Cổ phiếu đáng chú ý ngày 30/1: DRC, VCB, PVT, MSN, FRT, PC1
Trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 30/1 của các công ty chứng khoán.
DRC - Nhu cầu chững lại do những thách thức kinh tế toàn cầu
CTCK Bản Việt (VCSC)
CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) đã công bố kết quả kinh doanh quý 4/2022 với doanh thu thuần đạt 1,1 nghìn tỷ đồng (giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 82 tỷ đồng (giảm 6%).
Chúng tôi cho rằng doanh thu giảm trong quý 4/2022 là do (1) mức cơ sở tương đối cao trong quý 4/2021 do các hạn chế về di chuyển được nới lỏng ở Việt Nam và nhu cầu bùng nổ sau khi ngừng hoạt động do COVID-19 trong quý 3/2021, bên cạnh (2) nhu cầu thị trường quốc tế thấp hơn do suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trong cả năm 2022, doanh thu của DRC là 4,9 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 12%), hoàn thành 95% dự báo cả năm của chúng tôi. Ngoài ra, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cả năm 2022 đạt 308 tỷ đồng (tăng 6% so với năm trước), hoàn thành 96% dự báo cả năm của chúng tôi.
Dự kiến tăng trưởng tín dụng của VCB trong năm 2023 sẽ cao hơn ngành
CTCK Tiên Phong (TPS)
VCB là được đánh giá ngân hàng an toàn hiệu quả. Với mức dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2023 sẽ thấp hơn so năm 2022, VCB là ngân hàng có lợi thế cạnh trạnh về quy mô (thuộc nhóm “big 4”) cũng hiệu quả quản lý cao hơn sẽ giúp VCB gia tăng thị phần.
Với tỷ trọng tín dụng bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp, VCB được đánh giá đạt mức an toàn hoạt động hơn so với các doanh nghiệp khác trước những biến động bất lợi trên diễn biến của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.
Trong năm 2023, chúng tôi cho rằng VCB dự kiến sẽ tăng trưởng tín dụng cao hơn ngành nhờ vào VCB nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém, NIM sẽ kì vọng sẽ bị giảm ít hơn so với các ngân hàng khác với tỷ lệ cho vay khách hàng có xu hướng gia tăng và duy trì tỷ lệ CASA cao (thuộc top 4 trong ngành) giúp duy trì NIM, tiếp tục gia tăng thế mạnh thu nhập ngoài lãi như hoạt động thanh toán và ngoại hối, đồng thời nợ xấu tiếp tục kiểm soát hiệu quả.
Định giá: Theo ước tính của chúng tôi, P/B fw 2023 của VCB là 2.5x, so với định giá trung bình lịch sử 5 năm là 3.6x.
Rủi ro: Lãi suất tăng mạnh hơn làm gia tăng chi phí vốn, nợ xấu cao tăng, triển vọng kinh tế khó khăn hơn tăng trưởng tín dụng thấp hơn.
PVT chưa hấp dẫn cho đầu tư trung dài hạn
CTCK Tiên Phong (TPS)
Quan điểm đầu tư đối với cổ phiếu PVT là vận chuyển dầu thô và sản phẩm toàn cầu các phân khúc có thể sẽ ổn định vào năm 2023, động lực tăng giá cước sẽ đối mặt với những thách thức do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Tuy nhiên, ngành vận tải dầu thô và sản phẩm xăng dầu trong nước vẫn có động lực tiếp tục tăng trưởng nhờ giá cước vận chuyển dầu thô vẫn ở mức cao và vấn đề an ninh năng lượng tạo tính cấp thiết nhu cầu gia tăng dự trữ dầu thô và xăng dầu quốc gia.
Giá cổ phiếu PVT đang giao dịch ở mức P/E khoảng 8.0 lần tiệm cận mức trung bình 5 năm 8.5 lần, vùng giá hiện tại của PVT chưa hấp dẫn cho đầu tư trung dài hạn.
Rủi ro: giá dầu biến động phức tạp ảnh hưởng đến nguồn cung và nhu cầu xăng dầu, giá cước vận tải chịu nhiều tác động từ diễn biến giá cước vận tải thế giới trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, trong giai đoạn đầu tư tàu nên khấu hao và nợ vay cao với D/E là 52.3% do đó lãi suất và tỷ giá tăng ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty.
MSN - Bước vào giai đoạn sóng tăng 3
CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)
Điểm nhấn kỹ thuật
- Kháng cự ngắn hạn: 110
- Hỗ trợ ngắn hạn: 91,35
- Xu hướng ngắn hạn: Tăng
- Kháng cự trung hạn: 117
- Hỗ trợ trung hạn: 82,9
- Xu hướng trung hạn: Tăng
Phân tích:
Stock Rating của MSN ở mức 91 điểm cho nên mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này là tích cực. Đồ thị giá của MSN đóng cửa tăng 2,1% và vượt hoàn toàn đường trung bình 20 phiên với khối lượng giao dịch tăng mạnh so với mức khối lượng trung bình 20 phiên.
Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên đồ thị giá có thể sẽ bước vào giai đoạn sóng tăng 3, đây là giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất với thanh khoản cao.
Theo đồ thị tuần, đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn tích lũy trung hạn và điểm tích cực nhất là đồ thị giá xác nhận mô hình tăng Bullish Gartley. Xu hướng ngắn hạn của MSN cũng được nâng lên mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua cổ phiếu này ở mức giá hiện tại.
FRT - Xuất hiện tín hiệu mua
CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)
Phân tích:
Chỉ số danh mục đầu tư của Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YS30) đóng cửa ở mức 86,5 điểm, tăng 1,1% so với phiên giao dịch trước với khối lượng giao dịch tăng 28% so với phiên trước đó. Đồng thời, đồ thị giá của chỉ số này đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên đồ thị giá được kỳ vọng có thể nhanh chóng hướng về mức kháng cự kế tiếp 92,95 điểm.
Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của chỉ số YS30 vẫn duy trì ở mức tăng. Hệ thống chỉ báo xu hướng của Chứng khoán Yuanta Việt Nam xuất hiện tín hiệu mua ngắn hạn cổ phiếu FRT cho nên các nhà đầu tư có thể xem xét mua và tăng dần tỷ trọng nhóm cổ phiếu YS30.
PC1 - Dự án mới sẽ hỗ trợ tăng trưởng trong những năm tới
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Phân tích:
Theo báo cáo cập nhật gần đây của Chứng khoán Rồng Việt, mỏ niken được xem như một “phần quà”, dự kiến sẽ bắt đầu vào đầu năm 2023. Lĩnh vực này được dự báo sẽ đóng góp vào doanh thu khoảng 950/1.300 tỷ đồng trong năm tài chính 2023/2024 và đóng góp vào lợi nhuận sau thuế của công ty khoảng 80 - 100 tỷ đồng trong năm 2023 và 2024.
Tuy nhiên, sự không chắc chắn ngày càng tăng khi giá Niken biến động có thể dẫn đến lợi nhuận không như kỳ vọng và có thể làm sai lệch tăng trưởng thu nhập vào năm 2023. VDSC cho rằng cần theo dõi chặt chẽ quy trình tinh chế và giá bán sản phẩm cuối cùng của công ty để đảm bảo đóng góp vào mỏ Niken này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận