Cổ phiếu “bắt sóng” công nghệ, lãnh đạo và cổ đông lớn MFS chốt lời?
Thời gian qua, "sóng" cổ phiếu công nghệ thu hút nhiều sự chú ý, trong đó có cổ phiếu của CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Mobifone (UPCoM: MFS). Trong bối cảnh thị giá ở mức cao so với quá khứ, một vài cổ đông lớn và lãnh đạo của MFS có động thái bán ra cổ phiếu.
Trong giai đoạn cuối tháng 5 đến cuối tháng 6, giá cổ phiếu MFS ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ gần 200%, thanh khoản cũng đột biến hơn, qua đó có lần đầu tiên trong lịch sử chạm đến vùng giá 76,500 đồng/cp (giá cao nhất phiên 24/06). Trong nhiều năm trước đó, MFS chỉ quanh quẩn mức 25,000 đồng/cp.
Không riêng MFS, khoảng thời gian này nhiều cổ phiếu gắn mác “công nghệ, viễn thông” cũng tăng rất mạnh, lan tỏa từ các cổ phiếu vốn hóa lớn như “họ Viettel” (VGI, CTR, VTK, VTP), FPT... đến cổ phiếu của nhiều công ty vốn hóa thấp hơn. Dù đà tăng đã qua và nhiều cổ phiếu giảm giá sau đó, nhìn chung đa số vẫn cao hơn giai đoạn trước khi bùng nổ.
Giá cổ phiếu MFS đã có lúc bứt phá gần 200% so với đầu sóng tăng
Nguồn: VietstockFinance
Giá cổ phiếu cao hơn cũng là lúc các nhà đầu tư đã nắm giữ cổ phiếu ở những giai đoạn trước đó hiện thực hóa lợi nhuận. MFS không phải là ngoại lệ, thậm chí xuất hiện những động thái được cho là “chốt lời” của cổ đông lớn hay lãnh đạo Công ty.
Cụ thể, Phó Tổng Giám đốc Phan Tiến Dũng đã đăng ký bán toàn bộ hơn 139 ngàn cp MFS đang nắm giữ, tương ứng tỷ lệ 1.97% vốn, trong giai đoạn từ 27/06-26/07/2024. Ông Dũng cho biết bán ra vì nhu cầu cá nhân, thông qua 2 phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Xét theo giá đóng cửa phiên 02/07 là 43,500 đồng/cp, ước tính Phó Tổng MFS có thể thu về khoảng 6 tỷ đồng.
Trước đó vào ngày 26/06, ông Nguyễn Duy Hưng – một cổ đông kín tiếng của MFS đã bán hơn 158 ngàn cp, qua đó hạ sở hữu từ gần 1.35 triệu cp (tỷ lệ 19.04%) xuống còn gần 1.19 triệu cp (tỷ lệ 16.8%). Giá đóng cửa của phiên 26/06 là 62,000 đồng/cp, ước tính ông Hưng đã thu về khoảng 10 tỷ đồng.
Về bức tranh kinh doanh, ĐHĐCĐ thường niên 2024 vừa diễn ra vào ngày 27/06 đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 đi lùi, với tổng doanh thu hơn 395 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 15 tỷ đồng, lần lượt giảm 3% và 26% so với thực hiện năm 2023.
Tuy nhiên, lãnh đạo MFS cũng nhận định tình hình năm 2024 còn nhiều khó khăn, doanh thu từ các dịch vụ cốt lõi suy giảm theo xu hướng, mức lương tối thiểu vùng tăng làm tăng mạnh chi phí nhân công... Do đó, trường hợp không đạt kế hoạch, MFS cũng đề ra mục tiêu lãi sau thuế tối thiểu khoảng 12.5 tỷ đồng, tương đương 62% thực hiện năm 2023.
Kế hoạch kinh doanh 2024 đi lùi của MFS
Nguồn: MFS
Đáng chú ý, trong năm 2023, Doanh nghiệp đã không hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Với tình hình kinh doanh "hụt hơi", MFS chỉ chốt chia cổ tức tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ 25% (2,500 đồng/cp), thấp hơn tỷ lệ 30% của năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường