Cổ phiếu cần quan tâm ngày 1/3: DGW, VCS, HND, MWG, BMI, CII, CTG, DGC, PVS
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 1/3 của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu DGW
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Cổ phiếu DGW của CTCP Thế giới số đóng cửa ở mức giá 93.200 đồng/cp vào ngày 22/02/2021, giao dịch ớ mức P/E năm 2021 là 9,8x và PEG năm 2021 ở mức 0,2 cho mức ROE mạnh mẽ là 27,4% và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận kép giai đoạn 2020-23 là 31,2%.
Chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM với giá mục tiêu 1 năm theo phương pháp DCF là 121.764 đồng/cp (lợi nhuận tiềm năng 32,3%; bao gồm suất cổ tức là 1,6%).
BVSC duy trì quan điểm DGW đang ở vị thế cạnh tranh để hưởng lợi từ các xu hướng mới nổi của thị trường công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam, bao gồm: (1) Việc hợp nhất ngày càng tăng của thị trường phân phối máy tính xách tay cũng như nhu cầu tích cực đối với máy tính xách tay kể cả sau COVID-19, (2 ) Một chu kỳ thay thế mới cho điện thoại di động khi ngừng hoạt động 2G và phát triển 5G.
Theo đó, Xiaomi với chất lượng sản phẩm vượt trội ở khung giá cạnh tranh sẽ đảm bảo vị thế cạnh tranh trên thị trường điện thoại di động trung cấp quy mô lớn ở Việt Nam; BVSC ưa thích mô hình kinh doanh của DGW, tạo sự khác biệt với các công ty phân phối khác thường chỉ cung cấp dịch vụ đơn lẻ, giá trị thấp.
Quản lý dòng tiền từ hoạt động kinh doanh hiệu quả gần đây không chỉ cho phép DGW giữ đòn bẩy ở mức hợp lý, mà nó còn chứng tỏ vị thế của công ty tốt hơn đối với các nhà cung cấp và khách hàng của mình.
BVSC kỳ vọng triển vọng tăng trưởng kết quả kinh doanh mạnh mẽ của Công ty và khả năng thương thảo gia tăng và cải thiện thanh khoản trong thời gian tới là cơ sở để định giá của DGW cao hơn.
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếuVCS của Công ty cổ phần VICOSTONE đang ở trong trạng thái tăng giá sau khi đã có giai đoạn giảm mạnh trong nửa cuối tháng 1. Thanh khoản cổ phiếu hiện đang duy trì giá trị ổn định.
Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Phiên giao dịch cuối tuần ngày 26/2, đường EMA12 vừa cắt lên trên đường EMA26 đồng thời chỉ báo động lượng RSI đang ở trên giá trị 50 nên cổ phiếu có tiềm năng duy trì đà tăng trong ngắn hạn.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của VCS nằm tại khu vực xung quanh 83. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 95, cắt lỗ nếu ngưỡng 79.8 bị xuyên thủng.
CTCK Bản Việt (VCSC)
Ngày đăng ký cuối cùng và ngày thanh toán dự kiến cho đợt tạm ứng ngày lần lượt là ngày 18/03 và 30/03.
CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (HND) công bố tạm ứng tổng cộng 1.000 đồng/CP cho cổ tức năm tài chính 2020 so với dự báo của chúng tôi là 1.600 đồng/CP (lợi suất cổ tức 8%).
Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan và giá mục tiêu là 21.700 đồng/CP cho HND, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 10%, bao gồm lợi suất cổ tức 6%, dựa theo giá đóng cửa hôm nay.
CTCK Bản Việt (VCSC)
Doanh thu chung của Thế giới di động và Điện máy xanh (điện thoại di động và điện máy) giảm 23% YoY do Tết Nguyên đán đến chậm hơn trong năm 2021 (giữa tháng 2) so với năm 2020 (cuối tháng 1). Chúng tôi lưu ý rằng đối với các sản phẩm điện thoại di động và điện máy, nhu cầu thường đạt đỉnh trong 2 tuần trước Tết Nguyên đán. Do đó, theo cơ sở so sánh tương đương, kết quả kinh doanh nên được so sánh trên tổng tháng 1-tháng 2.
Trong khi đó, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) mở rộng mô hình Điện máy xanh mini (120-150 m2/cửa hàng) mới từ 302 cửa hàng vào cuối năm 2020 lên 367 cửa hàng trong tháng 1/2021. Trong tháng 1, các cửa hàng này trung bình ghi nhận hơn 1,2 tỷ đồng doanh thu/cửa hàng và đóng góp tổng doanh thu hơn 450 tỷ đồng. MWG đặt kế hoạch đạt tổng cộng 1.000 cửa hàng Điện máy xanh siêu nhỏ vào cuối năm 2021.
BHX (chuỗi bách hóa): doanh thu tăng mạnh 78% so với cùng kỳ năm trước với tổng số lượng cửa hàng đạt 1.749 tính đến tháng 1/2021 so với mức 1.719 tính đến cuối năm 2020 và 1.041 tính đến tháng 1/2020.
Doanh thu/cửa hàng hàng tháng của BHX tăng từ khoảng 1,2 tỷ đồng trong tháng 12/2020 lên khoảng 1,2 tỷ đồng trong tháng 1/2021, chúng tôi cho rằng mức tăng này một phần đến từ việc nâng cấp cửa hàng hiện tại (cụ thể, gia tăng quy mô).
Mô hình lớn nhất của BHX (tối thiểu 500 m2/cửa hàng) đạt số lượng 239 cửa hàng trong tháng 1/2021 – so với mức 182 tính đến cuối năm 2020 – và đóng góp 25% doanh thu của BHX trong tháng 1/2021 so với mức 21% trong tháng 12/2020.
Mảng kinh doanh online diễn biến tích cực. Tổng doanh thu online của Thế giới di động và Điện máy xanh tăng 8% so với cùng kỳ năm trước (theo ước tính của chúng tôi) và chiếm khoảng 8% tổng doanh thu của các chuỗi kinh doanh này trong tháng 1/2021. Mặt khác, doanh thu online của BHX tăng 20% so với tháng trước (MoM) và chiếm 3% tổng doanh thu của BHX trong tháng 1/2021 so với mức 1% trong tháng 1/2021.
Chuỗi nhà thuốc An Khang đạt tổng cộng 75 nhà thuốc tính đến tháng 1/2021, so với 68 nhà thuốc tính đến cuối năm 2020, trong đó 60 nhà thuốc An Khang được tích hợp trong các cửa hàng BHX lớn.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho MWG với giá mục tiêu 183.400 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 46,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 1,1%, dựa theo giá đóng cửa hôm nay.
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 5,8% nhưng nâng khuyến nghị từ phù hợp thị trường lên khả quan khi giá cổ phiếu của Tổng CTCP Bảo Minh (BMI) đã giảm 16,7% trong 3 tháng qua. Mức giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi chủ yếu do mức giảm trung bình 4,1% trong thu nhập ròng giai đoạn 2021-2025.
Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2021/2022/2023 lần lượt 3,2%/8,9%/3,6% chủ yếu do mức tăng bồi thường ròng ba năm 8.0% phần nào được bù đắp bởi (1) mức tăng trung bình ba năm 17,3% trong thu nhập tài chính ròng, (2) mức giảm trung bình ba năm 1,4% trong chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm và (3) mức tăng trung bình ba năm 0,7% trong doanh thu phí bảo hiểm được hưởng.
Yếu tố hỗ trợ: Diễn biến thoái vốn bởi SCIC và AXA với tổng cộng 67,3% cổ phần.
Rủi ro: (1) Các sự kiện thiên tai có thể làm gia tăng tỷ lệ bồi thường; (2) thị trường chứng khoán giảm và lãi suất huy động tiếp tục giảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập tài chính ròng.
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) và tăng giá mục tiêu thêm 7,5% lên 25.800 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 26,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 5,6%.
Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu phản ánh định giá cao hơn cho dự án BOT Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (TL-MT), một phần bị ảnh hưởng bởi khung thời gian thu phí kéo dài hơn dự kiến cho dự án BOT Mở rộng Xa lộ Hà Nội (Xa lộ Hà Nội) từ quý 1/2021 trước đây sang đầu quý 2/2021 và dự án TL-MT từ quý 2/2021 trước đây sang đầu quý 3/2021.
Định giá cao hơn của chúng tôi cho dự án TL-MT chủ yếu do chúng tôi điều chỉnh dự báo cho tăng trưởng lưu lượng giao thông mỗi năm từ 5% lên 8%, phù hợp với dự báo của chủ đầu tư và dẫn đến việc chúng tôi nâng dự báo doanh thu trung bình hàng năm cho dự án này trong giai đoạn 2021-2033 thêm 33% lên 2 nghìn tỷ đồng với mức 1,5 nghìn tỷ đồng trước đây.
Theo dự báo điều chỉnh của chúng tôi đối với các dự án BOT Xa lộ Hà Nội và TL-MT, chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021 thêm 20%. Chúng tôi cũng giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2022 thêm 22% trong khi tăng dự báo năm 2023 thêm 14% khi chúng tôi kéo dài khung thời gian ghi nhận dự án Riverpark Giai đoạn 2 từ năm 2022 trước đây sang giai đoạn 2022-2023.
Trong năm 2021, chúng tôi dự báo doanh thu đạt 5,8 nghìn tỷ đồng (tăng 7,5% so với năm trước đó) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 414 tỷ đồng (tăng trưởng 41%). Lợi nhuận dự kiến tích cực chủ yếu được dẫn dắt bởi việc thu phí từ hai dự án BOT lớn nói trên.
Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của CII sẽ tăng mạnh 180% YoY lên 1,15 nghìn tỷ đồng vào năm 2022, chủ yếu nhờ dự án Riverpark Giai đoạn 2 tại Quận 2, TP.HCM.
Chúng tôi kỳ vọng dòng tiền ổn định đến từ các dự án BOT lớn của CII, cải thiện tình hình tài chính của công ty. Trong khi đó, các dự án bất động sản nhà ở của CII tại TP.HCM sẽ là động lực thúc đẩy lợi nhuận mạnh mẽ trong trung hạn khi các thách thức liên quan đến pháp lý dự kiến sẽ giảm.
Rủi ro: Trì hoãn dự án, tiếp tục trì hoãn thanh toán cổ tức để hỗ trợ vốn xây dựng cơ bản.
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 7% nhưng điều chỉnh khuyến nghị từ mua thành khả quan khi giá cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Công thương (CTG) đã tăng khoảng 15% trong trong 3 tháng qua. Chúng tôi tăng giá mục tiêu của CTG khi nâng dự báo thu nhập ròng trong giai đoạn 2021-2025 thêm 19%. Trong khi đó, chúng tôi giữ P/B mục tiêu không đổi tại 1,7 lần so với dự báo trước đây.
Chúng tôi tăng dự báo thu nhập ròng 2021 thêm 33% so với dự báo trước đây đạt 19,4 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 41%) do (1) mức tăng 11% trong lợi nhuận trước dự phòng và (2) mức giảm 17% trong giả định chi phí dự phòng của chúng tôi.
Chúng tôi dự phóng tăng trưởng cho vay 2021 đạt 9,0% so với năm trước đó và NIM đạt 3,13%. Chúng tôi cho rằng NIM sẽ vượt 3% khi tỷ trọng bán lẻ của CTG gia tăng trong khi chi phí vốn duy trì ổn định.
Chúng tôi duy trì kỳ vọng rằng CTG sẽ nhận được 60 triệu USD phí bancasurrance tiếp cận trong năm 2021.
Chúng tôi cho rằng khả năng sinh lời cải thiện – cùng với sự ổn định của định giá cao hơn cho các ngân hàng SOE – sẽ thu hẹp khoảng cách định giá giữa CTG và BID. Giá mục tiêu thấp hơn tương ứng với P/B 2021 đạt 1,54 lần.
Rủi ro: Rủi ro thực hiện trong gia tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ; thương vụ bancasurrance không ghi nhận như dự kiến; dịch COVID-19 kéo dài dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cao hơn.
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi giữ khuyến nghị khả quan dành cho CTCP Hóa chất Đức Giang (DGC) – dù giá cổ phiếu đã tăng 53% trong 4 tháng qua – khi chúng tôi nâng dự báo lợi nhuận nhờ (1) các dự án chế biến sâu photpho mới của DGC, (2) nhu cầu mạnh mẽ toàn cầu hiện tại dành cho hóa chất photpho vượt kỳ vọng của chúng tôi và (3) chúng tôi đưa dự án BĐS sắp tới DGC vào mô hình định giá.
Chúng tôi nâng dự phóng giá mục tiêu thêm 54% khi chúng tôi nâng dự báo EBITDA 2021-2023 thêm 36%. Không tính mảng bất động sản, dự báo của chúng tôi tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số/EBITDA đạt lần lượt 20%/21% giai đoạn 2020-2023.
Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2021 sẽ tăng mạnh 42% do (1) nhu cầu mạnh mẽ cho hóa chất photpho công nghiệp và phân bón khi hoạt động sản xuất và nông nghiệp toàn cầu gia tăng, và (2) tiết kiệm chi phí từ mỏ đá khai thác quặng apatit mới (mỏ số 25) và hệ thống đốt bùn thu hồi photpho mới.
Rủi ro cho quan điểm của chúng tôi: Thay đổi các quy định trong nước hoặc nước ngoài đối với photpho – đặc biệt là thuế xuất khẩu – sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận và tính cạnh tranh; các sự cố môi trường sẽ dẫn đến gián đoạn hoạt động; giá điện gia tăng ở Việt Nam khi là nguyên liệu đầu vào chính; rủi ro thực hiện của dự án xút clo sắp tới.
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi tăng giá mục tiêu cho Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) thêm 22% khi 1) chúng tôi tăng dự báo lợi nhuận giai đoạn 2021-2025 thêm trung bình 6% và 2) chuyển sang áp dụng 100% mô hình định giá chiết khấu dòng tiền (DCF) thay vì áp dụng mô hình định giá DCF:P/E theo tỷ lệ 80:20 như trước đây.
Tuy nhiên, chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị từ khả quan còn phù hợp thị trường khi giá cổ phiếu của PVS đã tăng khoảng 50% trong 3 tháng qua.
Mức điều chỉnh tăng khoảng 6% trong dự báo lợi nhuận giai đoạn 2021-2025 chủ yếu đến từ lợi nhuận mảng Cơ khí Dầu khí (M&C) cao hơn. Chúng tôi cũng tăng dự báo cổ tức tiền mặt thêm khoảng 43% lên 1.000 đồng/CP trong giai đoạn 2021-2022.
Chúng tôi kỳ vọng EPS cốt lõi năm 2021 sẽ giảm 24,1% YoY khi chúng tôi dự báo 1) lượng công việc mảng M&C thấp hơn, 2) khoản hoàn nhập dự phòng đảm bảo cho mảng M&C thấp hơn và 3) giá thuê ngày thấp hơn của FPSO Ruby II – dù đóng góp lợi nhuận từ FSO Sao Vàng – Đại Nguyệt (SV-ĐN).
Dù kết quả kinh doanh dự kiến ở mức thấp trong năm 2021, chúng tôi duy trì quan điểm tích cực cho triển vọng của PVS trong trung hạn khi công ty sẽ hưởng lợi chính từ sự phục hồi của ngành và cơ hội việc làm trong mảng LNG gia tăng. Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận sẽ phục hồi từ năm 2022 trở đi, đến từ lượng backlog tiềm năng của mảng M&C đạt 2,7 tỷ USD tính đến cuối năm 2021 và lợi nhuận ổn định từ mảng FSO.
Giá dầu tăng gần đây cho thấy rủi ro thanh lý hợp đồng của FPSO Lam Sơn thấp hơn.
PVS có 8,5 nghìn tỷ đồng tiền mặt tại quỹ và tỷ lệ tiền mặt ròng/vốn chủ sở hữu đạt 60% tính đến cuối quý 4/2020, hỗ trợ việc gia tăng công suất và dự báo cổ tức tiền mặt/cổ phiếu dự phóng của chúng tôi là 1.000 đồng trong giai đoạn 2021-2025.
Chúng tôi cho rằng PVS hiện có định giá hợp lý tại P/E năm 2021 và 2022 lần lượt là 17,2 lần và 14,6 lần.
Yếu tố hỗ trợ: cơ hội việc làm mới từ việc mở rộng công suất của trạm LNG Thị Vải.
Rủi ro: lượng công việc của mảng M&C thấp hơn dự kiến trong năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận