi phân tích kĩ sẽ thấy cổ phiếu đang giá trị cao hơn thị giá và rất đáng để đầu tư.
Vì đâu nên nổi?
Trên thực tế, thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngân hàng sau khi đạt đỉnh vào tháng 6/2021 thì bắt đầu bị điều chỉnh mạnh, sau đó hầu hết là đi ngang. Đặc biệt, trong tháng 4/2022, nhóm cổ phiếu này cũng bị điều chỉnh mạnh cùng với xu hướng chung của thị trường. Hầu hết thị giá của các cổ phiếu ngân hàng đều sụt giảm, thậm chí có cổ phiếu "lao dốc" tới 20% chỉ trong tháng này. Chẳng hạn, TCB có mức giảm hơn 10%; SHB (-25%); ABB (-19%); LPB (-18%); CTG (-13%)…
Theo ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (MAS), các ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định với lợi nhuận có thể đạt 2 con số trong năm nay, trong khi dư địa thị trường tài chính Việt Nam còn rất cao. Về nội tại, các ngân hàng rất tiềm năng tăng trưởng, song giá cổ phiếu lại không quá nổi trội so với các ngành khác.
Lý giải lý do nhóm cổ phiếu ngân hàng "ngủ đông" gần một năm nay, ông Minh cho rằng, ngành ngân hàng có một số rủi ro trong năm 2022 và một số năm tới. Đó là vấn đề nợ xấu từ các khoản nợ tái cơ cấu. Trong năm 2021, các khoản vay của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đã được các ngân hàng cơ cấu lại nợ theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
"Dù thời điểm này ngân hàng chưa phải phân loại các khoản nợ cơ cấu, nhưng cũng không thể xoá hoặc để ngoại bảng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Do đó, nợ xấu có thể tăng trở lại trong thời gian tới", ông Minh cho biết. Ngoài ra, vấn đề tăng lãi suất cũng là một trong những lí do khiến dòng tiền chưa chảy vào nhóm cổ phiếu này.
Tại một Talkshow mới đây do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức, ông Trần Hải Hà, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cũng cho rằng, thị trường khả năng đang chờ đợi các ngân hàng trích lập dự phòng, khi mà câu chuyện nợ xấu thực chất của ngân hàng có thể một năm sau mới rõ ràng hơn.
Theo ông Hà, một nguyên nhân nữa khiến nhiều cổ phiếu không thu hút được dòng tiền dù kết quả kinh doanh vẫn rất tích cực, đó là đa số các ngân hàng trong Top đầu đều đã hết room ngoại. Vì thế, sự tham gia thêm của các cổ đông nước ngoài là không có.
Chưa kể, thời gian qua, không ít ngân hàng có kế hoạch tăng vốn thông qua việc phát hành thêm hoặc chia thưởng cổ tức bằng cổ phiếu… khiến áp lực "pha loãng" quá lớn. Hiện vốn hóa của nhóm cổ phiếu ngân hàng là rất lớn, chiếm gần 30% vốn hóa toàn thị trường.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, với những biện pháp mạnh tay gần đây của cơ quan quản lý trong việc làm "sạch" thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và việc siết tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước đã khiến tâm lý thị trường bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Nhóm cổ phiếu ngân hàng với tỷ trọng vốn hoá lớn sẽ khó thoát khỏi xu hướng chung này.
Về mặt dài hạn, cổ phiếu ngân hàng vẫn được nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư nắm giữ. Trong năm 2022, ngành ngân hàng được dự báo có thể đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế từ 25% trở lên nhờ tăng trưởng tín dụng phục hồi. Với mức tăng trưởng này, các ngân hàng có thể bao phủ nợ xấu nếu chẳng may rủi ro này xảy ra. Thêm vào đó, kế hoạch bán vốn chiến lược, ký kết hợp đồng bảo hiểm, tăng vốn... tiếp tục sẽ là cú hích quan trọng, có thể hút dòng tiền trở về nhóm cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận